Đại biểu Quốc hội góp ý các vấn đề 'nóng' của dự thảo Luật Đường bộ

Sáng 21/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ.

Qua tổng hợp có 23 ý kiến thảo luận, góp ý về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ.

Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, bảo trì hạ tầng giao thông đường bộ

Đóng góp ý kiến về dự thảo Luật, đại biểu Phạm Văn Thịnh - Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bắc Giang nhất trí với các nội dung dự thảo Luật đã được chỉnh sửa, tiếp thu, trình tại kỳ họp lần này. Theo đại biểu, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, giải trình rất rõ và hợp lý các nội dung tham gia của các đại biểu. Để hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Phạm Văn Thịnh có 2 ý kiến tham gia đóng góp.

 Đại biểu Phạm Văn Thịnh phát biểu tại kỳ họp.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh phát biểu tại kỳ họp.

Thứ nhất: Tại mục 4, Chương 2, Đầu tư kết cấu hạ tầng đường bộ, đại biểu Phạm Văn Thịnh đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung 1 điều quy định mang tính nguyên tắc là: Nhà nước nên có trách nhiệm khuyến khích, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân tự nguyện bỏ vốn để đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, bảo trì hạ tầng giao thông đường bộ. Đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thực hiện để bảo đảm tinh thần khuyến khích, tính chủ động, trách nhiệm phục vụ, hỗ trợ và giải trình của Nhà nước khi tiếp nhận đề xuất của các tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn để đầu tư... vì 3 lý do:

Trước hết: Thực tiễn hiện nay, nhu cầu tổ chức, cá nhân có nguyện vọng tự bỏ toàn bộ hoặc một phần kinh phí để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông nhằm phục vụ lợi ích của mình và đem lại lợi ích cho cộng đồng, lợi ích chung là có và tiềm năng rất lớn. Ví dụ: Chủ đầu tư một khu công nghiệp có quy mô 200-300ha mà khu đất của mình gần đường cao tốc nhưng chưa có đường đấu nối và nút giao, nếu quy hoạch mở mới không vướng các quy chuẩn, trong khi Nhà nước chưa có kế hoạch đầu tư thì chủ đầu tư sẵn sàng có nguyện vọng bỏ kinh phí ra để làm nút giao và đường đấu nối, khi đó chi phí phải tăng thêm bình quân 1 ha đất công nghiệp cũng chưa đến 1 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với lợi ích tăng giá đất công nghiệp nếu có đường đấu nối và nút giao vào cao tốc. Việc này đem lại lợi ích cho chủ đầu tư khu công nghiệp, cho chủ đầu tư đường cao tốc, cho cả Nhân dân, địa phương ở khu vực đó.

Tương tự, một nhóm các nhà đầu tư khu công nghiệp, khu đô thị lớn sẽ sẵn sàng bỏ tiền để đầu tư, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các hạ tầng giao thông kết nối đến khu công nghiệp, khu đô thị để nâng cao giá trị sản phẩm của mình (thực tế tại Bắc Giang đã có nhóm các chủ bến bãi cát sỏi ven sông xin được đầu tư nâng cấp mặt đê với tiêu chuẩn cao hơn tiêu chuẩn cứng hóa mặt đê cấp 2 của cơ quan Nhà nước để vừa phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, vừa phục vụ Nhân dân được tốt hơn). Nhu cầu tổ chức, cá nhân tự bỏ tiền ra đầu tư, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa kết cấu hạ tầng đường bộ rất phong phú, từ các công trình nhỏ như các cây cầu dân sinh tình nguyện, cải thiện hạ tầng nơi sinh sống, kinh doanh, đến các công trình lớn như đã nêu ở trên.

Hai là: Việc bổ sung điều này sẽ mở đường khai thác triệt để phương thức hợp tác công tư trong đầu tư, xây dựng, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, thậm chí là quản lý kết cấu hạ tầng giao thông. Hợp tác công tư trong trường hợp này không trùng hợp với các dự án PPP được quy định tại Luật đầu tư theo phương thức công tư năm 2020. Hợp tác công tư dạng này giải quyết được câu chuyện là đem lại lợi ích cho tổ chức, cá nhân bỏ tiền và lợi ích của cộng đồng, trong khi xã hội lại tiết kiệm được chi phí đầu tư, Nhà nước thì can thiệp tối thiểu, nguồn vốn đầu tư xã hội được phát huy hiệu quả; dễ dàng triển khai được ngay khi không phải thực hiện việc đánh giá hiệu quả đầu tư đối với chủ nguồn vốn đầu tư.

Hợp tác dạng này cũng mở đường cho những cách làm mới trong bảo trì kết cấu đường bộ khi huy động được cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có lợi ích trực tiếp từ đoạn đường, tuyến đường tham gia, giúp Nhà nước tiết kiệm chi phí, có nhiều phương thức bảo trì để đối chứng, từ đó cải thiện hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động bảo trì.

Ba là: Quy định này trong 1 số trường hợp cũng sẽ hỗ trợ cho việc phân chia trách nhiệm trong đầu tư hạ tầng cho tổ chức, cá nhân được hưởng lợi trực tiếp nhiều nhất; dành nguồn lực của Nhà nước cho cộng đồng, khu vực khó khăn hơn; đồng thời cũng giải quyết được câu chuyện phân bổ địa tô tăng thêm khi hạ tầng thay đổi cho cả xã hội cùng hưởng lợi thay vì chỉ một ít người được lợi lớn; hướng đến mục tiêu công bằng xã hội.

Thứ hai: Đại Phạm Văn Thịnh đề nghị bổ sung 1 điểm tại khoản 2, Điều 28 dự thảo Luật là khuyến khích việc lập dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông gắn với thực hiện các dự án tạo quỹ đất sạch hai bên đường để đấu giá, cân đối nguồn vốn trong cùng 1 dự án.

Ví dụ, một tuyến đường cần đầu tư mà quy hoạch hai bên đường hiện có quy hoạch các khu đô thị, khu, cụm công nghiệp (thuộc diện trường hợp Nhà nước thu hồi đất) thì khuyến khích việc lập dự án tổng thể đầu tư xây dựng tuyến đường gắn với dự án tạo quỹ đất sạch để đấu giá, bảo đảm cân đối được nguồn vốn trong cùng dự án. Cách làm này, chúng ta sẽ không thiếu nguồn lực để làm giao thông, phát huy được hình thức đấu giá đất sạch, tăng công khai, minh bạch, phòng ngừa rủi ro tiêu cực. Quy định cụ thể sẽ giao Chính phủ.

“Mở lối” dịch vụ chia sẻ chuyến xe, hạn chế “xe dù, bến cóc”

Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên) cơ bản đồng tình với dự thảo Luật Đường bộ. Quan tâm đến khoản 10 Điều 56, dự thảo Luật quy định đối với loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký hợp đồng vận tải hành khách với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe, nghĩa là mỗi chuyến xe hợp đồng chỉ được chở một hành khách hoặc một nhóm khách duy nhất, đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng việc Ban soạn thảo đưa ra quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng núp dưới bóng xe hợp đồng để kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định. Tuy nhiên, điều này lại đang vô tình hạn chế một loại hình vận tải hành khách phổ biến ở nhiều quốc gia khác, đó là mô hình chia sẻ chuyến xe hợp đồng dưới 10 chỗ thông qua các nền tảng gọi xe trực tuyến.

 Đại biểu Tạ Thị Yên, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên.

Đại biểu Tạ Thị Yên, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên.

Theo đại biểu Tạ Thị Yên, mô hình này mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, vì có thể tối đa hóa số lượng người di chuyển trong một chuyến đi, do đó sẽ giúp giảm đáng kể lưu lượng xe lưu thông trên đường và giải quyết phần nào tình trạng tắc nghẽn giao thông.

Đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo và Cơ quan chủ trì thẩm tra rà soát và điều chỉnh khoản 10 Điều 56 theo hướng vừa kiểm soát tình trạng “xe dù, bến cóc,” nhưng vẫn tạo điều kiện cho dịch vụ chia sẻ chuyến xe dưới 10 chỗ được hoạt động.

Đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng đây cũng là cách thiết thực để thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc dần tiến tới hạn chế phương tiện cá nhân, phát triển vận tải hành khách công cộng, giảm thiểu khí thải nhà kính, sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn lực của xã hội để phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Ý kiến về các vấn đề quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch về kết cấu hạ tầng đường bộ và hệ thống đường địa phương, đường đô thị, đại biểu Lã Thanh Tân (Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng) cho rằng hiện nay vấn đề giao thông đô thị ở các địa phương đang phát sinh nhiều bất cập. Do đó, “cần bổ sung quy định về tỷ lệ đất tối thiểu dành cho giao thông đường bộ tại các đô thị, bao gồm đất dành cho xây dựng đường, vỉa hè, bến xe khách, điểm đỗ dừng đón, trạm trả khách cho xe bus…,” đại biểu đề xuất.

Về hoạt động vận tải đường bộ, quy định tại khoản 5 Điều 56 về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của dự thảo, theo đại biểu Lã Thanh Tân là chưa đầy đủ. Đại biểu đề nghị xem xét, chỉnh lý quy định hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là hoạt động do tổ chức, cá nhân sử dụng ô tô để vận chuyển hàng hóa, hành khách cho người có nhu cầu vận chuyển hàng hóa hoặc có nhu cầu đi lại có thu tiền cước vận tải, kinh doanh vận tải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, giao Chính phủ quy định cụ thể điều này.

Đề nghị bổ sung thêm “đường tốc độ cao”

Góp ý vào dự án Luật này, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) quan tâm đến Điều 10 quy định cấp kỹ thuật của đường bộ. Theo đó, tại khoản 2 Điều 10, đại biểu cho rằng, đường tốc độ cao khác với đường cao tốc vì có thể không có dải phân cách, không có đường lánh nạn, tổ chức giao thông giống như đường quốc lộ. Đường tốc độ cao cũng khác với đường quốc lộ là không có dân cư hai bên.

Đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung thêm “đường tốc độ cao” để bao quát hết các loại đường và tổ chức giao thông cho phù hợp đối với đường cao tốc, đường tốc độ cao và đường quốc lộ.

Về Điều 11, đại biểu bày tỏ thống nhất với việc đặt tên, đổi tên và số hiệu đường bộ với các quy định trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, đối với đường cao tốc sử dụng nhiều, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị cần quy định cách đặt tên đường cao tốc sao cho khoa học để người tham gia giao thông thuận tiện cho việc đi lại. Bên cạnh đó, đường cao tốc ở địa phương nối vào đường cao tốc chính thì cần thêm các kí tự “a, b, c, d…,” và biển chỉ dẫn trên các tuyến đường cao tốc cũng cần được quy định rõ ràng.

 Đại biểu Nguyễn Thị Huế, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Huế (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) ghi nhận dự thảo Luật trình lần này có nhiều tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung phù hợp. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu đề nghị một số nội dung.

Về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu đề nghị bổ sung hành vi lập chốt thu phí sử dụng đường bộ trái pháp luật. Đại biểu lý giải cho đề xuất này là trước thực tiễn đã xảy ra nhiều trường hợp người dân tự ý lập chốt thu phí. Mặt khác, theo Nghị định 100/2029/NĐ-CP có quy định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xây dựng hoặc thành lập trạm thu phí đường bộ khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước đồng ý. Do đó, việc bổ sung hành vi này vào điều cấm là phù hợp.

Về việc sử dụng đất hành lang an toàn đường bộ (Điều 16), đại biểu Nguyễn Thị Huế cho biết, thực tiễn quản lý đất hành lang an toàn đường bộ đối với đất chưa thu hồi gặp rất nhiều khó khăn. Để thuận lợi, rõ ràng và minh bạch trong quá trình áp dụng, đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung cụ thể trong dự thảo Luật phạm vi người sử dụng được thực hiện hay không được thực hiện liên quan đến hành lang an toàn đường bộ chưa được Nhà nước thu hồi đất.

Theo TTXVN - Thu Hằng

Thu Hằng

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/dai-bieu-quoc-hoi-gop-y-cac-van-de-nong-cua-du-thao-luat-duong-bo-151153.bbg