Dân Caribe kể lại cảnh 'như phim kinh dị' giữa siêu bão Irma

Nhà cửa tốc mái, xe cộ bị thổi bay, đối với người dân vùng Caribe, cơn bão Irma vừa tràn qua chẳng khác nào bộ phim kinh dị mà họ không bao giờ muốn xem.

Các tháp di động bị gãy đôi, các container dài 12 m và xe cộ bị thổi bay trong không trung, mái nhà bị gió bão cuốn sạch. Người dân không có nơi nào để trốn. Họ bám chặt vào cánh cửa phòng tắm khi gió bão đe dọa kéo họ ra khỏi nhà.

Cảnh tàn phá ở St. Marteen, hòn đảo do Hà Lan quản lý ở vùng biển Caribe. Ảnh: Bộ Quốc phòng Hà Lan.

Cảnh tàn phá ở St. Marteen, hòn đảo do Hà Lan quản lý ở vùng biển Caribe. Ảnh: Bộ Quốc phòng Hà Lan.

"Những gì chúng tôi đã trải qua chẳng khác gì trên phim kinh dị", một phụ nữ ở đảo Antigua, phía đông Caribe, nói với ABS TV. Cô đã ở trong tâm của một trong những cơn bão mạnh nhất từng được ghi nhận trong lịch sử.

Nuốt chửng vùng biển Caribe

Bão Irma, với độ phủ tương đương bang Texas của Mỹ, đã tràn qua đảo Barbuda chỉ rộng 16 km. Hình ảnh vệ tinh cho thấy các hòn đảo ở biển Caribe gần như bị cơn bão nuốt chửng.

Sáng 7/9, khi mặt trời ló rạng trên vùng biển Caribe, ít nhất 10 người từ đảo Barbuda thuộc quốc đảo Barbuda và Antigua cho đến quần đảo Virgin thuộc Mỹ đã thiệt mạng.

Một người lướt sóng bước xuống vùng biển của La Pared Beach sau trận bão Irma ở Luquillo, Puerto Rico, ngày 7/9. Ảnh: AFP/Getty.

Giống như nhiều hòn đảo nhiệt đới khác nằm trên đường đi của Irma, Barbuda đã bị tàn phá nghiêm trọng. Thủ tướng quốc đảo nói 90% các tòa nhà đã bị phá hủy.

Sáng 7/9, cơn bão khổng lồ đã càn quét Puerto Rico trên đường tới Turks và Caicos, Bahamas và được cho là sắp gây ra một trận lụt trên bờ biển phía đông Florida. Các đợt di tản tại dãy đảo Keys và Miami Beach đã được tiến hành.

Một lính cứu hỏa ở Barbuda mô tả nỗi kinh hoàng khi ông và đồng đội nhận ra họ là những người duy nhất có thể giải cứu các cư dân ở đây. Khi cơn bão mạnh cấp 5 với sức gió 322 km/h tấn công hòn đảo, họ nhận được tin báo một em bé 3 tuổi đang cần được giải cứu.

Lúc sắp lên đường, họ thấy trụ sở cứu hỏa đã bị gió làm tốc mái. "Điều đó khiến chúng tôi thêm lo sợ nhưng chúng tôi vẫn phải làm việc vì đây là nghĩa vụ của chúng tôi đối với người dân", một thành viên nói với ABS TV.

Ở đảo St Martin, các quan chức địa phương báo cáo rằng 95% các công trình đã bị phá hủy, trong đó có sân bay lớn thứ 3 của Caribe.

Bão Irma di chuyển về hướng bờ biển Florida, Mỹ từ vùng biển Caribe qua ảnh chụp của vệ tinh GOES ngày 7/9. Ảnh: Getty.

Alex Woolfall, một du khách Anh đang nghỉ dưỡng tại đây, đã mô tả cảm giác sợ hãi của mình trên Twitter khi tòa nhà nơi anh ẩn nấp rung chuyển vì bão vào khoảng 4h30 sáng.

Woolfall cho biết tiếng gió gào thét bên ngoài giống như đứng sau động cơ máy bay phản lực còn cầu thang nơi anh đứng thì như nóng sôi lên.

"Đây có thể là tweet cuối cùng của tôi trước khi hết điện, tiếng ồn bây giờ nghe như sự khải huyền. Điều này giống như một bộ phim mà tôi không bao giờ muốn xem", anh viết.

Tàn phá các thiên đường nhiệt đới

Một thiên đường nhiệt đới khác nằm trên đường đi của cơn bão là hòn đảo của tỷ phú Richard Branson, nơi ông Obama tới nghỉ dưỡng vào đầu năm nay sau khi rời Nhà Trắng.

Doanh nhân người Anh cùng con trai và các nhân viên đã xuống hầm rượu bê tông bên dưới biệt thự để trú ẩn. Khi bão Irma đi qua, họ mới trở lên và nhận thấy hầu hết tòa nhà đã bị san phẳng.

Gaston Browne, Thủ tướng Quốc đảo Antigua và Barbuda, đã an toàn trên hòn đảo chính của Antigua cách 320 km về phía đông nhưng đành bất lực khi cơn bão tàn phá hòn đảo phía bắc của Barbuda, nơi có 1.800 công dân.

Thông tin liên lạc đã bị cắt đứt và hiện không thể tiếp cận nhiều khu vực của các đảo này. Khi tới thị sát các đảo bằng máy bay trực thăng, Thủ tướng Browne đã choáng váng vì phạm vi thiệt hại.

Thiệt hại của cơn bão Irma, trên đảo Sint Maarten của Hà Lan, ngày 6/9. Ảnh: AFP/Getty.

"Barbuda giờ là đống đổ nát. Hòn đảo này thực sự nằm dưới nước. Theo quan sát của tôi, có vẻ như không có chỗ nào ở Barbuda hiện có thể ở được", ông nói với ABS TV.

Tình trạng mất điện và cắt đứt đường dây liên lạc do gió bão cũng gây khó khăn cho việc đánh giá mức độ thiệt hại ở những nơi như Quần đảo Virgin thuộc Mỹ. Ngay cả đài phát thanh địa phương cũng không thể tiếp tục phát sóng xuyên bão như mong đợi.

Người dân địa phương đã sử dụng các nhóm trên Facebook để tìm kiếm người thân mất tích và báo tin an toàn sau bão. Những người khác đã tìm cách kết nối với trang Go Fund Me để gây quỹ cho các nạn nhân của cơn bão.

Hơn 1 triệu người ở lãnh thổ Puerto Rico thuộc Mỹ đã rơi vào cảnh chìm trong bóng tối khi cơn bão tràn qua, càn quét bờ biển với mưa to gió lớn. Cảnh báo lũ lụt đã được ban hành nhưng hòn đảo này vẫn còn may mắn khi không phải hứng chịu những gì tồi tệ nhất từ "sát thủ" Irma.

Sau khi quét qua Puerto Rico, Irma tiếp tục hướng đến các đảo của Bahamas. Sáu trong số các hòn đảo phía nam của quần đảo này đã được di tản vì các nhân viên cứu hộ có thể không tiếp cận được những khu vực mà Irma sắp quét qua. Thủ tướng Bahamas Hubert Minnis nói đây là "cuộc di tản lớn nhất trong lịch sử đất nước".

Chuyến bay xuyên tâm bão Irma Một kỹ sư người Mỹ quyết định điều khiển máy bay xuyên qua cơn bão Irma nhằm thu thập số liệu về cơn bão, phục vụ cho quá trình dự đoán và chuẩn bị cho thiên tai.

Tuyết Mai

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/dan-caribe-ke-lai-canh-nhu-phim-kinh-di-giua-sieu-bao-irma-post777984.html