Đại biểu quốc hội không hài lòng với công tác quy hoạch

Tại phiên họp toàn thể lần thứ 3, cho ý kiến về dự án Luật Quy hoạch, các đại biểu quốc hội đã nêu nhiều hạn chế, yếu kém trong công tác quy hoạch. Đặc biệt, nhiều đơn vị quy hoạch quá đà gây lãng phí ngân sách, nên việc sửa Luật Quy hoạch là cấp bách.

Ảnh minh họa

Sau 30 năm đổi mới, nền kinh tế của đất nước đã có nhiều thay đổi; quy mô nền kinh tế lớn gấp nhiều lần trước đây, trong khi công tác quy hoạch chưa theo kịp sự đổi mới và đã bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, gây khó khăn trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành.

Đồng thời, việc quy hoạch chưa theo kịp sự đổi mới đã làm lãng phí nguồn lực của đất nước, ảnh hưởng tới môi trường sinh thái và cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân.

Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ KHĐT, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Luật cho biết, thời gian qua công tác quy hoạch có rất nhiều hạn chế, yếu kém. Nếu thời kỳ 2001 – 2010 chỉ lập 3.114 quy hoạch, thì đến thời kỳ 2011 – 2020 đã lập 12.860/19.285 quy hoạch.

Tuy nhiên, trái ngược với số lượng bùng nổ, chất lượng quy hoạch được nhận định là “quá thấp”. Chẳng hạn, quy hoạch xi măng được Thủ tướng phê duyệt đến nay đã điều chỉnh 3 lần, hay quy hoạch điện, than cũng đã và đang phải điều chỉnh; quy hoạch diện tích cao su sẽ ổn định 800.000 ha, nhưng đến nay đã vượt trên 155.700 ha; theo quy hoạch cà phê, đến nay diện tích cà phê của các tỉnh Tây Nguyên đã vượt 114.000 ha.

Nêu thực tế quy hoạch theo “phong trào”, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Đoàn Văn Việt phân tích, vì tâm lý muốn đẩy lên một bước cho viễn cảnh tươi sáng, nên nhiều địa phương nên cố thuyết phục cấp trên, thậm chí vận động hành lang để phê duyệt quy hoạch “đẹp như tranh” nhưng giữa quy hoạch và thực tế có khoảng cách không nhỏ.

Ông Hoàng Văn Trà, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên nói tình trạng quy hoạch chồng quy hoạch, đến mức là lãnh đạo địa phương cũng không nắm hết.

“Văn bản anh em cứ trình lên là đúng quy hoạch, nhưng quy hoạch nào? Tôi vừa ký vừa run vì không biết phù hợp với quy hoạch này nhưng có vi phạm quy hoạch khác hay không?”.

Ông Trần Hoàng Ngân, thành viên Ủy ban Kinh tế cho biết, đơn kiến nghị của cử tri nằm phần lớn ở chồng lấn quy hoạch, quy hoạch treo kéo dài gây bức xúc. Thời gian qua quá lạm dụng quy hoạch nên ở các địa phương số lượng tăng rất nhanh. Vì vậy, cần phải có tiếng nói để các địa phương xóa các quy hoạch treo, quy hoạch không phù hợp để tạo điều kiện cho dân đầu tư, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Minh Quang -

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/dai-bieu-quoc-hoi-khong-hai-long-voi-cong-tac-quy-hoach-85989.html