Đại biểu Quốc hội: Lãng phí khi ai cũng muốn có trụ sở hành chính riêng

Ý tưởng tổ chức một trung tâm hành chính tập trung cho cơ quan thường trú của các bộ ngành ở địa phương tiếp tục nhận được nhiều tranh luận tại Quốc hội về tính khả thi.

Thực tế việc sử dụng tài sản công, tài sản Nhà nước lãng phí được các đại biểu Quốc hội nêu khi thảo luận ở tổ về dự Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi) sáng 31/10. Nói về việc sử dụng trụ sở công, Phó bí thư thành ủy TP HCM - Nguyễn Thị Quyết Tâm cho hay báo cáo thẩm tra đề nghị áp dụng mô hình trụ sở tập trung nhưng cũng có ý kiến nên quản lý như hiện nay.

Cá nhân bà Tâm bày tỏ vừa đồng tình, vừa có ý kiến khác về vấn đề này, bởi quản lý tập trung hay trụ sở tập trung là khác nhau. Hiện có một số mô hình khu hành chính tập trung, nên phải có đánh giá tác động như thế nào từ thực tế. “Có ý kiến đề nghị giao một bộ làm đầu mối quản lý các trụ sở ở Trung ương, tôi chưa hình dung quản lý thế nào có “đẻ” thêm bộ máy hay không cũng cần làm rõ”, đại biểu Quyết Tâm nói.

Bà Tâm cũng nêu lên bất cập trong việc quản lý cơ sở 2 của bộ, ngành tại các tỉnh thành hiện nay. “Trước đây, Chính phủ có ý tưởng xây khu hành chính tập trung cho các cơ quan Trung ương có cơ quan đại diện ở phía Nam nhưng không thực hiện được vì các bộ không ai muốn, ai cũng có một trụ sở riêng”, Phó bí thư thành ủy TP HCM kể và cho rằng đây là điều bất cập.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng quản lý tập trung và trụ sở tập trung là 2 khái niệm khác nhau. Ảnh: Giang Huy.

Theo bà, vấn đề thu hồi tài sản công không sử dụng để lãng phí là câu chuyện muôn thuở. TP HCM có nhiều trụ sở bỏ trống không phải 2 năm mà mấy chục năm không làm gì cả, nhưng không thu hồi được.

“Hội đồng nhân dân đi giám sát thấy thực tế này và đề nghị thu hồi để làm bệnh viện, trường học nhưng không được. Kể cả thành phố đưa đất, ứng vốn để xây dựng nhưng sau đó đề nghị giao lại trụ sở cũng không được”, bà Tâm nêu thực tế và đề nghị luật phải chế tài đủ mạnh chỗ này để xử lý được.

Còn theo đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội), dự luật đang quy định “nước đôi” về khu hành chính tập trung và trụ sở độc lập. Dẫn trường hợp khu hành chính tập trung trị giá 2.000 tỷ đồng của Đà Nẵng, đại biểu Quốc Khánh cho rằng, Đà Nẵng xây tòa tháp rất hay, nhưng tới khi muốn bỏ lại nêu lý do “không đảm bảo kỹ thuật”. “Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm khi 2.000 tỷ đồng ngân sách đã bỏ ra xây trụ sở hoàn tráng như vậy?”, bà đặt câu hỏi.

Từ thực tế này, vị nữ đại biểu Hà Nội bày tỏ, Chính phủ và các bộ ngành liên quan phải ngồi lại để xây dựng mô hình hành chính tập trung áp dụng chung cả nước. Ngoài ra, dự luật cũng cần “gia công” thêm theo hướng tăng trách nhiệm quản lý Nhà nước, bảo đảm tính thống nhất. “Công sở Nhà nước thì phải hướng đến cái chung, đồng bộ. Ở Malaysia, 8 bộ người ta tập trung ở tháp đôi, mình mỗi bộ một nơi”, bà nói.

Cũng theo quy định tại dự thảo, đơn vị sự nghiệp công lập được khai thác tài sản công vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết…

Cho ý kiến Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển (đại biểu tỉnh Lai Châu) nhấn mạnh, tài sản Nhà nước rất lớn, nhưng việc sử dụng lại kém hiệu quả, lãng phí, chưa kể bị lợi dụng để kinh doanh mà không kiểm soát được.

“Nhiều tài sản của các cơ quan, từ Trung ương đến địa phương, rất nhiều nơi sử dụng đất đai, nhà cửa, thậm chí kể cả vỉa hè ở các thành phố lớn, nhưng tiền thu được vào đâu, vào ngân sách hay chui vào túi cá nhân”, Phó chủ tịch nói.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội, tài sản công nếu đem ra kinh doanh đều phải được kiểm soát ở các góc độ khác nhau. “Doanh nghiệp hạch toán kế toán, quản lý qua hệ thống thuế, các cơ quan sự nghiệp kinh doanh cũng thế. Nếu không, tài sản công lớn, khai thác rất mạnh, nhưng tiền không vào Nhà nước”, ông Hiển nhấn mạnh.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - Võ Văn Thưởng trao đổi với đại biểu bên hành lang Quốc hội sáng 31/10. Ảnh: Giang Huy.

Đại biểu Hồ Đức Phớc (Nghệ An) thì đề nghị bỏ quy định các cơ quan Nhà nước (đơn vị sự nghiệp) được sử dụng các văn phòng, trụ sở, hội trường, xe… để cho thuê. “Nếu cho phép cơ quan Nhà nước cho thuê lại tài sản công thì sẽ có tình trạng chạy theo lợi ích. Khi lập dự toán, đáng ra công trình chỉ làm 2 tầng thì người ta sẽ lập ra 5 tầng, đáng ra 2.000 m2 nhưng lập dự toán 5000 m2 để cho thuê. Cho thuê thì sau này sử dụng tiền này như thế nào?”, Tổng kiểm toán Nhà nước nêu quan điểm.

Về điểm này, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cũng đề nghị, đưa cả cấp biển số đẹp vào dự luật để đấu giá tránh thất thoát, ngăn chặn nhóm lợi ích.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) thì cho rằng, phải quy định rõ những loại tài sản nào được chuyển nhượng theo nguyên tắc thị trường, do tài sản công không được tùy tiện bán, chuyển nhượng. Ông Nghĩa lấy ví dụ về việc cổ phần hóa khi định nghĩa không theo thị trường, tính vào vốn của doanh nghiệp. Nhưng khi cổ phần hóa xong thì tài sản đó được định giá theo thị trường và doanh nghiệp được lợi rất nhiều.

“Tài sản công mất rất nhiều qua cổ phần hóa. Nếu doanh nghiệp nào không có ưu đãi nhất định thì không chịu cổ phần hóa, cứ “ngâm” hoài”, ông Nghĩa phân tích.

Ngoài ra, đại biểu Nghĩa cũng cho rằng, dự thảo luật quy định 3 loại tài sản công thuộc lực lượng vũ trang là chưa đầy đủ. Hiện lực lượng vũ trang sở hữu nhiều tài sản không phải 3 loại này như đất biến thành khách sạn, sân goft… thì xử lý thế nào.

“Đã làm kinh tế thì không xếp vào quốc phòng – an ninh nữa. Hiện nay lực lượng vũ trang sở hữu nhiều loại tài sản này lớn chứ không phải nhỏ. Ví dụ như đất quốc phòng cho tư nhân vào đầu tư, biến thành sân goft, khách sạn… thì phải xem xét lại chỗ này”, ông lưu ý.

Theo Vnexpress

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/thi-truong/dai-bieu-quoc-hoi-lang-phi-khi-ai-cung-muon-co-tru-so-hanh-chinh-rieng-87930/