Đại tá, PGS.TS Lê Anh Tuấn: Quả thận có thể bảo quản hơn 40 giờ trước khi được ghép

Đây là thông tin được Đại tá, PGS.TS Lê Anh Tuấn, Trưởng kíp ghép thận (BV Quân y 103) cho biết trước băn khoăn của nhiều người về vấn đề khoảng cách địa lý, giao thông đi lại khó khăn nên còn chần chừ hiến tạng.

Tại buổi tư vấn truyền hình trực tuyến " Hiến tạng – Cho đi là còn mãi " do Báo điện tử Sức khỏe&Đời sống (suckhoedoisong.vn) phối hợp với Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người tổ chức, một bạn đọc ở Hà Giang hỏi: “Tôi muốn được hiến tạng và các bộ phận cơ thể sau khi chết, nhưng cho tôi vẫn còn băn khoăn, nếu tôi đăng ký hiến tạng ở Hà Nội, nhưng tôi sống ở Hà Giang. Vậy khi tôi qua đời, tâm nguyện của tôi có thực hiện được không vì giao thông đi lại ở quê tôi rất khó khăn?”.

Về vấn đề này, PGS.TS Lê Anh Tuấn, Chủ nhiệm Bộ môn Điều dưỡng, Học viện Quân y, Bác sĩ khoa Tiết niệu, Trưởng kíp ghép thận (BV Quân y 103) cho biết, hiện nay, việc đăng ký hiến mô, tạng khá đơn giản, thủ tục cũng rất đơn giản. Chúng ta có Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia. Khi người dân đã đăng ký hiến mô, tạng thì đương nhiên là Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia đã biết là bạn đang ở đâu, đã đăng ký hiến ghép mô tạng. Nếu như có vấn đề gì xảy ra, trung tâm sẽ điều phối để tạng đó đưa đến cơ sở gần nhất để ghép mang lại kết quả tốt nhất có thể được.

PGS.TS Lê Anh Tuấn.

“Có những trường hợp vận chuyển tạng từ TP. HCM ra Hà Nội để ghép. Với khoa học kỹ thuật hiện đại ngày nay, người ta vẫn có thể bảo quản tạng, vẫn có thể giữ tạng đưa từ chỗ nọ đến chỗ kia trong một thời gian khá dài. Ví dụ như nếu bảo quản đúng cách, một quả thận có thể bảo quản 40 giờ trở lên để có thể ghép cho người nhận thận”- PGS. Tuấn nói.

Nhiều tiến bộ vượt bậc trong ghép tạng

BV Quân y 103, Học viện Quân y là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực ghép tạng tại Việt Nam. Theo PGS. Tuấn, năm 2014, BV đã ghép 1 ca đa tạng lần đầu tiên tại Việt Nam. Trước đó, năm 1992 đã ghép thận, ca đầu tiên của Việt Nam trên người. Năm 2004, có ca ghép gan trên người đầu tiên. Năm 2010 là ca ghép tim đầu tiên ở Việt Nam. Cho đến nay, ghép tạng nói chung của Việt Nam và ghép tạng của BV Quân y 103 có rất nhiều tiến bộ vượt bậc. Theo giới chuyên gia về ghép tạng đánh giá, trình độ ghép tạng của Việt Nam ngang tầm khu vực và có thể nói là ngang tầm quốc tế.

“Đơn cử như BV Quân y 103, hiện nay chúng tôi không chỉ có một kíp ghép tạng mà rất nhiều kíp ghép tạng. Một ngày, BV có thể ghép được 3 ca thận cho 3 bệnh nhân khác nhau; và có thể ghép cho nhiều tạng khác nhau từ một bệnh nhân là người cho chết não. Bên cạnh đó, BV cũng đã chuyển giao công nghệ, kỹ thuật ghép thận cho một số BV như BVĐK Xanh Pôn, BVĐK Trung ương Thái Nguyên…. Các BV này cho đến nay đã tự thực hiện các ca ghép một cách hoàn chỉnh và đưa những bệnh nhân ghép vào mổ”- PGS. Tuấn cho biết thêm.

Các bác sĩ BV Quân y 103, Học viện Quân y thực hiện ca ghép đa tạng đầu tiên.

Có một thực tế là hiện nay, nhu cầu ghép tạng của người bệnh là rất lớn trong khi nguồn tạng hiến lại rất khan hiếm. Có thể nói nguồn cho tạng cho đến nay không phải là dồi dào, chưa thể đáp ứng đủ cho các bệnh nhân có nhu cầu ghép tạng (riêng ghép thận đã có trên 6.000 người đang chờ ghép thận). Chình vì vậy, trong quá trình chờ đợi để được ghép tạng, những bệnh nhân này vẫn phải được theo dõi, điều trị để duy trì cuộc sống và chờ tạng được ghép.

Theo thống kê, trong 5 năm qua, chỉ có 25 trường hợp hiến tạng do chết não. Một con số quá ít ỏi đã khiến nhiều người bệnh khao khát sống nhưng phải ra đi bởi không có nguồn tạng để ghép. Sẽ thật lãng phí khi mà 1 người không may chết não nếu không hiến tạng thì nguồn tạng quý đó sẽ hòa vào lòng đất hay thiêu đốt thành tro bụi. Trong khi một người chết não cho đa tạng có thể cứu được 6-10 người bệnh.

Dương Hải

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/dai-ta-pgsts-le-anh-tuan-qua-than-co-the-bao-quan-hon-40-gio-truoc-khi-duoc-ghep-n126105.html