Đảm bảo tiền lương tối thiểu, chế độ ăn giữa ca tốt hơn

Theo TƯLĐTT ngành Dệt May Việt Nam lần thứ tư vừa được CĐ Dệt May Việt Nam và Hiệp hội Dệt May Việt Nam ký kết, có nhiều nội dung cơ bản đã được bổ sung, sửa đổi theo hướng có lợi hơn cho NLĐ so với thỏa ước lần thứ ba được ký kết cách đây 3 năm.

Lãnh đạo Công đoàn Dệt May VN và Hiệp hội Dệt May VN tại lễ ký kết TƯLĐTT ngành Dệt May VN lần thứ tư nhằm mang lại lợi ích tốt hơn cho NLĐ. Ảnh: X.T

Theo đó, về thu nhập tối thiểu, tăng từ 3,14 triệu đồng/người/tháng lên 4,3 triệu đồng đối với vùng 1; tăng 2,85 triệu đồng/người/tháng lên 3,8 triệu đồng/người/tháng đối với vùng 2; tăng 2,6 triệu đồng/người/tháng lên 3,3 triệu đồng/người/tháng đối với vùng 3 và tăng 2,4 triệu đồng/người/tháng lên 2,95 triệu đồng/người/tháng đối với vùng 4.

Các năm tiếp theo, khi Nhà nước điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng, mức thu nhập tối thiểu trên sẽ được điều chỉnh bằng mức lương tối thiểu vùng nhân với hệ số 1,14 (tức tăng 14% so với mức lương tối thiểu vùng).

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Trưởng ban Chính sách pháp luật, CĐ Dệt May Việt Nam - cho hay, chế độ ăn giữa ca cho NLĐ tại các vùng cũng được tăng thêm 1.000 đồng/suất so với tiền suất ăn giữa ca trước đây. Ví dụ như vùng 1 tăng từ 13.000 đồng lên 14.000 đồng/suất, nhưng quan trọng hơn là chỉ tính định lượng lương thực, thực phẩm chứ không tính chi phí chất đốt, công phục vụ.

Tuy nhiên, đấy là khung quy định trong thỏa ước, còn trên thực tế có nhiều doanh nghiệp đã thực hiện tốt hơn nhiều. CĐ TCty Việt Thắng - CTCP cho hay, mức ăn ca ngày cho NLĐ tại TCty là 20.000 đồng/suất; ca đêm là 25.000 đồng/suất; CĐ TCty còn tổ chức phục vụ ăn sáng miễn phí với nhiều món ăn để công nhân lựa chọn như: Hủ tiếu, mì, bánh mì trứng ốp la - chả lụa, xôi chà bông tôm khô…; cung cấp đến các nhà máy nước trà đá hằng ngày và nấu nước mát vào mùa nắng nóng để phục vụ công nhân; phục vụ bồi dưỡng độc hại tại chỗ cho công nhân với mức 10.000 đồng/suất.

Cũng theo bà Hằng, đó là chưa kể một số doanh nghiệp như TCty May 10 - CTCP, TCty CP Dệt May Nam Định, TCty May Nhà Bè - CTCP còn bố trí nhà ở, duy trì nhà trẻ, mẫu giáo phục vụ công nhân và con công nhân.

Ông Lê Nho Thướng - Chủ tịch CĐ Dệt May Việt Nam - cho biết, việc ký kết TƯLĐTT ngành thể hiện thiện chí và niềm tin của người sử dụng lao động và NLĐ trong việc cùng thực hiện tốt trách nhiệm của mình vì mục tiêu chung là xây dựng ngành, xây dựng doanh nghiệp ngày càng phát triển bền vững, đời sống NLĐ ngày càng được cải thiện.

Để TƯLĐTT ngày càng có lợi hơn cho NLĐ, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam - đề nghị, CĐ Dệt May Việt Nam cần quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, góp phần xây dựng được đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam.

CĐ Dệt May Việt Nam cũng cần xây dựng các chương trình hoạt động mang tính hỗ trợ doanh nghiệp về quản trị doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0… vì nó rất thiết thực đối với các doanh nghiệp trong ngành.

XUÂN TRƯỜNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/vi-loi-ich-doan-vien/dam-bao-tien-luong-toi-thieu-che-do-an-giua-ca-tot-hon-565982.ldo