Dân ngăn cản công trình, đòi bồi thường thiệt hại

Trong mấy ngày qua, nhiều người dân ở thị trấn Mái Dầm, H.Châu Thành, Hậu Giang, kéo đến ngăn cản không cho công nhân vào công trường xây dựng Khu nhà văn phòng làm việc của Ban quản lý dự án (QLDA) thuộc dự án Trung tâm điện lực (TTĐL) Sông Hậu.

Đây không phải là lần đầu tiên việc thi công công trình trọng điểm quốc gia này bị các hộ dân trên ngăn cản. Tuy đại diện xã, huyện đã tiến hành họp khẩn cấp những hộ dân liên quan cùng các đơn vị có trách nhiệm tại công trình, ghi nhận số cam bị thiệt hại của các hộ dân là hơn 1.500 cây cam bị chết và trên 4.800 cây cam bị vàng lá. Tuy nhiên, đến ngày 8.11, căng thẳng vẫn tiếp tục diễn ra.

Công nhân bị ngăn cản vào làm việc tại công trình Khu nhà Ban quản lý cơ sở hạ tầng Trung tâm điện lực Sông Hậu - Ảnh: Tiến Trình

Tiếp xúc với PV Thanh Niên, các hộ dân này cho rằng đơn vị thi công đã để cát từ việc san lấp mặt bằng chảy vào đường kênh tưới tiêu, làm chết hàng loạt cam đang cho trái của họ. Anh Huỳnh Thanh Huy (ấp Phú Xuân, thị trấn Mái Dầm) cho rằng, bùn cát từ công trình san lấp gặp trận mưa lớn vào ngày 14.8 đã theo hệ thống mương tưới chảy vào vườn cam của gia đình anh và 5 hộ khác lân cận đã làm nhiều gốc cam bị vàng lá, héo trái và chết hàng loạt. Một người dân khác nói, dù sự việc đã xảy ra từ nhiều tháng qua, nhưng đơn vị thi công san lấp là PVC - Thái Bình Dương và chủ đầu tư là Ban QLDA điện lực dầu khí Long Phú - Sông Hậu thuộc Tập đoàn dầu khí VN thiếu trách nhiệm trong việc xem xét bồi thường cho dân. Đến khi có đơn vị khác vào thi công (PVC - Mekong, cũng thuộc ngành dầu khí) nên người dân buộc phải cản trở để đòi hỏi quyền lợi bị mất.

Ông Trần Quang Hành, Trưởng phòng NN-PTNT H.Châu Thành cho biết, đơn vị này đã kết hợp với các kỹ sư của Chi cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Khuyến nông, thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang tiến hành xác định nguyên nhân cam chết. Theo kết luận của các nhà chuyên môn, cam chết là do bệnh vàng lá thối rễ, bởi tác nhân là một loài nấm có sẵn trong đất, gặp triều cường cao cộng với nước tràn từ các trận mưa lớn đã làm đẩy nhanh quá trình chết của cây. Theo ông Hành, việc cam của các hộ dân này bị chết không phải hoàn toàn do nước từ việc thi công tác động, vì nước cát lấy từ sông Hậu không gây độc cho cây trồng. Theo Trạm Bảo vệ thực vật H.Châu Thành, dịch vàng lá thối rễ đang gây thiệt hại diện rộng cho diện tích cam của huyện. Hiện toàn huyện đã có gần 200 ha cam thuộc thị trấn Ngã Sáu, Mái Dầm, xã Đông Phước A, Đông Phước…bị chết do nguyên nhân này. Không chỉ các hộ dân lân cận mặt bằng đã san lấp hoặc công trình xây dựng Khu nhà văn phòng Ban quản lý TTĐL Sông Hậu có cam bị chết, mà gần đó, các hộ dân khác cũng gặp hoàn cảnh tương tự.

Ngày 10.11, lãnh đạo huyện Châu Thành đã tổ chức buổi đối thoại giữa các hộ dân và Ban QLDA điện lực dầu khí Long Phú - Sông Hậu cùng các đơn vị thi công tại TTĐL Sông Hậu. Tuy nhiên, dù các nhà thầu PVC - Thái Bình Dương, PVC - Mekong đã đồng ý hỗ trợ một phần thiệt hại của người dân, song các hộ này vẫn chưa đồng ý mức hỗ trợ mà nhà thầu đưa ra.

Tiến Trình

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20111113/dan-ngan-can-cong-trinh-doi-boi-thuong-thiet-hai.aspx