Đắk Lắk: Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp diễn ra ồ ạt

Do vi phạm luật đất đai nên UBND tỉnh Đắk Lắk đã quyết định thu hồi gần 1.200ha đất tại tiểu khu 293, xã Cư M'lan (huyện Ea Súp, Đắk Lắk) thuộc Dự án trồng cao su, trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng của Cty TNHH Anh Quốc giao cho chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, từ sau khi được giao, chính quyền địa phương đã buông lỏng quản lý dẫn đến tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại tiểu khu này diễn ra ồ ạt.

Hàng chục bãi tập kết gỗ gần quốc lộ 29

Theo thông tin của người dân, ngày 2/8/2017, PV đã có chuyến xâm nhập vào các khu rừng tại tiểu khu 293, xã Cư M’lan để ghi nhận tình trạng phá rừng và lấn chiếm đất rừng diễn ra ở đây.

Từ khu vực ngã ba xã Cư M’lan (giao nhau giữa quốc lộ 29 và tỉnh lộ 1) chúng tôi đi theo hướng quốc lộ 29 để vào tiểu khu 293. Suốt dọc đường đi đập vào mắt chúng tôi là những cánh rừng đã bị “cạo trọc”, nhiều cây gỗ bị cắt hạ một cách không thường tiếc, nằm ngổn ngang trong rừng. Không những thế, gần khu vực quốc lộ 29, PV ghi nhận có nhiều con đường mòn dẫn vào rừng, tại đây có hàng chục bãi tập kết gỗ chủ yếu là dầu đỏ, bằng lăng đã được cắt ngắn khoảng 1 mét có đường kính từ 15-35cm được chất thành đống đợi đến lượt được vận chuyển ra ngoài. Đặc biệt, có nhiều cây bị chặt hạ vẫn đang còn rỉ nhựa, cành lá vẫn còn xanh tươi.

 Hàng chục bãi tập kết gỗ nằm gần quốc lộ 29

Hàng chục bãi tập kết gỗ nằm gần quốc lộ 29

Sau khi ghi nhận tại hiện trường, PV đem vấn đề tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trao đổi với các đơn vị chức năng huyện Ea Súp. Có mặt tại hiện trường, ông Bùi Xuân Long - Cán bộ kiểm lâm địa bàn xã Cư M’lan cho biết, đơn vị sẽ báo cáo lên Hạt kiểm lâm huyện để cử lực lượng cẩu gỗ về Hạt lập biên bản xử lí, xác minh đối tượng vi phạm. Tuy nhiên, theo ông Long, do địa bàn rộng, lực lượng mỏng nên khó khăn trong quá trình quản lý, bảo vệ rừng.

Không chỉ dừng lại ở cảnh hoang tàn, cây bị đốn hạ mà ngay giữa lòng tiểu khu 293 lúc này còn xuất hiện hàng loạt lán trại, nhà dân dựng lên. Cùng với đó, những nương ngô, rẫy mì chuẩn bị đến kì thu hoạch chiếm lĩnh trên hàng loạt quả đồi. Khi được hỏi, một người dân sinh sống tại đây cho hay, gia đình bà đã sinh sống và canh tác ở đây trong một thời gian dài nhưng không có ai ngăn cấm.

Phá rừng, lấn chiếm đất rừng chờ dự án?

Ngày 23/2/2017, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định số 404/QĐ-UBND, về việc thu hồi 1.165,2ha đất tại tiểu khu 293, xã Cư M’lan, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk thuộc Dự án trồng cao su, trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng của Công ty TNHH Anh Quốc do vi phạm luật đất đai. Sau đó, UBND tỉnh đã giao lại toàn bộ số đất trên cho UBND huyện Ea Súp quản lý theo quy định.

Đồng thời, quyết định cũng yêu cầu thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với số đất mà Công ty TNHH Anh Quốc được cấp. Theo đó, Công ty Anh Quốc phải có trách nhiệm tháo dỡ, di dời tài sản… mà công ty đã đầu tư trên đất bị thu hồi. Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ chấm dứt hoạt động dự án của công ty.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) chủ trì, phối hợp với Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), UBND huyện Ea Súp và các đơn vị liên quan tổ chức thu hồi và bàn giao ngoài thực địa. Sở NN&PTNT có trách nhiệm hướng dẫn UBND huyện tăng cường công tác quản lí, bảo vệ rừng. Đồng thời, UBND huyện phải chỉ đạo UBND xã Cư M’lan thường xuyên kiểm tra, không để tình trạng lấn chiếm đất rừng xảy ra. Nếu có phải kịp thời xử lý và báo cáo cho cấp có thẩm quyền xử lý.

Người dân chặt phá rừng, múc mương để phân chia đất

Đến ngày 24/4/2017, UBND huyện Ea Súp đã ra quyết định số 1428/QĐ-UBND bàn giao lại số đất đã thu hồi của công ty Anh Quốc cho UBND xã Cư M’lan chịu trách nhiệm quản lý.

Quyết định nêu rõ: “UBND xã Cư M’lan chịu trách nhiệm quản lý chặt chẽ quỹ đất được giao, không để tình trạng lấn chiếm xảy ra; xử lý nghiêm các trường hợp đã lấn chiếm, chuyển nhượng đất trái phép theo quy định; xây dựng kế hoạch bố trí sử dụng quỹ đất theo quy định và quy định của pháp luật”.

Theo một người dân cho biết, từ sau khi nghe tin nhà nước thu hồi đất của Công ty TNHH Anh Quốc để chuẩn bị làm dự án thì rất nhiều người dân bắt đầu ồ ạt kéo vào phá rừng để lấn chiếm đất.

“Mỗi ngày có hàng chục người dân mang cưa lốc vào cưa ngày, cưa đêm khiến cây cối trong rừng nằm ngổn ngang. Không những vậy, họ còn đưa cả máy múc vào múc mương để phân chia đất”, một người dân nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Đình Dũng - Cán bộ phụ trách Nông lâm nghiệp xã Cư M’lan cho biết, sau khi UBND tỉnh có quyết định thu hồi đất của Công ty Anh Quốc thì xã được bàn giao quản lý, nhưng chỉ là trên giấy tờ. Chính vì vậy, ông mong muốn tỉnh cho đánh giá lại hiện trạng diện tích rừng mà Công ty TNHH Anh Quốc để mất bao nhiêu, diện tích mà người dân lấn chiếm là bao nhiêu trước khi bàn giao lại cho xã.

“Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng chỉ xảy ra vào thời gian trước đây, thời gian lúc giao và nhận. Theo đó, đơn vị đã cho lực lượng đi kiểm đếm và báo cáo lên UBND huyện. Trong những ngày gần đây, trên địa bàn không còn xảy ra tình trạng này”, Ông Dũng cũng khẳng định.

Tuy nhiên khi chúng tôi cung cấp về tình trạng phá rừng ồ ạt tại tiểu khu 293, với những dấu vết còn mới, ông Dũng lại phân bua do xã không có lực lượng chuyên trách bảo vệ từng tiểu khu nên không thể ngày ngày giám sát được.

Phương Nam

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/dieu-tra-diem-nong/dak-lak-tinh-trang-pha-rung-lan-chiem-dat-lam-nghiep-dien-ra-o-at-220690.html