Dân chung cư hốt hoảng vì bị đánh đập, bỏ rơi

Xô xát tại chung cư, cư dân bị đánh bất tỉnh; Chậm bàn giao, khách hàng Petrolandmark kéo ra Bắc đòi nhà; Phạt tới 1 tỷ đồng nếu sử dụng đất sai mục đích… là những tin BĐS nổi bật tuần qua.

Xô xát tại Hà Thành Plaza, cư dân bị đánh bất tỉnh

Sau 6 năm đi vào hoạt động với nhiều nỗ lực của cư dân, Ban quản trị chung cư tòa nhà 102 Thái Thịnh vẫn chưa được thành lập. Do sự chây ì của đơn vị chủ đầu tư nên toàn bộ cư dân phải họp hội nghị chung cư thành lập BQT lâm thời. Ngày 21/11/2013 UBND quận Đống Đa ra quyết định công nhận BQT. Sau đó, BQT yêu cầu bàn giao quyền điều hành cho BQT nhưng đã qua 6 cuộc hội nghị mà chủ đầu tư không chịu bàn giao.

Toàn bộ tòa nhà 22 tầng có 204 hộ dân sinh sống, chủ đầu tư cho Công ty Hà Thành thuê 4 tầng thương mại nhưng lại phân bổ diện tích sử dụng chung như tầng hầm để xe, khuôn viên tòa nhà cho Hà Thành sử dụng…

Theo ông Nguyễn Ngọc Phú, Tổ trưởng tổ dân phố 24, đại diện cho các cư dân, cư dân đã biểu quyết tòa nhà chỉ có 1 lực lượng bảo vệ và chỉ có 1 đơn vị vận hành tòa nhà. Cư dân đã quyết định thuê Công ty bảo vệ Tân Việt bảo vệ tòa nhà nhưng Công ty Hà Thành lại thuê Công ty bảo vệ Ánh Dương (SSC) để bảo vệ 4 tầng siêu thị và chiếm một số xe trong tầng hầm. Vì vậy, tòa nhà hiện đang có 2 lực lượng bảo vệ.

Khi tranh chấp vẫn chưa được giải quyết thì khoảng 16h chiều ngày 8/1, ông Nguyễn Thế Dân cư dân ngụ tại khu 1B phó trưởng BQT đang cùng bảo vệ tòa nhà (Công ty Tân Việt) bố trí một chòi bảo vệ (di động) cho bảo vệ trông giữ xe buổi đêm không bị gió rét có một lực lượng lượng bảo vệ của Công ty Hà Thành là SSC đánh ông Dân hôn mê bất tỉnh nhân sự tại chỗ và phá hoại chòi nhôm kính của BQT. 16h30’, ông Dân được đưa vào bệnh viện Đại học Y Hà Nội đến hơn 22h mới hồi tỉnh.

Cư dân chung cư 102 Thái Thịnh bị đánh bất tỉnh

Việc đánh người vẫn chưa được làm rõ, bầu không khí căng thẳng chưa kịp nguội thì ngày 10/1, Công ty An Điền (Đơn vị cung cấp dịch vụ) gửi Công văn số 07/2014/CV-AD thông báo ngừng cung cấp dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư 102 Thái Thịnh.

Theo đúng thông báo, việc ngừng cung cấp dịch vụ quản lý vận hành bắt đầu bằng việc cắt nước, dịch vụ vệ sinh. 204 hộ dân với hơn 1000 nhân khẩu tại đây sống trong cảnh “khát nước” ngay giữa thủ đô. Các hộ chật vật xách từng xô nước, mua từng chai nước để sử dụng cho sinh hoạt hàng ngày.

Chủ đầu tư Richland Southern ‘đem con bỏ chợ’?

Kể từ ngày 1/1/2014, dịch vụ quản lý tại khu nhà ở Richland Southern bị dừng cung cấp do ban quản lý đã hết hợp đồng với chủ đầu tư.

Trước ngày 1/1/2014, Công ty Quản lý Kinh doanh Bất động sản Hà Nội (HPM) là đơn vị quản lý tòa nhà. Hợp đồng quản lý, vận hành khu nhà ở Richland Southern được ký kết giữa chủ đầu tư và HPM.

Theo hợp đồng ký kết ngày 31/12/2013, là thời hạn chấm dứt hợp đồng cung cấp dịch vụ giữa công ty Lâm Viên và HPM. Vì vậy, từ ngày 1/1/2014, dịch vụ quản lý tại khu nhà bị dừng cung cấp. Khu nhà rơi vào tình trạng không có đơn vị vệ sinh, không có nhân viên trực kỹ thuật, không lễ tân chỉ còn đội ngũ an ninh mỏng khiến cho hơn 200 hộ dân sống tại đây lo lắng hoang mang.

Hết hợp đồng, các dịch vụ quản lý tại tòa nhà cũng bị ngừng cung cấp mà chưa có phương án thay thế.

Ông Nguyễn Thế Minh – Phó Ban quản trị khu nhà cho biết, trước đó chủ đầu tư có thông báo về việc hết hạn hợp đồng dịch vụ với HPM nhưng không thấy thông báo phương án thay thế. Trong khi đó Ban quản trị chúng tôi lại chưa được chủ đầu tư bàn giao quản lý vận hành khu nhà nên chưa đủ thẩm quyền để đứng ra ký kết với một đơn vị cung cấp dịch vụ nào.

Khách hàng Petrolandmark kéo ra Bắc đòi nhà

Tiền đã đóng nhưng dự án dang dở, chậm giao nhà 2 năm, người mua nhà phẫn nộ đòi nhà thì chủ đầu tư trả lời "cũng không biết đến ngày nào dự án có thể hoàn thiện…"

Câu chuyện “dở khóc, dở cười” trên đã và đang diễn ra tại dự án chung cư cao cấp Petro Vietnam Landmark thuộc Phường An Phú (Quận 2, TP Hồ Chí Minh) do Công ty Cổ phần Bất động sản xây lắp Dầu khí (PVCland) làm chủ đầu tư.

Đa số hợp đồng mua nhà của các cư dân thời hạn giao nhà vào ngày 31/12/2011 cùng điều khoản: việc chậm bàn giao căn hộ không được kéo dài quá 6 tháng đối với thời hạn trên. Theo phản ánh của đại diện các cư dân, họ đã đóng tiền theo đúng tiến độ và đến nay đã đóng tới hơn 80% giá trị hợp đồng, một mặt là thực hiện đúng cam kết, mặt khác là PVL quy định rõ trong hợp đồng: nếu không đóng đúng tiến độ thì bị phạt tới 50% giá trị hợp đồng và cá biệt một số hợp đồng còn ghi là mất luôn toàn bộ số tiền đã đóng trước đó.

Thế nhưng đến nay, thời gian giao nhà đã quá hạn tới 2 năm, nhưng tiến độ dự án vẫn chỉ dừng lại ở việc hoàn thành xây thô và đang dừng mọi hoạt động.

Khách hàng Petrolandmark kéo ra Bắc đòi nhà

Sau nhiều công văn của cư dân gửi tới cả PVL, PVCland, các cơ quan chức năng cùng với việc tập trung căng băng rôn tại dự án để đòi nhà, đòi quyền lợi, cuối cùng các cư dân cũng gặp được PVCland. Song, người dân vô cũng thất vọng khi câu trả lời từ phía chủ đầu tư dự án là PVCland khi nói: Công ty đang rất nỗ lực và cũng không biết đến ngày nào mới bàn giao nhà được.

Sau nhiều lần cư dân tổ chức họp nhưng đại diện của PVL cố tình vắng mặt. Quá bức xúc, ngày 6/1 vừa qua nhiều cư dân mua nhà tại dự án Petro Vietnam Landmark đã kéo nhau ra Hà Nội để căng băng rôn đòi nhà tại trụ sở của PVL và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Phạt tới 1 tỷ đồng nếu sử dụng đất sai mục đích

Theo dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định, cá nhân sử dụng đất sai mục đích sẽ bị phạt đến 500 triệu đồng và tổ chức bị phạt gấp đôi.

Các dự án sử dụng sai mục đích sẽ bị phạt.

Tại dự thảo, tùy mức độ của hành vi vi phạm, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất mức phạt từ 1-500 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi sử dụng đất không đúng mục đích và nếu tổ chức có hành vi vi phạm sẽ bị phạt tiền gấp 2 lần cá nhân.

Kiểm tra 12 dự án nhà ở xã hội trên địa bàn Hà Nội

Tại cuộc họp giữa Ban chỉ đạo Trung ương về nhà ở và thị trường BĐS với lãnh đạo TP Hà Nội mới đây, Ban chỉ đạo Trung ương và lãnh đạo TP đã nhất trí thành lập Đoàn công tác kiểm tra các dự án nhà ở có quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn TP.

12 dự án nhà ở xã hội trên địa bàn Hà Nội sẽ bị kiểm tra.

Trong đợt kiểm tra này, có 12 dự án nhà xã hội được liệt vào danh sách kiểm tra gồm Dự án Cầu Bươu tại Thanh Trì do Công ty kinh doanh phát triển nhà HN đầu tư; Dự án Hạ Đình tại Thanh Xuân do Công ty xây dựng lắp máy điện nước đầu tư; Dự án Cầu Diễn thuộc dự án thành phố giao lưu do Tổng Công ty CP ĐTXD Vigeba đầu tư; Dự án Tây Nam Linh Đàm do HUD đầu tư, Dự án Giang Biên tại Việt Hưng, Long Biên do Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Sài Đồng đầu tư.

Hoàng Minh(tổng hợp)

Khách hàng nổi giận vì diện tích căn hộ

TP.HCM: "Thay máu" nhiều dự án bất động sản

Ngân hàng tiết kiệm nhà ở, giấc mơ nhà HN có thành sự thực?

Góc khuất ở chung cư 102 Thái Thịnh

Nguồn VietnamNet: http://batdongsan.vietnamnet.vn/fms/thoi-su-moi-nong/94027/dan-chung-cu-hot-hoang-vi-bi-danh-dap--bo-roi.html