Đàm phán hòa bình Syria khai mạc tại Thụy Sỹ: Liệu sẽ có đột phá?

Cuộc đàm phán hòa bình về Syria do Liên hợp quốc bảo trợ khai mạc hôm qua (23/02) tại Geneva, Thụy Sỹ. Diễn ra trong bối cảnh cục diện thế giới và chiến sự tại thực địa Syria đã có nhiều thay đổi, cuộc đàm phán lần này được kỳ vọng sẽ mang lại một kết quả thực chất hơn.

Đại diện cho Chính phủ Syria là Đại sứ Syria tại Liên hợp quốc Bashar Ja'afari. Trong khi đó, về phía phe đối lập, tham gia đàm phán lần này sẽ có 22 gương mặt đại diện cho các nhóm đối lập Syria bao gồm cả hai nhóm mới là nhóm Cairo và nhóm Moscow, vốn được sự ủng hộ của Nga. Hai nhóm này trước đây từng bị các nhóm đối lập khác tại Syria xem là những nhóm có quan điểm bất đồng. Trong khi các nhóm đối lập Syria chủ trương dùng bạo động giành chính quyền thì 2 nhóm trên lại phản đối bạo lực, cho rằng việc thay đổi chính trị cần được thực hiện qua con đường hòa bình.

Diễn ra trong bối cảnh cục diện thế giới và chiến sự tại thực địa Syria đã có nhiều thay đổi, cuộc đàm phán lần này được kỳ vọng sẽ mang lại một kết quả thực chất hơn nhằm mang lại hòa bình cho Syria sau gần 6 năm nội chiến kéo dài.

“Trong các cuộc đàm phán trước đây, các nội dung về hỗ trợ nhân đạo và các vấn đề lộ trình chính trị luôn đan xen nhau. Tuy nhiên, trong cuộc đàm phán lần này, các bên sẽ chỉ tập trung thảo luận về lộ trình chính trị”. Ông Ahmad Ramadan, thành viên phái đoàn đối lập cho biết.

Vai trò cầm quyền của Tổng thống Syria Al Assad là một trong những yếu tố khiến đàm phán hòa bình Syria gặp phải nhiều thách thức.

Có nhiều hy vọng?

Các cuộc đàm phán hòa bình về Syria đã diễn ra nhiều lần song đều lâm vào bế tắc do bất đồng giữa các bên liên quan. Do dó, đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria, ông Staffan de Mistura cho biết ông không trông đợi một bước đột phá ngay lập tức trong vòng đàm phán hòa bình Syria tại Thụy sỹ song ông xem đây là sự khởi đầu của một loạt vòng đàm phán nhằm hướng tới một giải pháp chính trị lâu dài cho Syria. "Tôi không kỳ vọng có sự đột phá ngay lập tức ở vòng đàm phán này song đây sẽ là sự khởi đầu của một loạt vòng đàm phán giúp đi vào chiều sâu của vấn đề Syria, góp phần tìm kiếm giải pháp chính trị cho quốc gia Trung Đông này."

Trong những ngày gần đây, ông Mistura có vẻ miễn cường sử dụng thuật ngữ "chuyển tiếp chính trị," một khái niệm mà phe đối lập liên hệ tới sự ra đi của ông Assad. Đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Syria cho rằng, thúc đẩy các cuộc đàm phán về tiến trình chuyển tiếp chính trị, vẫn là cơ sở cho các cuộc hòa đàm tại Thụy sỹ ngày 23/2. Chuyển tiếp chính trị và lập trường cương quyết của phe đối lập đòi ông Assad phải từ bỏ quyền lực là điểm mấu chốt trong các vòng đàm phán. Trong khi, chính quyền Damascus vẫn dứt khoát tuyên bố rằng số phận của Tổng thống Assad không thể được đưa ra thảo luận trong các vòng đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài gần 6 năm qua tại Syria.

Để bàn về “chuyển tiếp chính trị” ở Syria, giới phân tích cho rằng trước hết phải đạt được thỏa thuận ngừng bắn toàn diện. Thứ hai là phân loại rõ lực lượng nào là đối lập, lực lượng nào là cực đoan, khủng bố. Do đó, cuộc đàm phán tại Geneve có thể sẽ phải dừng nội dung đàm phán chính trị, quay lại chủ đề giảm xung đột trên chính trường Syria.

Giới phân tích cho rằng, sau những tổn thất vừa qua, phe đối lập xác định, cuộc đàm phán tại Geneve sẽ là cứu cánh cần thiết để đòi lại những quyền lợi về mặt chính trị. Trong khi đó, Chính phủ Syria do Nga hậu thuẫn cơ bản đã làm chủ được tình hình trên thực địa và sẽ không dễ dàng nhượng bộ phe đối lập trên bàn đàm phán, nhất là việc chấp nhận sự ra đi của ông Assad trong lộ trình chuyển tiếp chính trị. Thêm nữa, trong tuyên bố Astana và cả trong Nghị quyết số 2254 đều khẳng định tôn trọng độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn của Syria. Nghị quyết số 2254 của Hội cũng nêu rõ chính nhân dân Syria sẽ định đoạt số phần của ông Át-sát. Do đó có thể nói, tương lai của ông Assad do chính người dân quyết định vì lợi ích, an ninh và ổn định của đất nước Syria.

Tuy nhiên, một điều có thể nhận thấy trong cuộc đàm phán hòa bình lần này chính là sự thay đổi trong lập trường của phe đối lập về tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Một trong những vướng mắc lớn nhất tại vòng đàm phán tại Astana cách đây vài tháng là bất đồng giữa chính phủ Syria và phe đối lập về tương lai của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad. Thì nay họ lại có vẻ e dè khi nói đến vấn đề này. Ông Ahmad Ramadan, một thành viên phái đoàn đối lập đã nói rằng, đây là một yếu tố có tính chất quyết định không chỉ với lực lượng đối lập mà với cả các bên liên quan./.

N.Minh

(theo BBC, Reuters, AP)

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/dam-phan-hoa-binh-syria-khai-mac-tai-thuy-sy-lieu-se-co-dot-pha-n128427.html