Đại gia mua sưa 200 tuổi sợ lỗ: Tiết lộ sốc

Nếu tìm được người hiểu đúng giá trị của cây sưa này thì chắc chắn số tiền lãi thu được sẽ chẳng kém số tiền mà người mua bỏ ra''

Thông tin về cây sưa đỏ đại thụ hơn 200 tuổi tại xã Hà Mãn (Thuận Thành, Bắc Ninh) được bán với giá 24,5 tỷ đồng đang được dư luận hết sức quan tâm.

Chia sẻ với báo chí, người đấu giá thành công cây sưa đại thụ cho biết, đang sợ lỗ vì thời gian đấu giá đã lâu sau đó cây mới được chặt hạ.

Không có chuyện lỗ

Trao đổi với Đất Việt sáng 27/3, ông N.H.M (xin phép được giấu tên) - Giám đốc một doanh nghiệp chuyên kinh doanh các sản phẩm gỗ sưa cho rằng, đối với cây sưa 200 tuổi ở Thuận Thành, giá 24,5 tỷ là hoàn toàn chấp nhận được và không cần phải lo nghĩ tới chuyện sẽ bị lỗ.

Theo quan sát của ông M. cây sưa với tuổi đời 200 tuổi, lại là loại sưa đỏ (một trong những loại sưa có giá trị nhất) thân thẳng, nhiều cành to, thì có thể khẳng định đây là hàng hiếm nếu không muốn nói là độc nhất vô nhị ở Việt Nam.

Gốc sưa đại thụ 200 tuổi tại đình làng Đông Cốc bị chặt hạ

''Nhìn những hình ảnh khai thác cây sưa ở Thuận Thành, phần vỏ bên ngoài mỏng, phần lõi rất lớn, nghĩa là phần bỏ đi của cây sưa này không nhiều. Thân cây tròn thẳng, đường kính lớn, nên rất dễ pha gỗ, có thể làm những món đồ lớn mà những cây sưa bình thường khác không thể làm được.

Tất nhiên, giá trị của những món đồ này là cực lớn. Quan trọng là người bán có tìm được người mua trả với giá hợp lý hay không thôi. Nếu tìm được người hiểu đúng giá trị của cây sưa này thì chắc chắn số tiền lãi thu được sẽ chẳng kém số tiền mà người mua bỏ ra.

Nói về chuyện bán đồ mỹ nghệ cao cấp như gỗ sưa đỏ đại thụ như vậy rất khó, nó còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố'', ông M. khẳng định.

Cá nhân vị Giám đốc cũng không dám nghĩ tới chuyện mình sở hữu một cây sưa đỏ đại thụ như vậy. Ông cho biết, từ trước tới nay, ông chỉ có thể mua được những gốc sưa nhỏ, tuổi đời từ 30 - 40 năm với giá dao động từ 1 - 2 tỷ.

''Với những cây sưa lên đến hàng trăm tuổi đời như ở Thuận Thành, không phải ai cũng có thể mua được. Thậm chí là có tiền cũng không mua nổi. Nó còn liên quan đến rất nhiều vấn đề, tôi không tiện nói ra'', ông M. chia sẻ.

Bản thân ông M. cũng từng nghe trong giới kinh doanh nói về gốc sưa đỏ 200 tuổi ở Thuận Thành được một đại gia trả giá 50 tỷ. Đến bây giờ khi biết tin cây sưa được bán với giá 24,5 tỷ ông cũng cảm thấy giật mình.

Mỗi khẩu được chia 10 triệu

Cùng ngày, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hiến, Chủ tịch UBND xã Hạ Mãn (Thuận Thành, Bắc Ninh) cho biết, số tiền 24,5 tỷ đồng đã được ông Nguyễn Văn Hùy nộp cho công ty CP đấu giá Việt Nam (công ty trung gian) ngay sau khi trúng đấu giá cây sưa 200 năm tuổi tại đình làng Đông Cốc từ tháng 8/2016.

Trước Tết, công ty đấu giá đã chuyển số tiền là 15,5 tỷ đồng và sau Tết chuyển thêm 500 triệu đồng, tổng cộng là 16 tỷ đồng.

Số tiền này được đưa cho nhân dân giữ lại và chia cho từng nhân khẩu trong thôn Đông Cốc. Việc chia tiền do ban Cộng đồng dân cư được người dân bầu lên tiến hành từ trong Tết.

Cụ thể, số tiền trên được chia cho từng nhân khẩu trong thôn Đông Cốc, mỗi nhân khẩu là 10 triệu đồng. Ngoài ra, những người con của quê hương như con gái trong thôn đã đi lấy chồng hay người chuyển đi thì được số tiền là 5 triệu đồng.

Có khoảng 1500 khẩu được 10 triệu đồng/khẩu. Con gái đi lấy chồng hay người quê hương là 5 triệu. Tổng số tiền chia cho người dân xấp xỉ 17 tỷ đồng.

Số tiền 8,5 tỷ (trong đó có 1,5 tỷ đồng mà ông Hùy hỗ trợ thêm cho nhân dân để sản xuất, tu bổ các công trình phúc lợi) còn lại sẽ được dùng để tu bổ đình chùa, khu di tích và các công trình phúc lợi trong thôn.

''Số tiền 8,5 tỷ này vẫn được CP đấu giá Việt Nam giữ lại. Họ yêu cầu sau khi khai thác sưa trả người đấu giá xong, họ sẽ trả hết tiền trong vòng 5 ngày.

Tuy nhiên, do người dân đề nghị chuyển tiền xong mới cho khai thác nên ông Hùy đã ứng trước ra. Hiện tại số tiền này được gửi ngân hàng, do ban Cộng đồng dân cư đứng tên quản lý'', Chủ tịch UBND xã Hà Mãn thông tin thêm.

Ông Hiến cho biết, khi đấu thầu xong thì nhà nước quy định là phải gửi về nhà nước. Sau đó, khi xây dựng công trình gì thì sẽ được sử dụng. Tuy nhiên, người dân không đồng tình và yêu cầu số tiền thu được phải đưa về thôn để thôn quản lý và sử dụng. Nếu không họ sẽ không cho khai thác.

''Trước vấn đề này, UBND xã cũng đã có kiến nghị lên cấp trên, sau đó tỉnh có cho ý kiến rằng, cây sưa này là cây phân tán trong cộng đồng dân cư, nên sẽ giao về cho thôn.

Tỉnh cũng chấp thuận phương án sử dụng một phần tiền bán sưa chia cho các hộ dân để phát triển kinh tế hộ gia đình, một phần được sử dụng để tu bổ đình chùa, khu di tích và các công trình phúc lợi trong thôn.

Bên cạnh đó, tỉnh yêu cầu xã khảo sát rồi thống kê danh sách các nhân khẩu được nhận nhận tiền theo đúng quy định. Khi hỗ trợ cho dân xong không được khiếu kiện'', ông Hiến chia sẻ.

Trước việc dư luận cho rằng gỗ của cây sưa này sẽ được bán đi Trung Quốc, ông Nguyễn Văn Hùy cho biết: ''Trước hết cứ để ở kho, xưởng, sau đó tính toán theo lượng tiền khách đặt hàng, nếu họ chịu được thì mình mới làm''.

Hoàng Trang

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/dai-gia-mua-sua-200-tuoi-so-lo-tiet-lo-soc-3331958/