Đại tướng Chu Huy Mân: Lần đầu tiên được Bác Hồ giao nhiệm vụ

Sau chiến dịch Biên giới thắng lợi, Trung đoàn 174 về đóng quân tại thị xã Lạng Sơn thì đồng chí Chu Huy Mân nhận được điện của Bộ Tư lệnh tiền phương của Bộ gọi về nhận nhiệm vụ mới. Khi đến cơ quan tiền phương của Bộ tại Hòa An, Cao Bằng, Chu Huy Mân đến báo cáo với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: "Tôi và anh Mân cùng sang gặp Bác"...

Đại tướng Chu Huy Mân (1913 - 2006) tên thật là Chu Văn Điều, quê quán tại xã Hưng Hòa, TP Vinh, tỉnh Nghệ An; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhân kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Báo CAND xin giới thiệu bài viết của Đại tá Lê Xuân Thư ghi lại chuyện kể của đồng chí Chu Huy Mân được Bác Hồ giao nhiệm vụ sau chiến dịch Biên giới 1950 cách đây 60 năm. Đầu xuân năm 1943, đồng chí Chu Huy Mân trốn khỏi trại giam của địch ở Đak Tô (Kon Tum). Sau một thời gian bắt liên lạc được với tổ chức Đảng ở Quảng Nam bên bến đò ông Đốc, sông Thu Bồn, tham gia Ban Việt Minh của tỉnh khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng ngày 24/8/1945. Chính quyền cách mạng tỉnh Quảng Nam ra đời, đồng chí Chu Huy Mân được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, tỉnh phân công làm chính trị viên Tỉnh đội Quảng Nam. Sau đó ra Huế làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến khu C, rồi chính trị viên mặt trận đường 9, Đông Hà - Xavanakẹt. Cuối năm 1946 ra Quân khu 4, rồi lên chiến khu Việt Bắc. Mùa hè năm 1947, trên quyết định đồng chí làm Trung đoàn trưởng - Bí thư Đảng ủy Trung đoàn 72, tham gia Ủy viên Quân khu khu ủy Việt Bắc. Hè năm 1948, đồng chí Chu Huy Mân lên Cao Bằng làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 74 - Bí thư Trung đoàn ủy, sau là Chính ủy Trung đoàn. Thực hiện chủ trương của Thường vụ Trung ương Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung đoàn mở mặt trận phía Tây phối hợp với hướng Đông do Trần Minh Giang đại diện cho giải phóng quân Trung Quốc, hai bên phối hợp chiến đấu đánh tan quân Tưởng Giới Thạch giành chiến thắng, mở rộng căn cứ địa Hoa Nam, giải phóng Thủy Khẩu, Long Châu, Hà Thành, Hà Đồng. Toàn bộ quân địch ở Thủy Khẩu bị ta tiêu diệt và bắt làm tù binh. Thừa thắng Trung đoàn 74 tiến quân đánh địch ở La Hầu, diệt và bắt một tiểu đoàn quân Tưởng, quân địch còn lại kéo cờ trắng ra hàng. Ngày 19/8/1945, Trung đoàn 174 được thành lập cùng với Đại đoàn 308 và Trung đoàn 209, đây là những đơn vị chủ lực đầu tiên của quân đội ta ra đời đi tiên phong trên con đường vận động chiến. Trung đoàn 174 được hình thành từ 3 tiểu đoàn của Trung đoàn 72 (Bắc Kạn), Trung đoàn 74 (Cao Bằng) và Trung đoàn 28 (Lạng Sơn) do Chu Huy Mân làm Chính ủy - Bí thư Trung đoàn ủy. Chiến công đầu của Trung đoàn 174 ngay sau khi được thành lập là trận đánh phục kích địch trên con đường số 4 đã làm tê liệt, cắt đứt con đường vận chuyển chiến lược của địch từ xuôi lên Việt Bắc. Diệt 200 tên lính Âu - Phi, bắt sống 60 tên, phá hủy trên 50 xe. Có 16 xe tăng và trên 300 tên địch bị thương. Chiến công đầu của Trung đoàn điều quan trọng là cán bộ, chiến sĩ được giáo dục, quán triệt, xây dựng quyết tâm, chuẩn bị chu đáo trước trận đánh, mở đầu truyền thống "đã đánh là thắng, thắng ngay trận đầu". Đầu năm 1950, Trung đoàn phát huy truyền thống "Đánh thắng trận đầu", tổ chức trận đánh lớn diệt khoảng 5.000 quân Tưởng thuộc quân đoàn do tướng Bạch Sùng Hy chỉ huy, số còn lại tháo chạy, bị quân ta truy kích, bắt liên lạc với giải phóng quân Trung Quốc, hai bên phối hợp chiến đấu thắng lợi diệt khoảng 1.000 tên, bắt đầu hàng trên 4.000 tên địch. Sau trận chiến đấu oanh liệt này, Trung đoàn 174 trở về Nước Hai - Cao Bằng đón xuân mừng chiến thắng làm lễ ra mắt tại bản Nà Niên, Đức Long, Hòa An, Cao Bằng. Một sự kiện đáng ghi nhớ, vinh dự, tự hào là Trung đoàn 174 được Đảng, tổ chức tin yêu giao nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ đi Trung Quốc, Liên Xô (cũ) qua biên giới Cao Bằng; vinh dự được làm nhiệm vụ bảo vệ các đoàn nước ngoài đến Việt Nam qua biên giới Cao Bằng. Tháng 6/1950, Trung đoàn 174 có vinh dự cùng với Đại đoàn 308, 4 Tiểu đoàn 209, 426, 428 và 888 - đây là những đơn vị chủ lực của Bộ tham gia chiến dịch Biên giới; thực hiện tư tưởng của Bác Hồ: Đánh tiêu diệt Đông Khê, Thất Khê; đánh địch ứng cứu lên Đông Khê rồi đánh vào Thất Khê, đánh địch ở Cao Bằng. Chiến dịch Biên giới với quy mô lớn đầu tiên của quân và dân ta kết thúc thắng lợi, tiêu diệt gần 5.000 tên địch, bắt sống 3.500 tên, đặc biệt là diệt gọn 5 tiểu đoàn của địch, chiếm lực lượng cổ động chiến lược của quân Pháp ở Đông Dương; giải phóng được 5 thị xã, 13 thị trấn, ta làm chủ dải biên giới dài trên 700km, mở rộng đáng kể địa bàn căn cứ địa Việt Bắc. Sau chiến dịch Biên giới thắng lợi, Trung đoàn 174 về đóng quân tại thị xã Lạng Sơn thì đồng chí Chu Huy Mân nhận được điện của Bộ Tư lệnh tiền phương của Bộ gọi về nhận nhiệm vụ mới. Khi đến cơ quan tiền phương của Bộ tại Hòa An, Cao Bằng, Chu Huy Mân đến báo cáo với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: "Tôi và anh Mân cùng sang gặp Bác". Khoảng 10 phút sau thì cả 2 người đã đến nơi Bác ở. Theo lời kể của đồng chí Chu Huy Mân: Nơi Bác ở, nhìn chiếc lán đơn sơ nhưng gọn gàng, sạch sẽ, Bác ra tận cửa đón 2 người. Bác bắt tay từng người. Sau lời chào và chúc sức khỏe Bác của tôi và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được nắm bàn tay ấm áp của Bác thật lâu mà xúc động bồi hồi, niềm mong ước từ miền Trung ra Việt Bắc để được có dịp gặp Bác Hồ nay đã thành sự thật. Đại tướng Võ Nguyên Giáp giới thiệu tôi với Bác, Bác cười đôn hậu rồi nói: Chú là tự vệ đỏ năm 1930, vác gậy tre hóa đánh Tây ở nhà thờ Bản Thổ phải không? Đồng chí Chu Huy Mân thưa với Bác: "Hồi đó cháu còn nhỏ, thấy thằng Tây ác quá, chúng cháu muốn góp sức đánh đuổi chúng nó". Bác đợi đồng chí Chu Huy Mân nói xong rồi chỉ một chiếc ghế bên cạnh bảo ngồi xuống. Bằng chất giọng xứ Nghệ trầm, ấm áp, Bác nói như giảng giải: Trung đoàn 174 của chú vừa lập công lớn trong trận đánh Đông Khê, chú Mân chuyển lời Bác khen ngợi cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn. Bây giờ Bác nói đến nhiệm vụ của đơn vị chú. Bác nói: Bộ đội và nhân dân ta vừa giành thắng lợi lớn về quân sự, giải phóng cả dải biên giới, ta phải thắng lợi về chính trị. Đơn vị 174 của chú Mân có nhiệm vụ tiếp quản thị xã Lạng Sơn, chú về cùng bàn với đơn vị là lãnh đạo, chính quyền địa phương làm tốt những công tác vùng mới giải phóng. Trước hết, bảo đảm tốt an ninh, an toàn trật tự để đồng bào yên tâm làm ăn sinh sống, tiếp tục góp sức đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng. Thứ hai là: Bảo vệ an toàn các công sở, kho tàng rồi giao lại cho chính quyền địa phương quản lý. Những thứ thu được của địch là tài sản chung quốc gia sẽ góp phần tiếp tục kháng chiến. Các chú phải giáo dục bộ đội cùng với cán bộ địa phương làm tốt công tác tuyên truyền chiến thắng, giáo dục truyền thống, tuyên truyền và giải thích chính sách của Đảng, Chính phủ để đồng bào tin tưởng, phấn khởi, đoàn kết một lòng, sản xuất, chiến đấu, học hành tốt. Những người bị địch ép đi làm việc, đi lính cho chúng tin ở chính sách khoan hồng của Nhà nước ta, khuyên họ ở lại với gia đình, làng xóm làm ăn, lập công mới. Trong khi làm các nhiệm vụ trên, bộ đội phải thực thà, tôn trọng và giúp đỡ dân đoàn kết quân dân, đoàn kết dân tộc. Bộ đội phải gương mẫu, giữ nghiêm kỷ luật; giúp Đảng bộ, chính quyền địa phương làm tốt các công việc cần thiết. Bác nói xong, nhìn đồng chí Chu Huy Mân và hỏi: - Chú Mân còn hỏi gì nữa không? Đồng chí Chu Huy Mân thưa với Bác: "Cháu xin hứa sẽ thực hiện và làm đúng những điều Bác căn dặn". Ngay chiều hôm đó, đồng chí Chu Huy Mân gấp rút trở về đơn vị và bàn với lãnh đạo, chỉ huy trong đơn vị tổ chức cho bộ đội tiếp quản thị xã Lạng Sơn. Toàn Trung đoàn đã thực hiện tốt lời Bác Hồ căn dặn cả trước, trong và sau khi tiếp quản thị xã Lạng Sơn, được lãnh đạo, chính quyền, nhân dân Lạng Sơn tin yêu. Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ hai khai mạc ngày 11/2/1951 tại xã Quang Vinh, Chiêm Hóa, Tuyên Quang có 158 đại biểu chính thức, 53 dự khuyết, thay mặt 76 vạn đảng viên của 3 nước Lào, Campuchia và Việt Nam. Đồng chí Chu Huy Mân là đại biểu chính thức của Đoàn đại biểu Quân đội. Chiều 10/2 về tới địa điểm dự đại hội, sáng hôm sau đồng chí Chu Huy Mân đang tập thể dục thì bất ngờ nhìn thấy Bác đang đi tới. Đồng chí Chu Huy Mân đứng nghiêm chào và chúc sức khỏe Bác. Bác Hồ vui vẻ nói: "Sáng nay sau khi ăn cơm xong, chú Mân cùng mấy chú khác trong đoàn đại biểu Quân đội tới hội trường xin phép đại hội cho về chuẩn bị chiến đấu". Trước giờ khai mạc đại hội, Bác nói: "Có mấy chú đại biểu quân đội xin phép đại hội về chuẩn bị chiến đấu", cả hội trường vỗ tay, cũng là đồng thanh cho phép mấy đại biểu quân đội được vắng mặt vì nhiệm vụ. Cả hai đồng chí: Chu Huy Mân, Bùi Quang Tạo cùng đứng lên cảm ơn đại hội, chúc sức khỏe Bác Hồ, chúc đại hội thành công rực rỡ. Sau Đại hội Đảng lần thứ 2, ngày 1/5/1951 trên quyết định thành lập Đại đoàn 316, Đại đoàn được thành lập tại làng Cốt Lùng, Bình Trung, Cao Lộc, Lạng Sơn, nòng cốt của Đại đoàn 316 là Trung đoàn 174, Trung đoàn 98, sau đó có thêm Trung đoàn 176, trên quyết định đồng chí Chu Huy Mân là Chính ủy - Bí thư Đại đoàn ủy. Nhiệm vụ Bác trao, lời dặn của Người, lời hứa với Bác đã in sâu mãi mãi trong tâm trí của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 174 và Đại đoàn 316. Bằng sự nỗ lực phi thường, tình cảm vô biên, trách nhiệm cao cả, quyết tâm sắt đá, Đại đoàn 316 thực hiện lời thề với Đảng, với Bác, với non sông, đã lập nên những chiến công xuất sắc trong các cuộc chiến đấu chống Pháp ở đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hòa Bình…

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/phongsu/2010/9/136380.cand