Đài Hữu nghị Việt Nam - Campuchia: Điểm đến kỳ thú trên đất nước Chùa Tháp

Đài Hữu nghị Việt Nam - Campuchia (Đài) được xây dựng tại Vương quốc Campuchia để kỷ niệm sự kiện Bộ đội tình nguyện Viêt Nam đã giúp nhân dân Campuchia chiến đấu giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. Từ nhiều năm nay, đài đã trở thành điểm đến thú vị cho tất cả du khách đặt xứ ở Chùa Tháp này.

Không phải vô cớ mà nhiều du khách đặt chân đến Thủ đô đất nước Chùa Tháp đều có nguyện vọng viếng thăm đài. Ngoài vị trí hấp dẫn của khu trung tâm quần thể danh thắng và không gian thoáng đãng, Đài còn là công trình kiến trúc đẹp và ẩn chứa nhiều tầng nấc ý nghĩa thâm sâu về tình hữu nghị giữa 2 dân tộc anh em Việt Nam - Campuchia. Hơn thế nữa, đó còn là một minh chứng cho mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết giữa hai quốc gia láng giềng Việt Nam - Campuchia...

Đài được xây dựng tại Thủ đô Phnôm - pênh vào cuối thập niên 70 của thế kỷ XX, để đánh dấu kỷ niệm sự giúp đỡ của của Bộ đội tình nguyện Việt Nam giúp đỡ nhân dân Campuchia đứng lên quét sạch chế độ diệt chủng Khmer Đỏ do Pôn Pốt cầm đầu, giành lấy cuộc sống an bình.

Đài tọa lạc ở vị trí đắc địa của công viên trung tâm ở thủ đô Phnom Penh nên vừa có được không gian thoáng đãng, yên bình giữa thủ đô náo nhiệt, vừa gần với cụm “danh thắng” độc đáo mà không chỉ có du khách nước ngoài mới có nhu cầu ngắm, nhìn khi có dịp đến với thủ đô đất nước Chùa Tháp: Tượng đài Độc lập, Cung điện Hoàng gia Campuchia cũng như tư dinh của Thủ tướng Hun-xen... xa hơn chút là thấp thoáng mái cong vút của những ngôi chùa Phật giáo Nam tông hoành tráng và cổ kính...

Quan trọng hơn, đài là một công trình nghệ thuật sâu sắc và hài hòa với không gian, môi trường cảnh quan xung quanh. Được xây dựng bằng vật liệu bê tông, cốt thép, nhưng đài hiện lên trong mắt du khách như công trình nghệ thuật mềm mại và đầy hấp dẫn.

Nhìn tổng thể, đài là kiến trúc có chiều cao 11 mét, với trọng tâm là khối thống nhất tạc hình một người lính Campuchia và một bộ đội Việt Nam đứng bảo vệ một thiếu phụ đang bồng trẻ em theo phong cách tả thực...nằm trên bệ đỡ được lát đá grannit bên dưới có dòng chữ: Đài Hữu nghị Việt Nam - Campuchia bằng 2 thứ tiếng: Việt Nam và Campuchia.

Đài được nằm trên nền cao ráo nối với mặt đất bởi hệ thống tam cấp được bố trí theo hệ số lẻ để đảm bảo người đến viếng đặt bàn chân phải - bàn chân vững chãi nhất - khi đặt chân lên phần nền chính. Xung quanh đài là khoảng sân rộng lớn lót đá grannit, được giới hạn với bên ngoài bằng hàng rào cách điệu... nên càng đến gần, càng hiện ra nét sang trọng và diễm lệ.

Với chiều cao này, cộng với không gian tọa lạc thoáng đãng, mọi người dễ dàng nhìn thấy đài từ rất xa. Riêng lối đi bao quanh cũng được đan xen với những khóm cây và thảm cỏ xanh mướt, nhất là có cả loại cây mang tính biểu tượng tinh thần của người Khmer: Cây thốt nốt. Đặc biệt là về đêm, hệ thống chiếu sáng được thiết kế hài hòa từng mảng đậm - nhạt đã tạo cho đài vẻ đẹp “liêu trai” giữa lòng đô thị sầm uất...

Mặt sau và 2 bên đài cũng được đầu tư khá công phu và giàu tính mỹ thuật. Phía sau là hai cột đá cao lớn, vững chãi làm bệ đỡ cho hình tròn vàng lớn và khá giống với mặt trống. Hai bên là hình quốc kỳ 2 quốc gia. Đặc biệt, phần ngọn đài thực sự là công trình nghệ thuật.

Đó mà khối bốn mặt cùng được thiết kế mái che theo phong cách kiến trúc Khmer truyền thống ở đền chùa thường thấy trên đất nước Chùa Tháp của Campuchia với đỉnh mái vàng rực rỡ, nhọn cao vút lên trời xanh, bao quanh là những hoa văn cách điệu và hình cung uốn lượn mềm mại một cách hài hòa với ngôn ngữ tạo hình mạnh mẽ và hùng dũng của phần đỉnh tháp.

Được biết, đây là 1 trong số 17 tượng đài trên toàn lãnh thổ Campuchia. Các đài này hầu hết đều nằm ở vị trí có cảnh quang đẹp, kiến trúc hài hòa... như một danh thắng mới cho địa phương mà đài đứng chân. Đây là chuỗi công trình được xây dựng theo nguyện vọng của người dân Campuchia ghi nhớ công lao của hàng vạn Bộ đội Tình nguyện Việt Nam đã hy sinh cuộc sống, hoặc một phần xương máu của mình để giúp nhân dân đất nước Chùa Tháp có được cuộc sống an bình và phát triển như hôm nay.

Điểm nhấn chính trên công trình đài.

Đài nhìn từ phía sau.

Một góc nhìn khác về đài.

Hàng cây thốt nốt xung quanh đài.

Phần đỉnh của Đài với đường cong mềm mại.

Lục Tùng

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/di/dai-huu-nghi-viet-nam-campuchia-diem-den-ky-thu-tren-dat-nuoc-chua-thap-684109.bld