Đại sứ Italy làm người mẫu trình diễn áo dài

Bà Cecilia Piccioni sẽ tham gia chương trình Lễ hội Áo dài, diễn ra vào tối 4/3 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

NTK Minh Hạnh, thành viên ban tổ chức, chia sẻ Lễ hội Áo dài tại Hà Nội lần này không chỉ đơn thuần là những màn trình diễn, mà là câu chuyện ý nghĩa về tà áo truyền thống. Vì vậy, ngoài các người mẫu chuyên nghiệp, đêm thời trang có sự góp mặt của những gương mặt đặc biệt. Đó là những cụ già, em nhỏ, người khuyết tật tại trung tâm Nghị Lực Sống.

Bên cạnh đó, những giai nhân một thời của nền điện ảnh Việt như NSND Trà Giang, NSND Như Quỳnh, NSND Ngọc Lan, NSND Minh Châu, NSƯT Kim Tiến, NSƯT Thanh Loan, NSƯT Thanh Tú, NSƯT Vũ Dậu sẽ lần đầu làm mẫu.

Đặc biệt hơn, Đại sứ Italy tại Việt Nam - bà Cecilia Piccioni, phu nhân Đại sứ Anh, phu nhân đại sứ Haiti cũng tham gia chương trình trong vai trò người mẫu.

Đại sứ Italy và phi nhân Đại sứ Haiti (bên cạnh nghệ sĩ Trà Giang) trong buổi họp báo chiều nay. Ảnh: Duy Phương

Tại buổi họp báo chiều 1/3 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, bà Piccioni chia sẻ rất xúc động khi được ngồi giữa các vẻ đẹp Việt một thời. Nói về lý do nhận lời tham gia trình diễn, Đại sứ Italy bộc bạch bà là người đam mê thời trang và si mê tà áo dài Việt.

"Chúng tôi có câu tục ngữ 'Một hành động có ý nghĩa hơn hàng ngàn lời nói' và tôi nghĩ nó đúng với mọi dân tộc. Tôi nghĩ việc một đại sứ nước ngoài mặc áo dài trong sự kiện quan trọng như lần này có ý nghĩa hơn. Tôi nghĩ có lẽ cơ hội cũng chỉ đến một lần trong đời bởi vì như các bạn thấy, tôi không phải là người sở hữu chiều cao ấn tượng" - bà Piccioni nói.

Bà Jovana Benoit - phu nhân Đại sứ Haiti - cũng dành nhiều lời khen cho trang phục truyền thống của đất nước ta. Bà còn gửi đến mọi người thông điệp: "Áo dài là trang phục đẹp. Tôi rất tự hào khi mặc áo dài, vậy tại sao các bạn không mặc áo dài đi?".

Biểu tượng sắc đẹp Việt hồi hộp khi lần đầu diễn thời trang

Chiều nay, nghệ sĩ Trà Giang, Minh Châu, Thanh Tú, Ngọc Lan đều diện áo dài đến tham dự buổi họp báo. NSND Trà Giang chia sẻ ban đầu khi được NTK Minh Hạnh mời, phản ứng đầu tiên của bà là từ chối. Tuy nhiên, sau khi biết chương trình mang ý nghĩa nhân văn cao, bà vui vẻ nhận lời.

"Tôi nhớ lần đầu tiên mặc áo dài là khi thi đỗ vào trường điện ảnh. Ba dẫn tôi đi may áo dài, tình cảm đó không bao giờ quên. Sau này làm diễn viên, khi đi dự LHP Moscow năm 1993, tôi chuẩn bị 7 bộ áo dài mang theo. Khi phim còn chưa chiếu, các phóng viên đã vây quanh chụp ảnh. Tôi rất sung sướng và tự hào vì dân tộc ta có tà áo dành cho phụ nữ rất đẹp" - "chị Tư Hậu" nhớ lại.

Nghệ sĩ Trà Giang, Ngọc Lan, Minh Châu và NTK Minh Hạnh. Ảnh: Duy Phương

Nghệ sĩ Ngọc Lan chia sẻ hóm hỉnh: "Giá như cách đây 55 năm có những buổi trình diễn như thế này, tôi và Trà Giang là những người mẫu tuyệt vời! Lúc ấy xinh xắn lắm, nhưng bây giờ kinh khủng quá (cười). Lúc đầu tôi không dám nhận vì bây giờ béo lắm. Nhưng trong người vẫn còn máu nghệ thuật nên ốm đau cũng dẹp hết. Thôi thì ta cứ thử làm lần đầu xem có được không. Nếu dân tình không đồng ý thì lần sau không tham gia nữa".

Bên cạnh đó, nghệ sĩ Minh Châu, Thanh Tú và Thanh Loan đều bày tỏ cảm xúc phấn khởi khi được mời làm mẫu tại Lễ hội Áo dài. NSƯT Thanh Loan kể: "Bạn bè tôi bảo người lớn tuổi, mũm mĩm mặc áo dài mới đẹp. Các cô người mẫu gầy mặc chưa chắc đẹp, đi đứng có khi cứng đơ. Vì thế, tôi cũng tự tin hơn. Tôi hy vọng, sau sự kiện này, các nhà thiết kế chú trọng hơn đến việc may áo dài cho những người ở độ tuổi tôi".

Đâu là ranh giới để áo dài cách tân không bị phản cảm?

Khi được hỏi về việc làm sao để trang phục áo dài không đi quá xa so với những giá trị truyền thống, NTK Minh Hạnh nói: "Chúng ta đã có quá nhiều thảm họa áo dài. Làm thế nào để giải quyết thảm họa, đó là tiếng nói của chính thống. Các bạn muốn cách tân như thế nào, thì cũng phải giữ được linh hồn áo dài. Linh hồn áo dài phụ thuộc vào trình độ của người thiết kế".

Còn Ngọc Hân, đại diện cho thế hệ nhà thiết kế trẻ, bày tỏ rất khó để nói ranh giới cách tân đến đâu là vừa phải. Sự đánh giá phụ thuộc vào góc nhìn của khán giả, của công chúng.

Ngọc Hân diện áo dài cho chính mình thiết kế.

Bà Minh Hạnh cũng khẳng định trang phục truyền thống mang tính nghệ thuật và tính thời đại cao: "Tính nghệ thuật là một thách thức ghê gớm với các NTK. Nếu ai không đủ yêu, không đủ tâm, chắc chắn áo dài sẽ trở nên hời hợt".

Lý giải cho việc tại sao Lễ hội Áo dài lại thiếu vắng những nhà thiết kế có đóng góp trong việc mang tà áo dài Việt ra thế giới như Thuận Việt, Võ Việt Chung... bà Minh Hạnh nói: "Lễ hội lần này là công sức, tiền của của các NTK đóng góp, không có bất cứ nhà tài trợ nào. Tôi nghĩ việc các NTK chung sức làm chương trình rất ý nghĩa. Tôi không chấp nhận bất cứ logo nhà tài trợ nào trên phông họp báo, đó là quan điểm giữ gìn sự trong sáng của áo dài. Nếu NTK nào có đủ tâm nguyện đóng góp cho tương lai của áo dài, hãy đến với chúng tôi".

Tháng 3/2014, Lễ hội Áo dài được tổ chức lần đầu tiên tại Công viên Đầm Sen - TP HCM với chủ đề "Áo dài và hoa". Lễ hội Áo dài lần hai được tổ chức vào tháng 3/2015 cũng tại TP HCM với chủ đề “TP HCM – Thành phố Áo dài”. Lễ hội Áo dài lần thứ 3 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám có sự tham gia của 19 NTK trong cả nước, trong đó có NTK Lan Hương, Chu La, Hà Duy, Ngọc Hân... Họ sẽ cùng tôn vinh vẻ đẹp của tà áo dài Việt trải dài trong suốt những thăng trầm, biến thiên của lịch sử.

Minh Đức

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/dai-su-italy-lam-nguoi-mau-trinh-dien-ao-dai-post630603.html