Đại lễ cầu siêu Kim Cương Thừa tại chùa Vĩnh Nghiêm

TPO - Ngày 16-11, tại chùa Vĩnh Nghiêm (Tp Hồ Chí Minh), Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa và Tăng đoàn Truyền thừa đã cùng chư đại đức tăng ni chùa Vĩnh Nghiêm tổ chức Đại đàn Cầu siêu.

Đại đàn cầu siêu nhằm chuyển di tâm thức cho chư hương linh anh hùng liệt sĩ (AHLS) hy sinh trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, và đồng bào tử nạn do thiên tai.

Trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền và hòa bình cho non sông đất nước đã có biết bao AHLS mãi nằm lại nơi chiến trường. Không chỉ chiến tranh, thiên tai bão lũ cũng đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người dân Việt Nam. Cùng với công tác đền ơn đáp nghĩa, việc lập đàn cầu siêu cho vong linh người đã mất cũng là một cách tri ân - là nhu cầu tâm linh cần thiết trong đời sống văn hóa dân tộc.

Với lòng từ bi thấu rõ hoàn cảnh lịch sử và tình yêu đất nước của người dân Việt Nam, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa (bậc lãnh tụ tâm linh Phật giáo Kim Cương Thừa - được kính ngưỡng là hiện thân của Đức Quan Âm) đã nhận lời khai mở đại lễ cầu siêu cho các AHLS, đồng bào tử nạn và nguyện cầu quốc thái dân an tại chùa Vĩnh Nghiêm. Ước tính, có khoảng 2.000 chư đại đức tăng ni và trên 15.000 Phật tử từ khắp các vùng miền đã tham gia khóa Đại lễ quan trọng này.

Tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Đức Nghiệp (Phó Tổng thư ký Hội đồng Chứng minh Trung Ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam) bày tỏ: Bên cạnh ý nghĩa tâm linh của đại đàn cầu siêu, cuộc hạnh ngộ này cũng minh chứng cho mối nhân duyên giữa Truyền thừa Drukpa và tổ đình Vĩnh Nghiêm thuộc thiền phái Trúc Lâm, là hai truyền thống Phật giáo có bề dày lịch sử 1.000 năm với nhiều bậc Thượng sư giác ngộ với công hạnh lợi tha góp phần hoằng truyền giáo pháp Đức Phật. Cuộc giao thoa hội nhập giữa hai truyền thống Phật giáo hy vọng sẽ mang lại lợi ích dài lâu cho Phật giáo Việt Nam.

Trong không khí trang nghiêm tràn đầy đạo vị, Đức Pháp Vương và chư đại đức Tăng ni có mặt đã cùng hướng tâm về đại hùng bảo điện để thành kính dâng hương lên Tam Bảo trong tiếng chuông linh thiêng ngân vang. Tiếp đến là các nghi thức Phật pháp khác như: Cầu an, Tức Tai, Tăng Ích, triệu thỉnh chư Phật, Bồ tát, Bản tôn Mandala, chư Daka, Dakini... Hàng nghìn phật tử và người dân cũng đã có phúc duyên hy hữu được chiêm ngưỡng Vũ điệu Kim Cương triệu thỉnh Tứ Đại Kim Cương Hộ Pháp…

Đặc biệt trong nội dung Khóa lễ hỏa tịnh tịnh hóa môi trường và cầu an, Đức Pháp Vương nhắn nhủ: Việc cầu nguyện cho hòa bình, sự bình an cho nhân loại rất cần thiết, nhưng quan trọng hơn, mỗi người phải tự thức tỉnh trong hành động - nhận rõ bản chất đúng - sai khi hành xử để tự điều tiết, và cải thiện tâm mình hướng đến những việc làm tốt, có ích cho đời. Đây cũng chính là thông điệp của Đức Pháp Vương khi viếng thăm và thực hiện các khóa lễ nguyện cầu quốc thái dân an tại Việt Nam và trên thế giới.

Hòa Thượng Thích Thiện Nhơn (Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam) chia sẻ: Mỗi người mỗi nước mỗi non đi vào cửa Phật như con một nhà, cuộc hạnh ngộ giao thoa văn hóa Phật giáo ngày hôm nay tại chùa Vĩnh Nghiêm nêu biểu cho tinh thần đoàn kết hòa hợp giữa các truyền thống, pháp môn tu tập khác nhau của Đạo Phật, thể hiện lòng từ bi không biên giới và tấm lòng “uống nuớc nhớ nguồn” tưởng nhớ tri ân những lớp tiền nhân đã mãi mãi ra đi để mang lại hạnh phúc, hòa bình cho thế hệ ngày hôm nay.

Trong nghi lễ cầu siêu, bậc Thượng Sư Kim Cương Thừa thực hành nghi lễ triệu thỉnh và cúng dường đức Phật A Di Đà, cầu xin Chư Phật trao truyền Tứ quán đỉnh (Thân, Khẩu, Ý, Trí giác ngộ) cho chư hương linh.

Bởi người chết không còn thân thể vật lý mà tồn tại dưới dạng trường năng lượng sinh học vi tế với những rung động của sóng tâm nên nghi thức cầu siêu Kim Cương Thừa chú trọng đến chuyển di tâm thức, khai thị nhắc nhở cho vong linh sớm tỉnh ngộ.

Các bậc Thầy liên tục an trụ trong tâm từ bi, trí tuệ để hướng dẫn khai thị trợ giúp cho chư hương linh trực vãng cõi Tịnh Độ hoặc chọn cho mình một kiếp sống tương lai tốt đẹp, hạnh phúc.

Vô Úy

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/thoi-su/558474/dai-le-cau-sieu-kim-cuong-thua-tai-chua-vinh-nghiem-tpov.html