Đại biểu Quốc hội lo ngại Tây Nguyên bị sa mạc hóa

Theo bà Ksor Phước Hà, không những rừng bị tàn phá nặng nề mà "người ta còn đào đất rừng mang đi".

Đại biểu Ksor Phước Hà. Ảnh: Quochoi

Thảo luận về dự án Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) ngày 19/6, đại biểu Quốc hội Ksor Phước Hà - Phó trưởng Công an thị xã Ayun Pa (Gia Lai) nêu thực trạng, mỗi năm cả nước xảy ra 7.000 vụ phá rừng, 20.000 vụ vận chuyển chế biến lâm sản trái phép. Theo vị đại biểu này, rừng không chỉ là những thân cây to và tán lá rộng mà còn là hệ sinh thái thảm thực vật.

"Các sinh vật đang ngày đêm tìm cách sinh tồn dưới sự truy sát của con người. Trong khi đó con người cũng đang vật vã, hổn hển, khi một người trưởng thành phải hít khoảng 6 triệu tấn ôxy mỗi năm, và sẽ tìm đâu ra khi nhà nhà điều hòa, xe máy, ôtô...", bà Ksor Phước Hà nói.

Theo bà Ksor Phước Hà, Tây Nguyên đang ngày càng bị sa mạc hóa. Không những rừng bị tàn phá nặng nề mà đến đất rừng cũng bị đào bới mang đi. "Đất rừng còn bị mang đi bán thì trồng rừng bằng niềm tin hay sao? Ta có nên gọi đối tượng này là địa tặc hay không? Tôi đề xuất cần phải xử lý việc lấy đất rừng cũng như xử lý việc phá cây rừng", bà nói.

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng - Thiếu tướng, Phó Chính ủy Quân khu 7 cũng cho rằng, rừng giàu tài nguyên đã bị cạn kiệt, liên tục suy giảm về chất lượng, khiến các động, thực vật trong rừng bị đe dọa. Theo ông Hoàng, mặc dù hệ thống quản lý, bảo vệ rừng đã được thiết lập từ trung ương đến cơ sở, nhưng tình trạng vi phạm còn diễn ra phổ biến tại một số địa phương, đặc biệt tại các khu rừng phòng hộ, giàu trữ lượng gỗ quý hiếm.

"Tôi khẩn thiết đề nghị Quốc hội quy định cụ thể việc đóng cửa rừng tự nhiên và dừng ngay việc khai thác gỗ rừng tự nhiên trong phạm vi cả nước", ông Hoàng nói.

Đại biểu Hoàng khẳng định vai trò của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng biên giới trong việc bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, hiện đời sống nhân dân tại các khu vực này rất khó khăn với hơn 60% hộ nghèo. Thu nhập từ rừng của họ chỉ đảm bảo cuộc sống từ 8% - 10% trong năm, với mức từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng một ha.

Theo ông, khi quy định về giao rừng thì Ban soạn thảo cần ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại chỗ hoặc bổ sung thêm các quy định về quyền, nghĩa vụ của chủ rừng, nhằm bảo đảm đời sống bà con.

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng, Phó chính ủy Quân khu 7. Ảnh: Quochoi

Đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh đề nghị bổ sung quy định cụ thể về thẩm quyền giao rừng, cho thuê, thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng từ trung ương đến địa phương. Theo bà Trinh, cần làm rõ chủ rừng là các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng có được cho thuê lại rừng hay không. Đặc biệt nên cân nhắc kỹ việc giao thẩm quyền này cho cấp huyện, vì thực tế vừa qua nhiều huyện đã để xảy ra sai phạm nghiêm trọng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy định về giao rừng, cho thuê rừng để phù hợp với yêu cầu thực tiễn. "Giao rừng, cho thuê rừng để rừng có chủ thực sự là chủ trương nhất quán trong dự thảo Luật lần này", ông nói.

Về phía Bộ Nông nghiệp cũng sẽ bổ sung quy định về đóng cửa rừng tự nhiên, đẩy mạnh dịch vụ môi trường rừng, khuyến khích sản xuất nông lâm kết hợp và phát triển lâm sản ngoài gỗ, đặc biệt là cây dược liệu để tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người làm nghề rừng.

Nguồn Ngày Nay: http://www.ngaynay.vn/xa-hoi/dai-bieu-quoc-hoi-lo-ngai-tay-nguyen-bi-sa-mac-hoa-49874.html