Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động là nhiệm vụ thường xuyên

Theo đánh giá của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong cả nước tuy đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn một số tồn tại. Thấy rõ nhất là số vụ tai nạn lao động (TNLĐ), số người mắc bệnh nghề nghiệp, số sự cố nghiêm trọng trong lao động vẫn còn ở mức cao và đáng lo ngại.

Thống kê cho thấy, trong năm 2023, cả nước đã xảy ra gần 7,4 ngàn vụ TNLĐ làm hơn 7,5 ngàn người bị nạn, trong đó có 699 người chết. Tổng chi phí cho TNLĐ và thiệt hại tài sản trên 16 ngàn tỷ đồng và khoảng 150 ngàn ngày công lao động (chỉ tính riêng trong khu vực có quan hệ lao động). Trong khi đó, diễn biến tình hình TNLĐ trong khu vực không có quan hệ lao động có dấu hiệu gia tăng cả về về số vụ, số người bị nạn.

Mới đây, Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19-3-2024 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác ATVSLĐ trong tình hình mới chỉ rõ: công tác ATVSLĐ chưa đáp ứng yêu cầu, số vụ TNLĐ chưa giảm, bệnh nghề nghiệp chưa được quan tâm, nhất là trong khu vực không có quan hệ lao động. Một số cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, người lao động chưa coi trọng công tác ATVSLĐ... Ý thức chấp hành pháp luật của người lao động, người sử dụng lao động chưa nghiêm.

Để đẩy mạnh công tác ATVSLĐ đáp ứng yêu cầu tình hình mới gắn với Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc đảm đảm quyền của người lao động được làm việc trong điều kiện ATVSLĐ và bảo vệ tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người lao động. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kết hợp chặt chẽ giữa chủ động phòng ngừa với phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm. Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu đối với công tác ATVSLĐ; coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an ninh con người, góp phần cho phát triển bền vững doanh nghiệp và đất nước.

Chỉ thị cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu giảm TNLĐ, nhất là TNLĐ nghiêm trọng, tỷ lệ TNLĐ chết người giảm ít nhất 4%/năm; số người lao động làm việc trong môi trường tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ được khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp tăng ít nhất 5%/năm; số cơ sở phát sinh yếu tố có hại được quan trắc môi trường lao động tăng ít nhất 5%/năm.

Tháng Hành động ATVSLĐ năm 2024 với chủ đề “Tăng cường đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng” đang diễn ra trên cả nước hy vọng sẽ tạo được chuỗi hoạt động, tạo hiệu ứng tích cực để từng bước đưa công tác đảm bảo ATVSTP đi vào nề nếp, giảm thiểu tối đa số vụ TNLĐ xảy ra.

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/cong-doan/lao-dong-viec-lam/202405/dam-bao-an-toan-ve-sinh-lao-dong-la-nhiem-vu-thuong-xuyen-2174611/