Đại tá Lê Hồng Mão: Dấu ấn tháng Tư lịch sử theo tôi suốt cả cuộc đời

Chuẩn bị bước sang ngưỡng cửa của cái tuổi 'thất thập cổ lai hy' nhưng nhìn vẻ bề ngoài đạo mạo, nhanh nhẹn, tinh tường của ông thì ít ai nghĩ tới...

Rời quân ngũ đã hơn 10 năm nhưng ông vẫn giữ thói quen đọc sách, tra cứu tài liệu. Bàn làm việc, giá sách vẫn bề bộn sách vở, những kỉ niệm về trận đánh lịch sử mùa Xuân 1975…

Nhân dịp kỉ niệm 42 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thời báo Doanh nhân đã có cuộc trò chuyện cùng Đại tá Lê Hồng Mão - Nguyên Đại đội phó Đại đội Trinh sát Sư đoàn 341A năm 1975 về những kí ức hào hùng trong thời khắc quan trọng nhất của lịch sử mà ông cùng đồng đội đã trải qua.

Thưa Đại tá, những ngày cuối tháng tư này chắc hẳn sẽ là những ngày tràn đầy kí ức của một người lính trực tiếp tham gia trận chiến quyết định để giành lại “mùa xuân” cho dân tộc?

Tháng tư là thời gian để lại xúc cảm mạnh mẽ nhất trong cuộc đời làm lính của tôi. Đối mặt với vất vả, hiểm nguy, tính mạng luôn treo trên đầu súng nhưng sau mỗi chiến thắng thì tất cả những khó khăn đều tan biến để nhường chỗ cho niềm vui, nỗi sung sướng, niềm tự hào dân tộc. Hồi đấy, mỗi chàng trai, cô gái đều mang trong mình một trái tim căng tràn nhiệt huyết sống và chiến đấu.

Đại tá Lê Hồng Mão - Nguyên Đại đội phó Đại đội Trinh sát Sư đoàn 341A năm 1975 .

Anh thanh niên trẻ hồi ấy phải chăng đã không thể cầm lòng đứng nhìn mảnh đất quê hương Hà Tĩnh vốn nắng, mưa khắc nghiệt nay thêm bom đạn cày xới ruộng đồng, vườn tược thành những hồ, ao đã xung phong lên đường nhập ngũ?

Tháng 8/1969, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên 18 tuổi xếp bút lên đường nhập ngũ, vào đơn vị tiểu đoàn 31, bộ đội đặc công quân khu 4. Tháng 2/1970, nhận nhiệm vụ đi B chiến đấu trong đội hình tiểu đoàn 33 đặc công mặt trận B5 (Quảng trị ).

Đây quả thực là những tháng năm giặc giội bom đạn rất ác liệt. Ngoài mưa bom bão đạn thì người lính còn phải đối mặt với sốt rét rừng, đói cơm nhạt muối, sống trong vùng giặc rải chất độc hóa học.

Năm 1972, tôi được điều động ra Bắc đi học tại trường Trường Sỹ quan Lục quân Việt Nam và đến tháng 6/1974 tốt nghiệp khóa 34 khi vừa tròn 23 tuổi. Tạm biệt mái trường, tạm biệt mảnh đất Sơn Tây về nhận công tác ở Quân khu 4 với nhiệm vụ được giao là Đại đội phó Đại đội trinh sát Sư đoàn 341A để chuẩn bị lên đường vào chiến trường B2 (miền Đông Nam Bộ).

Cái tuổi 23 tràn đầy sức trẻ, được đào tạo cơ bản, lại được rèn luyện trong môi trường chiến đấu ác liệt ở Quảng Trị, tôi chững chạc, tự tin cùng đồng đội sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ được giao.

Tuổi trẻ lại chỉ mới bước chân vào quân ngũ thời gian chưa lâu nhưng ông đã nhanh chóng được cấp trên tin tưởng giao phó nhiệm vụ quan trọng. Cuộc hành quân của ông cùng đồng đội từ Bắc vào Nam thực hiện nhiệm vụ sẽ là kỷ niệm khó phai, thưa ông?

Ngày 25/1/1975 Bộ Tư lệnh Sư đoàn nhận nhiêm vụ vào Nam Bộ chiến đấu trong đội hình Quân đoàn 4. Đại đội Trinh sát cũng nhận nhiêm vụ lên đường. Bộ phận đi đầu do đồng chí Đại đội trưởng Lê Trần Quý và đồng chí Hồ Văn Thoan, chính trị viên phó chỉ huy, cùng với một trung đội trinh sát theo đoàn của đồng chí Vũ Thang, tham mưu trưởng.

Tôi cùng đồng chí Nguyễn Lê Hợi, chính trị viên Đại đội, chỉ huy đơn vị hành quân sau đó ít ngày. Với đội hình hàng trăm chiếc xe chở quân và súng pháo được ngụy trang kín đáo. Sư đoàn vượt qua hơn một ngàn km đường Trường Sơn, từ đường 9 Nam Lào hành quân qua cao nguyên Bô - Lô - Ven nước bạn Lào rồi rẽ về vùng đất của tỉnh Đồng Nai.

Khí thế ngút trời, niềm tin chắc thắng lớn dần theo bước chân mỗi người chiến sỹ hành quân.

Giới trẻ ngày nay nghe nói đến lính trinh sát thời chiến thì luôn ngưỡng mộ về hình tượng của những con người dũng cảm, thông minh, nhanh nhẹn sẵn sàng đối mặt với vô vàn hiểm nguy ngay trước mặt. Ông có thể kể rõ hơn về những hiểm nguy mà ông cũng như các đồng đội của mình đã trải qua trong những ngày tháng trên chiến trường ác liệt?

Ngày 28/2/1975, bộ phận đi đầu đã đến trạm cuối cùng ở B2. Đại đội tôi được chia thành hai bộ phận nhỏ, một bộ phận theo chỉ huy về hướng đường 20 để đón đội hình đi sau vào, một bộ phận đi cùng Trung đoàn Bộ binh 273 vào thế chỗ của Trung đoàn 3 thuộc Sư đoàn 9 trên trục đường 13 (đoạn Chơn Thành- Bầu Bàng), phối hợp cùng Sư đoàn 9 và quân đoàn đánh địch ở Dầu Tiếng.

Ngày 31/3/1975, trung đoàn 273 đã giải phóng quận lỵ Chơn Thành, sau đó hành quân về đường 20 trong đội hình sư đoàn đủ của hai đợt hành quân từ Bắc vào Nam. Ngày 17/3/1975, Sư đoàn Bộ binh 7 diệt địch ở Định Quán, tôi nhận nhiệm vụ dẫn một lực lượng trinh sát cùng bộ binh Trung đoàn 266 vào chốt giữ Định Quán.

Định Quán bấy giờ chỉ là bàn đạp để tiến sâu, đặt đài quan sát và luồn sâu nắm địch tại thị xã Xuân Lộc. Ngày 3/4/1975, tôi được lệnh đặt đài quan sát và thực hành điều tra lực lượng và bố phòng của địch tại thị xã Xuân Lộc.

Ngày 6/4/1975, chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ trinh sát địch, tôi điện về sở chỉ huy báo cáo với đồng chí Võ Trọng Thiện, chủ nhiệm quân báo sư đoàn, đồng thời nhận lệnh quay trở ra đón đồng chí Tư lệnh sư đoàn để báo cáo trực tiếp với đồng chí về tình hình địch ở thị xã Xuân Lộc; đồng thời nhận nhiệm vụ trong đêm 7/4/1975, đưa cán bộ 2 trung đoàn bộ binh 270 và 266 vào trinh sát thực địa. Đêm 8/4/1975, trinh sát dẫn đường bộ binh các trung đoàn vào chiếm lĩnh trận địa xuất phát tấn công.

Trận chiến nổ ra, ông đã cùng đoàn quân vượt qua cửa ải sinh - tử như thế nào để giành thắng lợi?

Đại tá Lê Hồng Mão (thứ 3 từ phải sang) chụp ảnh cùng các cựu chiến binh.

Đúng 5giờ 40 phút rạng sáng ngày 9/4/1975, ta nổ súng tiến công thị xã Xuân Lộc, pháo binh sư đoàn nã dồn dập vào trận địa địch, tiếng nổ rền vang, khói lửa ngút trời. Sau thời gian pháo bắn chuẩn bị, bộ binh trên các hướng đồng loạt nổ súng xung phong đánh chiếm các mục tiêu.

Trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt, ta và địch giành nhau từng đoạn chiến hào, từng góc nhà, góc phố. Xuân Lộc trở thành nơi thử lửa, thử lòng quả cảm và sức chịu đựng ác liệt, lòng quyết tâm sắt đá giành chiến thắng của cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 341A anh hùng.

Đến 12 giờ trưa ngày 9/4, khi chiến sự đang vô cùng ác liệt tôi nhận lệnh bàn giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Văn Thắng, tiểu đội trưởng (người huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) rồi dẫn một lực lượng trinh sát tiến sâu vào phía sau thị xã Xuân Lộc cùng với du kích địa phương nắm địch tăng viện và rút chạy để kịp thời báo cáo về Sư đoàn.

Khi chia tay với anh Võ Trọng Thiện, tôi có ngờ đâu đây là lần gặp mặt anh cuối cùng, hôm sau anh hy sinh tại trận chiến Xuân Lộc vì bom chùm của địch. Ngày 21/4/1975, phần lớn lực lượng địch bị tiêu diệt buộc phải tháo chạy.

Những ngày tiếp đó, Đại đội của tôi lại lao vào những trận chiên đấu mới. Đúng 4 giờ sáng ngày 27/4/1975, ta đánh Trảng Bom với thế trận áp đảo. Mặc dù địch chống trả quyết liệt, pháo binh của địch từ Hốc Bà Thức bắn chặn nhưng không thể ngăn được sức tiến công thần tốc của sư đoàn. 10 giờ, ta làm chủ trận địa.

Trong các ngày 28, 29 và sáng 30/4, các trung đoàn bộ binh của Sư đoàn cùng trung đoàn pháo binh, tiểu đoàn xe tăng vừa hành quân vừa đánh địch. Địch ở Suối Máu, Hốc Bà Thức, sân bay Biên Hòa bị đánh tan rã. Đội hình các đơn vị bộ binh ào ạt xông lên nhằm hướng Sài gòn xốc tới.

Lực lượng chúng tôi được chia thành tổ, bám theo các đơn vị chủ lực vừa nắm địch vừa cùng bộ binh chiến đấu. Lúc 10giờ 45 phút ngày 30/4/1975 chúng tôi mới tới cầu Sài Sòn.

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỉ, cuộc sống nhân dân, đất nước đã có nhiều đổi thay, còn điều gì khiến ông trăn trở nhất?

Sau những ngày đêm chiến đấu căng thẳng và khốc liệt ấy chúng ta đã dành toàn thắng. Chiến thắng ấy được đổi bằng sự hi sinh lớn lao của rất nhiều đồng đội trong đó có 2 người thuộc Sư đoàn mà tôi vô cùng quý mến là đồng chí Võ Trọng Thiện chủ nhiệm quân báo sư đoàn (cấp trên của tôi) quê huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An và chiến sĩ trinh sát C20 Trần Văn Tam quê ở xã Nam Thanh, Nam Đàn, Nghệ An. Hai anh đã mãi mãi nằm lại nơi mảnh đất nhuộm đỏ máu đồng đội sư đoàn tại xã Xuân Lộc, Long Khánh.

Vượt qua bao bom đạn của kẻ thù, chúng tôi đã được trở về đoàn tụ cùng gia đình quê hương và được tận hưởng cuộc sống thanh bình với những đổi thay của xã hội hiện đại còn nhiều đồng đội của chúng tôi đã phải chịu thiệt thòi. Những ngày tháng tư rực đỏ cờ hoa kỉ niệm ngày chiến thắng này, chúng ta vui với những chiến công hào hùng của lịch sử nhưng sẽ không bao giờ được phép quên những con người đã ngã xuống vì cuộc sống bình yên của đồng bào, dân tộc.

Trân trọng cảm ơn ông!

Minh Đức

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn/dai-ta-le-hong-mao-dau-an-thang-tu-lich-su-theo-toi-suot-ca-cuoc-doi_n22788.html