Dân bất an với các công trình thủy lợi dở dang khi mùa mưa bão tới

Mùa mưa lũ đã cận kề nhưng nhiều công trình ngăn, tiêu, thoát lũ trên địa bàn tỉnh Nghệ An bị lấn chiếm vẫn chưa được giải quyết.

Trong khi đó, không ít công trình thi công dang dở, chậm tiến độ do thiếu vốn, “đội vốn”...

Lấn chiếm kênh tiêu thoát nước

Kênh Vũ Giang có chiều dài 10 km, đảm bảo tiêu nước cho các xã Đại Thành, Mỹ Thành, Liên Thành, Khánh Thành của huyện Yên Thành (Nghệ An). Từ nhiều năm nay, hàng chục ngôi nhà kiên cố đã mọc lên giữa lòng kênh đoạn qua xã Liên Thành, gây ách tắc dòng chảy, nước tràn lên mặt đê, chảy vào nhà dân, ngập nhiều đoạn trên Tỉnh lộ 538.

Theo thống kê, hiện có 76 lô đất của các hộ dân có giấy tờ mua bán với chính quyền địa phương từ những năm 1995. Trong số này chỉ có 15 lô đã được cấp GCN QSDĐ, 38 hộ đã làm nhà và đổ đất làm móng nhà.

Những ngôi nhà mọc lên trong lòng kênh Vũ Giang làm cản trở dòng chảy

Ông Đặng Ngọc Công, Chủ tịch UBND xã Liên Thành cho biết: “Chức năng, thẩm quyền của UBND xã cũng chỉ là lập biên bản vi phạm hành chính; báo cáo UBND huyện. Nhưng đa phần người dân không chấp hành, họ viện cớ có giấy tờ mua bán đất, thậm chí là GCN QSDĐ nên cứ làm. Xã ngăn ngày thì dân làm đêm…”.

Cũng tại huyện Yên Thành, tình trạng xây dựng nhà cửa trong lòng kênh tiêu Vách Bắc đoạn đi qua xã Đô Thành diễn ra phổ biến.

Theo đó, giai đoạn 1988-1996, UBND xã Đô Thành đã bán trái thẩm quyền 199 lô đất cho người dân. Điều đáng nói, thời điểm diễn ra việc mua bán, các lô đất này đều nằm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi kênh tiêu Vách Bắc, không được cấp GCN QSDĐ.

Quá trình mua bán, chuyển nhượng, từ 199 lô đất ban đầu, nay đã có 220 lô. Trong số đó đã có 180 ngôi nhà kiên cố mọc lên trong lòng kênh gây khó khăn cho công tác quản lý và tiêu thoát nước.

Điều đáng nói, một số cán bộ xã qua các thời kỳ, cán bộ đương chức, đương quyền cũng sở hữu những ngôi nhà xây dựng trái phép trong hành lang bảo vệ kênh Vách Bắc.

Một ngôi nhà mới đang xây dựng

Còn tại huyện Hưng Nguyên, từ nhiều năm nay, hàng chục công trình trái phép mọc lên trên kênh 12/9 và dọc tuyến tỉnh lộ 542 C đoạn qua 2 xã Hưng Tân và Hưng Thông gây ảnh cản trở dòng chảy, mất an toàn giao thông trên tuyến

Đây là những công trình mọc lên trên đất hợp đồng có thu lệ phí sử dụng, thuế đất giữa UBND các xã nói trên với người dân. Trong khi chính quyền địa phương “ngó lơ” cho người dân xây dựng, cơi nới nhiều công trình kiên cố thì Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Nghệ An lại cho rằng, mình không có “công cụ” để lập biên bản và xử lý vi phạm... Vì thế, việc vi phạm chưa có dấu hiệu dừng lại, các công trình trái phép vẫn ngang nhiên tồn tại từ nhiều năm nay.

Việc vi phạm vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại

Đê chống lũ dang dở, tính mạng người dân “treo đầu ngọn tóc”

Mùa mưa cận kề đồng nghĩa với nỗi lo của người dân ở vùng “rốn” lũ Nghệ An ngày càng hiện hữu. Nhất là khi những công trình thủy lợi chậm tiến độ. Theo khảo sát của PV, tại Nghệ An hiện có nhiều công trình thủy lợi thi công dang dở khiến tính mạng người dân như “treo đầu ngọn tóc”.

Cống bara Nam Đàn 2 là công trình thủy lợi quan trọng nằm trong hệ thống vận hành thủy lợi Nam Nghệ An, điều tiết, phục vụ tưới tiêu cho các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, TP Vinh, Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò.

Tháng 5/2010, cống bara Nam Đàn 2 chính thức khởi công với tổng mức đầu tư 536 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động vào tháng 5/2016. Tuy nhiên, đến cuối tháng 5/2017, công trình vẫn chưa thể bàn giao đưa vào sử dụng.

Cống Nam Đàn 2 “đội” vốn 100 tỷ đồng

Ông Cao Danh Phú, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Nghệ An cho biết: “Hiện nay, 6/7 gói thầu của dự án đã hoàn thành. Gói còn lại cũng đã cơ bản hoàn thành nhưng do vấn đề trượt giá; do địa chất nên phải thay đổi phương án kỹ thuật, kỹ thuật thi công khá phức tạp nên cần bổ sung nguồn vốn 60-100 tỷ đồng để hoàn thành và đưa vào sử dụng. Trước mắt, Bộ NN&PTNT đã đồng ý phương án bổ sung nhưng nguồn vốn chưa có nên đơn vị thi công chưa thể hoàn thành tất cả các gói thầu”.

Kênh dẫn hạ lưu cống Nam Đàn 2 chưa được nạo vét và gia cố

Năm 2012, khi Dự án nâng cấp tuyến đê Lương - Yên - Khai (Thanh Chương) được triển khai, dự tính bàn giao đưa vào sử dụng vào năm 2015 khiến người dân 3 xã Thanh Yên, Thanh Lương, Thanh Khai khấp khởi mừng. Thế nhưng, sau hơn 4 năm, dự án dang dở, nhà thầu ngừng thi công. Cùng với việc hệ thống thoát nước mới cho khu dân cư thiết kế bất hợp lý khiến người dân bất an, lo lắng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất.

Cống thoát nước đê ngăn lũ Lương-Yên-Khai không có van đóng, mở

Ông Lê Hồng Long, Chủ tịch UBND xã Thanh Yên cho biết: “Khoảng tháng 6/2013 có một đoàn khảo sát chất lượng công trình về. Nghe đâu họ kiểm tra thì thấy chất lượng công trình không đảm bảo nên yêu cầu ngừng thi công. Khoảng 10 ngày sau, hầu hết đơn vị thi công lặng lẽ rút lui khỏi công trường. Hiện trạng để lại là mỏ đất núi Đừng bị cày xéo lấy đất nham nhở, nay lở đất, chảy tùa xuống ruộng lúa. Hàng km đường nhựa bi hư hỏng chưa được khắc phục như cam kết. Xã có 7 hộ nằm trong diện di dời nhưng nay chưa biết có được di dời hay không, nằm dưới chân đê mới, lũ nhỏ có thể cuốn trôi nhà cửa, súc vật ra sông Lam bất cứ lúc nào. 15 hộ dưới chân núi Đừng thường xuyên bị ngập cục bộ do hệ thống thoát nước thiết kế bất hợp lý bị tắc tịt dù UBND xã đã bỏ hàng chục triệu đồng khắc phục”.

+ Dự án nâng cấp tuyến đê Lương – Yên – Khai huyện Thanh Chương được thực hiện đoạn từ K3+ 262 đến K6 + 133, thuộc hợp phần 4 “Dự án quản lý thiên tai WB 5” được thiết kế với quy mô chân đê rộng 30m, mặt đê 5m, cao hơn đê cũ từ 2 – 2,85m, đủ sức ngăn lũ trên báo động 3. Dự án gồm 3 gói thầu với tổng mức đầu tư gần 68 tỷ đồng, trong đó phần xây lắp khoảng 46,6 tỷ đồng do Sở NN&PTNT Nghệ An làm chủ đầu tư.

+ Ông Nguyễn Sĩ Hưng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An cho biết, Dự án nâng cấp tuyến đê Lương – Yên – Khai huyện Thanh Chương do Sở NN&PTNT Nghệ An làm chủ đầu tư, nguồn lấy từ ngân sách tỉnh. Hiện nay công trình thi công dang dở do thiếu vốn (?).

VĂN DŨNG

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/dan-bat-an-voi-cac-cong-trinh-thuy-loi-do-dang-khi-mua-mua-bao-toi-post195286.html