Dân lao đao vì cơ sở sản xuất nhựa tái chế

Hơn 10 năm nay, người dân khu vực thôn 2 và thôn 3 xã Hòa Thắng (TP Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc) khốn khổ vì phải sống chung với mùi hôi, khét từ cơ sở sản xuất nhựa tái chế của gia đình ông Bùi Thanh Quang (trú thôn 2, xã Hòa Thắng). Nhiều người dân nơi đây thường xuyên bị khó thở, viêm họng, viêm phổi, sình bụng... Nhiều nhà dân phải đóng cửa kín mít từ sáng đến tối để chạy trốn mùi hôi, khét từ cơ sở sản xuất nhựa tái chế tỏa ra. Bà Bùi Thị Luyến (1960, trú thôn 3) bức xúc: “Khi mới thành lập cơ sở, ông Quang mua phế liệu, bao bì nhựa về xay sống rồi mang đi bán thì không có mùi hôi. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, ông Quang mua máy về sản xuất nhựa tái chế gây bức xúc cho người dân xung quanh. Ngày nào cũng vậy, cứ 8 giờ sáng là chúng tôi phải đóng cửa nhà kín mít vì không chịu nổi mùi hôi, khét do nhựa tái chế. Cứ chiều lại, tụi trẻ con nhà tôi phải đeo khẩu trang để hạn chế “nạp” khí thải vào người”.

Rác thải tràn ngập phía sau cơ sở sản xuất của ông Quang. Ảnh: T.T

Rác thải tràn ngập phía sau cơ sở sản xuất của ông Quang. Ảnh: T.T

Quán cà-phê Tùng Phương của chị Bùi Thị Đan Phương cũng vắng dần khách vì không thể chịu nổi mùi hôi. Chị Phương nói: “Khoảng 3-4 tháng nay, ông Quang nhập bao đựng xác cá về sản xuất. Ban đầu, người dân nơi đây nghĩ rằng có con vật gì đó chết ở đâu đó nên gây ra mùi thối nồng nặc. Thế nhưng, khi mọi người đi kiểm tra thì mới phát hiện mùi hôi thối đó xuất phát từ những bao đựng xác cá mà ông Quang nhập về. Cũng vì mùi hôi thối này, quán cà-phê của tôi mất đi một lượng khách lớn. Đó là chưa kể, ruồi nhặng xuất hiện nhiều vô kể”. Nghĩ đến tình làng nghĩa xóm, gia đình chị Phương và các hộ dân xung quanh nhiều lần tổ chức “đàm phán”, yêu cầu ông Quang phải xây dựng hệ thống xử lý khí thải, rác thải để bảo vệ môi trường, sức khỏe của người dân. Ông Quang nhiều lần hứa sẽ khắc phục nhưng nay vẫn chưa thấy “nhúc nhích”.

Ông Quang khẳng định việc sản xuất của mình không ảnh hưởng tới môi trường. Ảnh: T.T

Sau một thời gian dài “chịu đựng”, người dân 2 thôn nhiều lần đưa đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng. “Không ít lần các ngành chức năng về kiểm tra cơ sở sản xuất nhựa tái chế của ông Quang. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì chỉ ngay sau đó mọi thứ đâu lại vào đấy. Ông Quang vẫn nghiễm nhiên hoạt động và xả khí thải ra môi trường một cách vô tội vạ”. Không chỉ khí thải, cơ sở sản xuất nhựa tái chế của ông Quang còn xả rác thải tràn lan ra khu vực sát bên mương thoát nước. Mỗi khi trời mưa thì lượng rác thải nhựa này theo dòng nước chảy xuống mương rồi trôi thẳng ra cánh đồng...

Sáng 22-12, P.V thâm nhập cơ sở sản xuất nhựa tái chế của ông Quang. Ông cho rằng, trước đây, mỗi ngày, cơ sở có khoảng 40-50 người làm nên hoạt động 24/24 giờ. Thế nhưng, từ năm 2015, do không thuê nhân viên nên chỉ hoạt động từ 8 giờ đến 17 giờ/ngày. Mỗi ngày, cơ sở sản xuất khoảng 4-5 tạ nhựa tái chế. Mỗi năm, các ngành chức năng có vào kiểm tra định kỳ nhưng cơ sở chưa hề bị xử phạt hành chính. “Bởi tôi có giấy phép hoạt động và có thiết kế ống xả khí thải với chiều dài khoảng 8m, rộng 45cm. Do đó, khí thải nó bay lên trời và không ảnh hưởng gì tới ai. Chỉ có khi vào trong cơ sở mới ngửi thấy mùi hôi. Mấy ngày nay, tấm che ống xả khí thải bị rách nhưng tôi chưa khắc phục được” – ông Quang phân trần.

Hình ảnh tại cơ sở sản xuất nhựa tái chế của ông Quang. Ảnh: T.T

Câu trả lời của ông Quang đã đi ngược lại hoàn toàn so với thực tế. Bởi mới cách cơ sở của ông Quang nhiều nhà, chúng tôi đã thấy ngợp thở vì mùi hôi, khét nồng nặc. Hơn thế, khi P.V đề nghị được xem giấy phép hoạt động thì ông Quang từ chối và cho hay: “Năm 2005, Công an Môi trường tỉnh làm mất giấy phép của tôi rồi”. Về vấn đề rác thải và mùi hôi từ bao đựng xác cá mà người dân phản ánh, bà Quách Thị Liên Phương (vợ ông Quang) giãi bày: “Rác thải đó là do người dân nơi đây xả xuống cống nên mỗi khi trời mưa thì tràn vào đất của gia đình tôi. Riêng mùi hôi đựng xác cá không phải chúng tôi nhập về mà bị chủ hàng bỏ lẫn lộn lên xe. Sau khi phát hiện, chúng tôi đã bỏ 1,6 triệu đồng thuê người hốt và đem đến trả lại cho chủ hàng”. Trong khi đó, người dân phản ánh, mấy tháng trở lại đây cơ sở của ông Quang thường xuyên nhập bao đựng xác cá về sản xuất. Đồng thời, ghi nhận của P.V cho thấy, lượng rác thải giáp mương thoát nước đều là mẫu bao nhựa vụn đã qua tái chế. Trái ngược với thông tin trả lời từ vợ chồng ông Quang, bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng thông tin: “Sau khi xử lý nhiều lần, mới đây, UBND xã đã xuống tận nơi giải thích, yêu cầu ông Quang làm cam kết bảo vệ môi trường. Thế nhưng, ông Quang không hợp tác nên chúng tôi đã mời các phòng ban xuống phối hợp giải quyết”. Bà Nguyễn Thị Xuân, cán bộ địa chính, môi trường xã Hòa Thắng nói thêm: “Khu vực cơ sở sản xuất nhựa tái chế của ông Quang đã được quy hoạch khu dân cư. Trước đây, UBND xã đã phối hợp với Phòng TNMT TP Buôn Ma Thuột kiểm tra và nhắc nhở, lập biên bản ông Quang rất nhiều lần vì sản xuất không đảm bảo môi trường. Phòng TNMT cũng đã từng phạt hành chính với ông Quang. Do vượt quá thẩm quyền nên UBND xã đã làm báo cáo, đề xuất các cơ quan cấp trên hỗ trợ xử lý, có biện pháp di dời cơ sở này. Mới đây, Cảnh sát môi trường tỉnh Đắc Lắc mới vào kiểm tra, làm việc đối với ông Quang nhưng vẫn chưa có kết quả xử lý hay chỉ đạo của các ngành chức năng cấp trên”.

Thơ Trịnh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_159596_dan-lao-dao-vi-co-so-sa-n-xua-t-nhu-a-ta-i-che-.aspx