Dale Carnegie khởi kiện người Việt Nam vi phạm tác quyền

Trường Đắc Nhân Tâm Dale Carnegie Việt Nam vừa công bố, tổ chức này đã đệ đơn lên khởi kiện ông Lê Như Hiếu về hành vi vi phạm quyền tác giả. Tuy nhiên đơn vị này không đòi bồi thường thiệt hại.

Sáng 5/3, bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Trường doanh nhân Đắc Nhân Tâm Dale Carnegie Việt Nam (DCVN) công bố: Ngày 13/2, đơn vị này đã chính thức gửi đơn đến Tòa dân sự Tòa án nhân dân TP.HCM, yêu cầu được bảo vệ quyền lợi.

Cụ thể, tổ chức này khởi kiện ông Lê Như Hiếu, địa chỉ 185/10 khu phố 3, đường Tân Thới Nhất 13, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP.HCM. DCVN vì cho rằng ông Hiếu đã sử dụng những sản phẩm của trường này trong khi chưa được trường cho phép. Những sản phẩm này đã được DCVN đăng ký quyền tác giả và sở hữu trí tuệ với Nhà nước Việt Nam.

Công bố vụ kiện

DCVN là trường đào tạo doanh nhân được nhượng quyền từ Dale Carnegie Hoa Kỳ. Tổ chức này của Hoa Kỳ đã có bề dày lịch sử 101 năm. Đây là đơn vị được thành lập bởi chính Dale Carnegie (1888-1955), tác giả của hai cuốn sách nổi tiếng “Đắc nhân tâm” và “Quẳng gánh lo đi và vui sống” mà người Việt Nam ai cũng biết qua bản dịch của dịch giả Nguyễn Hiến Lê.

Theo bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh, khi đến bất cứ quốc gia nào, Dale Carnegie cũng đăng ký quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ tại địa phương đó.

DCVN được Dale Carnegie Hoa Kỳ nhượng quyền thương hiệu và thành lập tại Việt Nam vào 2007. Đến đâu tổ chức này cũng đào tạo chuyên gia huấn luyện tại quốc gia đó, đảm trách công tác truyền đạt, đào tạo của trường. Ông Lê Như Hiếu là một trong 15 người đầu tiên được tổ chức này đào tạo thành chuyên gia huấn luyện, trở thành thành viên của trường.

Theo bà Khánh Linh, tuy nhiên sau đó ông Hiếu đã vi phạm một số quy định của trường, như tự đi đào tạo riêng bên ngoài. Sau khi DCVN nhắc nhở và chấm dứt hợp đồng, ông Hiếu đã thành lập công ty, tổ chức đào tạo. Và, gần như toàn bộ giáo trình, quy trình, bài giảng, tài liệu… của ông Hiếu giống đến gần 100 của Dale Carnegie. Điều này đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh.

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc DCVN cho rằng sau nhiều lần nhắc nhở, ông Hiếu có văn bản thừa nhận vi phạm tác quyền, hứa sửa sai. Tuy nhiên thời gian quan không có chuyển biến tích cực. “Đến thời điểm hiện tại xét thấy không thể bằng con đường thảo luận được nữa, nên DCVN quyết định khởi kiện để nhờ pháp luật Việt Nam phân xử”.

Bà Khánh Linh cho biết, việc ông Lê Như Hiếu tùy tiện sử dụng các sản phẩm, vi phạm bản quyền như vậy gây ra thiệt hại cho DCVN không nhỏ, cả về tiền lẫn những giá trị vô hình khác như uy tín, danh dự của DCVN, tổn thất tinh thần cho tập thể cán bộ nhân viên của trường. “Không ai có thể yên tâm, tâm trí, nhiệt tình để toàn tâm toàn ý tập trung nghiên cứu, sáng tạo, đổi mới, phát triển hoàn thiện sản phẩm và hệ thống được. Đó cũng là thiệt hại khó nhìn thấy”.

Tuy nhiên, theo DCVN, đơn vị này không đòi bồi thường thiệt hại. “DCVN yêu cầu tòa án xác định hành vi vi phạm, yêu cầu ông Hiếu chấm dứt và không tái phạm, đồng thời xin lỗi công khai trên 3 kỳ báo do DCVN chỉ định tờ báo”, Giáo sư – Tiến sĩ Khoa học Luật Nguyễn Vân Nam, đại diện pháp lý của DCVN, cho biết.

Giáo sư – Tiến sĩ Nam cho biết, trong các vụ vi phạm quyền tác giả, việc xác định thiệt hại rất rắc rối phức tạp. “Không thể tất cả đều quy ra bằng tiền. Và việc tính toán để quy ra thành tiền cũng là chuyện khó khăn. Đây cũng là yếu tố khiến các vụ kiện kéo dài”, ông cho biết. “Trước mắt, DCVN không đòi bồi thường thiệt hại. Còn nếu có đòi bồi thường thì sẽ khởi kiện ở một vụ kiện khác”.

Cũng theo Giáo sư – Tiến sĩ Nam, việc xử lý các vụ vi phạm tác quyền ở Việt Nam không bao giờ được rốt ráo, và hình thức xử phạt, chế tài vẫn còn rất nhẹ khiến người ta không sợ. “Do đó, có thể DCVN chuyển cho Dale Carnegie tại Mỹ khởi kiện tại Mỹ. Lúc đó người vi phạm phải sang tận Mỹ hầu kiện”, ông nói.

Vỹ Đặng

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/dale-carnegie-khoi-kien-nguoi-viet-nam-vi-pham-tac-quyen-post121335.info