Đảm bảo an toàn hồ, đập trên địa bàn các huyện, thành phố

Sở NN&PTNT vừa có Công văn số 1139/SNN-TL về việc đảm bảo an toàn các hồ, đập trên địa bàn các huyện, thành phố.

Sở NN&PTNT vừa có Công văn số 1139/SNN-TL về việc đảm bảo an toàn các hồ, đập trên địa bàn các huyện, thành phố.

Vừa qua, Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp cùng UBND các huyện, thành phố và Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình tổ chức kiểm tra công tác phòng chống thiên tai (PCTT) và đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ đập trước mùa mưa lũ năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra hiện trạng một số hồ chứa do Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình và UBND các huyện, thành phố quản lý khai thác nhận thấy một số đập của hồ chứa hư hỏng, xuống cấp như thấm qua thân đập, mặt cắt thân đập không đảm bảo kích thước, hư hỏng tràn, van điều tiết, xuất hiện nhiều tổ mối, cây, cỏ mọc nhiều tại mái đập, tràn lắp đăng để chắn cá…

Để đảm bảo an toàn đập trước mùa mưa lũ, kịp thời xử lý các ẩn họa trên thân đập, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố và Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình khẩn trương lập, rà soát phương án bảo vệ đập, hồ chứa và vùng hạ du theo Công văn số 726/SNN-TL, ngày 20/3/2024 của Sở NN&PTNT về việc tăng cường triển khai Nghị định số 114/2018/NĐ-CP, ngày 4/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước; sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó thiên tai ra thực địa; đảm bảo yêu cầu PCTT theo quy định tại khoản 11, khoản 12 Điều 1, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật PCTT và Luật Đê điều.

Các công trình hư hỏng đã được rà soát có 147 hồ, đập chứa nước thủy lợi; các hồ đập bị hư hỏng ở các hạng mục thấm qua thân và nền đập, lún, nứt, sạt trượt mái dốc, xói lở thượng hạ lưu, hư hỏng, xói lở tràn hoặc tràn không đảm bảo khả năng thoát lũ, rò rỉ cống lấy nước… cần phải có kế hoạch để sửa chữa trong thời gian tới, đề nghị các đơn vị, địa phương sắp xếp thứ tự ưu tiên sửa chữa để khắc phục bằng nguồn ngân sách địa phương; trường hợp vượt quá khả năng ngân sách địa phương, báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định, đồng thời gửi Sở NN&PTNT tổng hợp theo dõi; trước mắt khắc phục tạm thời các hư hỏng nhỏ để đảm bảo tưới nước phục vụ sản xuất cho người dân.

Thường xuyên tổ chức rà soát kiểm tra, đánh giá an toàn công trình thủy lợi trên địa bàn, kể cả trong thời gian không có mưa, lũ, kịp thời phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường, nguy cơ phát triển thành sự cố công trình, đặc biệt là các công trình đã xuống cấp, hư hỏng, thấm, sạt trượt mái đập... Chủ động, kịp thời xử lý các ẩn họa trên mái đập, thân đập như phát dọn cây cỏ, tổ mối, tháo dỡ chướng ngại vật trên tràn... đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình.

Rà soát, báo cáo tình hình tích nước của các hồ chứa thủy lợi do các đơn vị, địa phương quản lý…

P.V (TH)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/28/189165/dam-bao-an-toan-ho,-dap-tren-dia-ban-cac-huyen,-thanh-pho.htm