Dân gặp rủi ro sổ đỏ vì chủ đầu tư nợ thuế?

Chủ đầu tư nợ thuế sử dụng đất nhưng vẫn có thông tin mở bán Roman Plaza Hải Phát khiến khách hàng có thể hứng chịu rủi ro pháp lý.

Mở bán khi chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế, có nên mua Roman Plaza Hải Phát?

Quý I/2017, Cục Thuế TP. Hà Nội đã có 4 lần công bố danh sách các doanh nghiệp nợ thuế quá hạn với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Đáng nói trong số đó có rất nhiều doanh nghiệp đã nhiều lần bị “bêu” tên nhưng vẫn không nộp nhưng vẫn mở bán dự án đang nợ thuế.

Công ty CP Hải Phát là một trong những doanh nghiệp nợ thuế đất "khủng" nhất trên đại bàn TP. Hà Nội. Theo đó, dự án Roman Plaza Hải Phát (địa chỉ P. Đại Mỗ, Q. Nam Từ Liêm) do Công ty CP Hải Phát làm chủ đầu tư được thông báo nợ thuế sử dụng đất 517 tỷ đồng.

Sau thông báo này, Hải Phát đã thu xếp nộp được 50 tỷ đồng. Ba tháng sau, con số phải nộp vẫn dẫm chân tại chỗ ở mức 467 tỷ đồng. Tính đến 26/3, Roman Plaza Hải Phát vẫn nợ hơn 467 tỷ đồng tiền sử dụng đất.

Dự án Roman Plaza Hải Phát đang được xây dựng tại P. Đại Mỗ, Q. Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội, có nên mua chung cư Roman Plaza Hải Phát khi đang tiềm ẩn rủi ro

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Đất Việt trong những ngày đầu tháng 10/2017, trang thông tin được cho là chính thức của dự án Roman Plaza Hải Phát và nhiều trang mạng khác đã thông tin rầm rộ dự án này đang mở bán căn hộ đợt 1.

Sáng ngày 10/4/2017, liên hệ với một nhân viên môi giới bất động sản tại sàn giao dịch tại đại chỉ xây dựng Roman Plaza Hải Phát thì được người này tư vấn nhiệt tình và cam kết "dự án có đầy đủ hồ sơ pháp lý" và sẵn sàng ký hợp đồng giao dịch đặt cọc, mua bán căn hộ trực tiếp với chủ đầu tư mà không phải qua trung gian.

Ngoài ra, có nhiều dự án khác nợ tiền thuế sử dụng đất đã bị Cục Thuế TP. Hà Nội thực hiện cưỡng chế là: Dự án khu nhà ở để bán và văn phòng làm việc cho thuê tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, của Tổng công ty Thành An, nợ 252 tỷ đồng; Dự án tòa nhà hỗn hợp AZ Sky, của Công ty TNHH Đá quý thế giới, nợ 99 tỷ đồng...

Ông Nguyễn Thế Mạnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, kiêm Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, có những dự án đã hoàn thành, bán hàng nhưng vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.

Điển hình như Dự án Trung tâm thương mại văn phòng và nhà ở tại Trung Hòa, của Công ty CP đầu tư xây dựng và phát triển công nghệ cao; Dự án tổng hợp công trình hỗn hợp PANDORA, của Công ty TNHH liên doanh ô tô Hòa Bình; Dự án khu nhà ở cao tầng HANOVID tại 430 Cầu Am, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, do Công ty CP BĐS HANOVID làm chủ đầu tư…

Ông Nguyễn Doãn Toản - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội chỉ đạo, nếu đơn vị nào không thực hiện nộp tiền nợ sử dụng đất như cam kết, thành phố sẽ tiến hành cưỡng chế, ngừng thi công, kiên quyết không cấp mới bất cứ dự án nào.

Nói về trường hợp nhiều doanh nghiệp nợ tiền thuế sử dụng đất nhưng vẫn tiến hành mở bán chung cư, Luật sư Phạm Thanh Hoàng - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội khẳng định đây là việc làm hoàn toàn trái với quy định pháp luật.

Theo ông Hoàng, Điều 42, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ, những dự án chung cư chưa nộp tiền sử dụng đất sẽ không được phép bán căn hộ cho khách hàng.

"Công ty CP Hải Phát hay nhiều doanh nghiệp khác cố tình bán căn hộ, văn phòng tại dự án đang nợ tiền thuế sử dụng đất là đẩy khách hàng vào rủi ro pháp lý" - ông Hoàng nói.

Luật sư Trần Văn Thông - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội phân tích thêm, với những dự án đang nợ thuế sử dụng đất sẽ không đủ điều kiện để chủ căn hộ nhận được sổ đỏ.

Từ đó, khách hàng mua căn hộ tại những dự án này có nguy cơ rủi ro rất cao, có thể là mất trắng tài sản đã giao dịch.

Trong một diễn biến mới nhất, đại diện Hải Phát cho rằng, Dự án Hải Phát Plaza có tổng số tiền sử dụng đất là 517 tỷ đồng; trong đó, số tiền giải phòng mặt bằng được khấu trừ vào dự án là 27 tỷ đồng, số còn lại mà Hải Phát phải nộp là 490 tỷ đồng.

Đơn vị này cũng cho biết, đến ngày 29/3, Hải Phát đã nộp 375 tỷ đồng, bao gồm 50 tỷ đồng nộp vào ngày 22/3/2017; 300 tỷ đồng vào ngày 28/3/2017; 25 tỷ đồng ngày 29/3/2017 và 20 tỷ đồng vào ngày 31/12. Đến nay, Hải Phát còn nợ 95 tỷ đồng.

Hai năm trước, Hải Phát đã buộc phải hạ giá 20 - 30% giá bán của khu căn hộ CT2A Tân Tây Đô mới thu được tiền để tiếp tục hoàn thiện dự án này. Đối với dự án The Pride, mặc dù đã bán gần hết căn hộ và thu được rất nhiều tiền từ người mua, nhưng Hải Phát lại gặp khúc mắc về tài chính.

Nhiều chuyên gia trong giới kinh doanh địa ốc cho rằng, việc đầu tư dàn trải vào nhiều dự án cùng một lúc trong vòng 3 năm qua đã khiến nguồn lực của Hải Phát gặp khó.

Lo lắng trước nhiều vấn đề tại dự án Hải Phát Plaza, sáng ngày 10/4/2017 nhiều người quan tâm có đến địa chỉ xây dựng dự án tìm hiểu nhưng đành ra về trong sự băn khoăn mà chưa quyết định xuống tiền mua căn hộ.

Liên quan đến việc mở bán, đại diện Công ty CP Hải Phát cho biết: "Thời điểm đầu năm 2017, dự án Roman Plaza là một trong những dự án được cơ quan chức năng TP. Hà Nội cho phép mở bán khi chưa thi công xong phần móng".

Minh Trung

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/bao-ve-nguoi-tieu-dung/dan-gap-rui-ro-so-do-vi-chu-dau-tu-sai-luat-3332971/