Đái tháo đường ở trẻ em có xu hướng gia tăng: Báo động từ việc ăn uống

Trước đây đái tháo đường thường xuất hiện ở độ tuổi sau 40. Nhưng hiện nay, bệnh này được phát hiện ở trẻ nhỏ, thậm chí cả trẻ sơ sinh. Đáng lo ngại, theo các chuyên gia y tế, thủ phạm chính gây bệnh tiểu đường ở trẻ em là do ăn quá nhiều đồ ăn nhanh và ngọt trong khi lại lười vận động.

Đơn cử như trường hợp của bệnh nhi Nguyễn Trọng V. (36 ngày tuổi, Hà Nội) mới đây phải cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương vì biến chứng tiểu đường sơ sinh. Cháu V nhập viện trong tình trạng thở nhanh, li bì và hôn mê. Trước khi vào cấp cứu khoảng 5 ngày, bé có biểu hiện sốt cao 39 độ C, tiêu chảy (khoảng 10 lần/ngày). Kết quả phân tích gen cho thấy, nguyên nhân gây bệnh ở cháu V là do đột biến gen ABCC8 (một trong những nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường sơ sinh tạm thời).

Tỷ lệ mắc đái tháo đường ở trẻ em có xu hướng ngày càng gia tăng.

Đây là căn bệnh hiếm gặp, với tỉ lệ mắc từ 1/500.000 đến 1/250.000. Hay trường hợp cháu Vũ Hồng N... (5 tuổi, Hà Nam), từ khi sinh ra cháu rất béo và khỏe mạnh, đặc biệt ăn uống rất tốt. Tuy nhiên, thời gian gần đây thấy con bị mất ngủ, ra mồ hôi nhiều, hay tiểu dầm,…gia đình đưa con đi khám và các bác sĩ kết luận cháu bị tiểu đường và béo phì.

Tại lớp tập huấn về điều trị đái tháo đường TYPE 1 tổ chức ngày 7/9, PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trong 5 năm trở lại đây, mỗi năm bệnh viện khám và điều trị cho khoảng 40-50 bệnh nhân mới mắc đái tháo đường type 1 (trước đó chỉ 5-20 bệnh nhân/năm). Trong khi tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường type 1 ở trẻ em có xu thế ngày càng gia tăng.

Đồng quan điểm trên, TS. BS Vũ Chí Dũng, Trưởng khoa Nội tiết - Chuyển hóa – Di truyền, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Hiện nay, trẻ em chủ yếu mắc đái tháo đường tuýp 1, còn một tỷ lệ nhỏ là đái tháo đường tuýp 2. Từ năm 2013 tới nay, con số đái tháo đường tuýp 1 tăng lên 3-4 lần so với trước, còn ở tuýp 2 cũng bắt đầu tăng ở trẻ em vì các cháu mắc béo phì quá nhiều. Cá biệt là nhóm bệnh đái tháo đường sơ sinh (mắc trước 6 tháng tuổi)”.

Thủ phạm chính gây bệnh đái tháo đường ở trẻ là do ăn quá nhiều đồ ăn nhanh và ngọt trong khi lại không có chế độ rèn luyện thể dục thể thao. Vì thế, ngoài việc kiểm soát chế độ ăn uống, việc thay đổi lối sống của trẻ là rất cần thiết. Với những đứa trẻ đang tuổi lớn và phát triển, việc bổ sung đủ dinh dưỡng là cần thiết. Việc giảm khẩu phần ăn ở trẻ béo phì khác với người lớn, bởi nó sẽ ảnh hưởng tới chiều cao của các cháu.

Vì thế, để trẻ vẫn có thể phát triển bình thường, phụ huynh nên chia nhỏ bữa ăn và xây dựng bữa ăn tùy từng thể trạng mỗi cháu. Và phương pháp tốt nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh là khuyến khích trẻ vận động hằng ngày, giúp kích thích sự vận chuyển chất đường vào trong tế bào và cải thiện khả năng phản ứng của cơ thể với insulin.

TS. Dũng cũng lý giải, đái tháo đường type 1 còn được gọi là bệnh tiểu đường phụ thuộc insulin. Đây là một tình trạng bệnh mãn tính, trong đó tuyến tụy sản xuất ít hoặc không sản xuất insulin – một nội tiết tố cần thiết, cho phép đường (glucose) nhập vào tế bào để sản xuất năng lượng cho cơ thể. “Khi 1 đứa trẻ bị đái tháo đường tức là cuộc sống của cháu sẽ thay đổi rất nhiều. Hằng ngày trẻ phải tiêm insulin 3-4 lần, phải lấy máu từ 4-6 lần và 10 lần chọc kim ở da và phải theo dõi điều trị đến cuối đời.

Chưa kể, trong quá trình điều trị, bệnh nhi có thể xuất hiện các biến chứng nguy hiểm từ tổn thương vi mạch dẫn đến suy thận, hay tổn thương thận dẫn đến suy thận, rồi tổn thương bàn chân, các bệnh lý về tim, mạch máu…có thể dẫn đến tử vong nếu không được khám và điều trị kịp thời. Đối với trẻ em bị bệnh càng sớm thì dẫn đến tổn thương càng sớm nếu không quản lý bệnh tốt”, TS.Dũng nhấn mạnh.

Trong khi đó, đái tháo đường ở trẻ sơ sinh rất khó phát hiện triệu chứng. Bởi các triệu chứng đái tháo đường cổ điển như khát nước, tiểu nhiều, hoa mắt thì thường không biểu hiện ở nhóm trẻ này. Thông thường, các bậc phụ huynh khi thấy trẻ nhiều lần tiểu tràn ra cả tã mới nghi ngờ và đưa con đi khám. Đối với trẻ lớn hơn, khi cha mẹ thấy con có các triệu chứng bất thường như: tiểu nhiều, khát nước, tiểu dầm, sụt cân, hoặc nôn, đau bụng và có thể có triệu chứng sốt… thì cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế, để được bác sĩ khám và điều trị sớm.

Theo các chuyên gia y tế, việc quản lý khám, chữa bệnh cho bệnh nhân đái tháo đường cũng đòi hỏi sự hợp tác rất chặt chẽ giữa tuyến Trung ương, tuyến cơ sở, gia đình và cả cộng đồng. TS. Dũng nhấn mạnh, thủ phạm chính gây bệnh đái tháo đường ở trẻ là do ăn quá nhiều đồ ăn nhanh và ngọt trong khi lại không có chế độ rèn luyện thể dục thể thao. Vì thế, ngoài việc kiểm soát chế độ ăn uống, việc thay đổi lối sống của trẻ là rất cần thiết.

Với những đứa trẻ đang tuổi lớn và phát triển, việc bổ sung đủ dinh dưỡng là cần thiết. Việc giảm khẩu phần ăn ở trẻ béo phì khác với người lớn, bởi nó sẽ ảnh hưởng tới chiều cao của các cháu. Vì thế, để trẻ vẫn có thể phát triển bình thường, phụ huynh nên chia nhỏ bữa ăn và xây dựng bữa ăn tùy từng thể trạng mỗi cháu. Và phương pháp tốt nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh là khuyến khích trẻ vận động hằng ngày, giúp kích thích sự vận chuyển chất đường vào trong tế bào và cải thiện khả năng phản ứng của cơ thể với insulin.

Minh Khuê

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/dai-thao-duong-o-tre-em-co-xu-huong-gia-tang-bao-dong-tu-viec-an-uong-60122.html