Đại gia địa ốc xé rào

Được coi là những doanh nghiệp bất động sản quy mô với những dự án trải dài nhưng trong quá trình triển khai, nhiều 'ông lớn' lại vi phạm hàng loạt quy định.

Chuyên gia bất động sản ở TP.HCM nhận định luật, quy định đã có nhưng nhiều doanh nghiệp sẵn sàng "ngồi trên luật", với những vi phạm mang tính hệ thống, kéo dài, và lặp lại.

“Xé rào” từ Bắc vào Nam

Ngoài nổi tiếng với danh xưng “trùm” nhà giá rẻ ở Hà Nội, Mường Thanh còn được biết đến bởi sai phạm có tính chất hệ thống, như xây dựng khi chưa có giấy phép, xây vượt tầng, phá vỡ quy hoạch, không thực hiện đủ nghĩa vụ tài chính…

Tại Hà Nội, nhiều dự án của doanh nghiệp này bị phát hiện sai phạm, bị kiến nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra. Điển hình là khu đô thị Đại Thanh xây dựng khi chưa có quyết định giao đất, chưa được các cấp thẩm quyền phê duyệt, chuyển nhượng bất hợp pháp, chưa nộp tiền sử dụng đất.

Ở dự án Kim Văn - Kim Lũ, chủ đầu tư đã "biến" tầng 2 của 2 tòa CT11, CT12 từ mục đích sử dụng dịch vụ thương mại, công cộng thành căn hộ để bán. Dự án này còn thi công thiếu cửa chống cháy, không có hệ thống thông gió tầng hầm...

Tổ hợp chung cư HH, một trong các dự án của Mường Thanh ở Hà Nội. Ảnh: Tiến Tuấn.

Tổ hợp chung cư HH, một trong các dự án của Mường Thanh ở Hà Nội. Ảnh: Tiến Tuấn.

Ở các địa phương khác như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Bình Thuận… Mường Thanh vi phạm hàng loạt về giấy phép xây dựng, chất lượng công trình, xây vượt tầng, sai quy hoạch.

Một chủ đầu tư khác cũng vướng nhiều vi phạm khi triển khai các dự án tại nhiều tỉnh, thành, là Công ty cổ phần Tập đoàn FLC.

Kết luận thanh tra Bộ Xây dựng công bố mới đây chỉ ra hàng loạt vi phạm của doanh nghiệp này tại dự án FLC Sầm Sơn, FLC Samson GolfLinks, FLC Nhơn Lý.

Các vi phạm của chủ đầu tư liên quan đến chất lượng công trình, hồ sơ, quy hoạch với một số hạng mục trong dự án. UBND tỉnh Thanh Hóa còn được yêu cầu báo cáo Chính phủ việc chuyển đổi đất rừng phòng hộ sang đất làm sân golf sai quy định.

Tại Hà Nội, dự án FLC Garden City của doanh nghiệp có công trình xây dựng không phép 18 tầng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng từng có phát ngôn về dự án này trong phiên họp báo Chính phủ vào tháng 5 vừa qua. Ông Mai Tiến Dũng cho rằng các công trình xây dựng phải thực hiện theo quy trình, có cấp phép, nếu không cấp phép thì phải xử theo quy định.

Vào tháng 3, FLC Halong Bay Golf Club & Luxury Resort (FLC Hạ Long) chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường, bị Bộ Tài nguyên - Môi trường yêu cầu dừng xây dựng nhưng chủ đầu tư vẫn thi công.

Một doanh nghiệp khác cũng bị phát hiện nhiều sai phạm là Kinh Đô TCI Group. Doanh nghiệp này là chủ đầu tư các dự án 93 Lò Đúc, Kinh Đô Tower (8B Lê Trực), Capital Garden (102 Trường Chinh), Discovery Complex...

Dự án 8B Lê Trực được cơ quan chức năng kiểm tra và kết luận xây tăng diện tích sàn so với giấy phép. Còn tại dự án chung cư cao cấp Capital Garden, Kinh Đô TCI bị tố cáo cắt giảm nhiều hạng mục so với cam kết lúc chào bán, nhiều hạng mục chưa đủ điều kiện nghiệm thu phòng cháy chữa cháy…

Nhiều hạng mục trong dự án FLC Sầm Sơn của FLC bị Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra nhiều vi phạm. FLC Sầm Sơn cũng không phải là dự án đầu tiên của chủ đầu tư này bị phát hiện các vi phạm. Ảnh: Nguyễn Dương.

Vào năm 2015, dự án Discovery Complex của chủ đầu tư này bị đình chỉ khi cơ quan chức năng phát hiện chủ đầu tư thay đổi thiết kế, xây sai phép số căn hộ từ 360 căn lên 500 căn khi chưa hoàn tất nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

"Việc thượng tôn pháp luật của doanh nghiệp không chỉ là thể hiện chấp hành quy định mà còn là đẳng cấp của chính doanh nghiệp đó".

Chuyên gia BĐS TP.HCM

Ông lớn Bitexco cũng vừa bị công bố vướng một số sai phạm về dự án BT đường bao quanh công viên Chu Văn An tại siêu dự án 1,9 tỷ USD The Manor Center Park trên đường vành đai 3 (Hà Nội).

Bitexco còn vướng vào loạt vụ việc như tự ý chuyển đổi chức năng của tầng hầm từ đỗ xe thành siêu thị thuộc dự án TTTM The Garden, bên cạnh việc chậm bàn giao sổ đỏ cho hàng trăm hộ dân cư của khu chung cư cao cấp The Manor&Villas Hà Nội, "bỏ quên" công tác bảo trì khu The Mannor.

'Phạt như gãi ghẻ'

Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, bày tỏ quan điểm với Zing.vn, rằng hiện tại cơ chế xử lý các vi phạm tại Việt Nam chưa đủ sức để răn đe.

Ông cho biết có hai cách mà cơ quan chức năng thường áp dụng khi xử phạt công trình vi phạm. Cách thứ nhất là phạt để cho tồn tại. Do đó, doanh nghiệp, chủ đầu tư các dự án tính ra cái lợi thu được cao gấp nhiều lần phần họ bị phạt nên thà chịu vi phạm còn hơn.

Cách thứ hai là nếu như phá bỏ phần vi phạm thì cũng cần có tiền, cần có nguồn lực. “Hai bên cứ thi gan vậy, đến khi không ai chịu ai thì thôi”, ông Liêm nói.

Riêng vấn đề vi phạm của doanh nghiệp mang tính chất hệ thống với tần suất cao, lãnh đạo Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng đó là vấn đề quá phức tạp.

Sai phạm từ Bắc tới Nam của 'đại gia điếu cày' Lê Thanh Thản Không chỉ tại Hà Nội, tập đoàn Mường Thanh nhiều năm nay liên tiếp vướng sai phạm trong xây dựng tại các dự án đầu tư ở các tỉnh thành trong cả nước.

Việc xử lý cần đưa nguyên tắc khiến cho các lợi ích do việc vi phạm mang lại bị triệt tiêu hoàn toàn. Theo ông, chỉ đánh vào kinh tế với mức tương xứng lợi nhuận thu về từ việc vi phạm như vậy thì mới có thể triệt tiêu được vi phạm của doanh nghiệp, nhất là những trường hợp sai tái diễn, sai có tính chất hệ thống.

“Vi phạm mà đem về lợi ích nhiều cho chủ đầu tư thì cần phạt với số tiền tương đương, nhiều phạt nhiều, ít phạt ít mới có tác dụng răn đe. Cần thiết còn phải có chuyên gia đến đánh giá phần vi phạm đem lại bao nhiêu tiền, cần nữa thì yêu cầu tòa án vào cuộc. Chứ như giờ, phạt vài chục triệu thì như gãi ghẻ, thậm chí mức phạt chỉ như giá bán một m2 thì không hiệu quả”, ông Liêm nói.

Còn theo một cán bộ thanh tra xây dựng tại Hà Nội, không có khái niệm “vi phạm không nghiêm trọng” trong kết quả thanh tra, vì theo luật đã là vi phạm thì sẽ là vi phạm và doanh nghiệp sẽ bị xử lý theo quy định.

Thượng tôn pháp luật

Một chuyên gia bất động sản tại TP.HCM cũng thừa nhận đúng là có những chủ đầu tư vi phạm mang tính hệ thống, kéo dài, lặp đi lặp lại.

Ông cho rằng thứ đặt lên hàng đầu là tinh thần thượng tôn pháp luật, kinh doanh có văn hóa, có triết lý đầy đủ và không kinh doanh trên rủi ro của người khác.

“TP.HCM có những doanh nghiệp như vậy. Họ chấp nhận lợi nhuận vừa phải và kinh doanh theo văn hóa cùng thắng, không phải mình mình thắng. Không có chuyện doanh nghiệp móc ngoặc với cán bộ để được làm ngơ, làm sai, đến khi sự việc khui ra thì rất nhiều bên khổ”, ông chia sẻ.

Vị này cũng cho rằng trên "sân chơi chung", bất cứ đơn vị nào tham gia cũng đều bình đẳng và không có chuyện là doanh nghiệp lớn, có đóng góp thì được ưu ái để “xé rào”.

Việc thượng tôn pháp luật của doanh nghiệp không chỉ là thể hiện chấp hành quy định mà còn là đẳng cấp của chính doanh nghiệp đó.

“Nếu cứ liên tục làm sai, đổ thừa, vin lý do thì không thể chấp nhận được. Nếu sai phạm có tính chất hệ thống thì người dân, nhà đầu tư vào dự án sẽ là những người bị ảnh hưởng đầu tiên. Các vấn đề về chất lượng công trình cần phải bị phê phán một cách mạnh mẽ”, vị này bình luận.

Dù thế, ông này cho rằng cũng cần nhìn mặt thứ hai về việc đổi mới thủ tục.

Đây cũng là quan điểm của lãnh đạo tỉnh Bình Định khi phản hồi về những sai phạm của FLC được nêu trong kết luận của Thanh tra Xây dựng. Ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết sai phạm do việc xin thủ tục hết sức rườm rà.

Đô thị đáng sống đầu tiên tại Hà Nội bị ‘chém nát’ quy hoạch Từng là khu đô thị đầu tiên và được công nhận là kiểu mẫu, nơi đáng sống của Hà Nội nhưng Linh Đàm đã bị "phá nát" quy hoạch ban đầu khiến không ít người tiếc nuối.

Minh Châu - Hoàng Anh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/dai-gia-dia-oc-xe-rao-post766350.html