Dán nhãn phim: Cần trách nhiệm, công tâm!

Việc dán nhãn phân loại phim là cần thiết nhưng hiệu quả có được còn phụ thuộc nhiều vào trách nhiệm và sự công tâm của cơ quan quản lý

Sau 3 năm ấp ủ đề án dán nhãn phim phát hành ra rạp, ngày 1-1, Cục Điện ảnh thông báo áp dụng bảng phân loại với 4 mức khác nhau cho các bộ phim được cục cấp phép phát hành: P (dành cho mọi độ tuổi), C13 (cấm trẻ em dưới 13 tuổi), C16 (cấm khán giả dưới 16 tuổi) và C18 (cấm khán giả dưới 18 tuổi). Các nhà sản xuất và phát hành phim ủng hộ việc này nhưng sau đó đã phản ứng tiêu cực vì cho rằng có nhiều bất cập khi thực hiện.

Phù hợp quy định quốc tế

Với nhiều người trong giới, bảng phân loại phim gồm 4 mức dán nhãn hiện tại là phù hợp và cần thiết cho sự phát triển bền vững của nền điện ảnh Việt. Nhà phát hành cũng không quá đắn đo khi nhập phim với những chủ đề đặc biệt.

Nhà sản xuất Jenni Trang Lê cho rằng bảng phân loại là cần thiết vì người làm phim có thể chọn lựa tác phẩm của mình dành cho đối tượng trẻ em hay người lớn. Nếu xác định là phim C18 thì đầu tư cho tới, làm đủ chuẩn và đẩy mạnh khâu quảng bá, thoát khỏi tình trạng không dám làm quá mức vì sợ bị cấm như trước.

Phim “Tây Du Ký: Mối tình ngoại truyện 2” có nhiều cảnh không phù hợp với trẻ em lại được nhãn P - không giới hạn. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)

“Việc dán nhãn phim các độ tuổi như hiện nay là phù hợp với quy định quốc tế. Các nước cũng làm thế, Việt Nam không thể đi một mình một đường. Thêm vào đó, việc dán nhãn sẽ tránh được tình trạng cấm phim, không cho ra rạp như trước đây. Các bậc phụ huynh cũng tránh được việc lo lắng con em mình bị ảnh hưởng bởi những điều mà ở độ tuổi còn nhỏ chưa nên xem, như phim có cảnh bạo lực, rượt đuổi, súng đạn nhiều hoặc cảnh ái ân, yêu đương vợ chồng” - biên kịch, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Duyệt phim quốc gia - nhận định.

Dán nhãn là cần thiết nhằm giúp thị trường phim phát triển nhưng theo nhiều người trong giới, việc cơ quan quản lý sử dụng nó như thế nào mới là điều đáng bàn. Bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Quảng cáo Sóng Vàng, cho rằng nếu việc dán nhãn thực hiện công tâm sẽ rất tốt cho thị trường phim. Tuy nhiên, nếu nó có yếu tố thiếu thuyết phục, gây hoang mang cho nhà sản xuất thì câu chuyện lại khác.

Thất thu vì dán nhãn thiếu công bằng?

Cả ba phim Việt chiếu Tết Đinh Dậu: “Rừng xanh kỳ lạ truyện”, “Nàng Tiên có 5 nhà” và “Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh kungfu” đều đạt doanh thu không như mong đợi. Các nhà sản xuất cho rằng việc dán nhãn tác động một phần không nhỏ khiến phim Việt rơi vào cảnh “chợ chiều”.

“Tôi thấy việc thẩm định dán nhãn vẫn còn thiếu công bằng. “Tây Du Ký: Mối tình ngoại truyện 2” lại dán nhãn P (không giới hạn), trong khi phim này có cảnh được phản ánh là không hợp với trẻ em. Ở Mỹ cũng như các nước khác, phim này đều dán nhãn PG 13 (khuyến cáo phụ huynh rằng có một số hình ảnh không thích hợp cho trẻ em dưới 13 tuổi - PV)” - nhà sản xuất Lý Khải Nghiệp bức xúc.

Ông Đỗ Duy Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, cho biết phim PG 13 theo phân loại của MPAA (Motion Picture Association of America - Hiệp hội Điện ảnh Mỹ) là khuyến cáo các bậc cha mẹ đặc biệt chú ý khi cho trẻ em xem phim. Theo tiêu chí phân loại tại Việt Nam, mức C13 là phim cấm phổ biến đến lứa tuổi khán giả dưới 13.

Ông Đỗ Duy Anh giải thích: “Hội đồng trung ương thẩm định phim truyện sau khi thẩm định “Tây Du Ký: Mối tình ngoại truyện 2” thấy phim này đáp ứng được tiêu chí phổ biến theo mức P. Điều này không tạo ra sự khác biệt lớn về phân loại phim giữa Việt Nam và một số nước. Tiêu chí phân loại phim để phổ biến theo lứa tuổi của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) mới được thực hiện từ ngày 1-1, do vậy cần được kiểm chứng qua thực tế để phát huy tốt nhất vai trò và hiệu quả của nó”.

Ông Đỗ Duy Anh khẳng định không có sự phân biệt phim nội và phim ngoại khi thẩm định, phân loại. Tất cả phim khi thẩm định và phân loại đều tuân thủ theo quyết định và thông tư của Bộ VH-TT-DL. “Doanh thu của một bộ phim phụ thuộc vào chất lượng, tính hấp dẫn và tiếp thị, quảng bá của nhà phát hành. Cụ thể, dịp Tết vừa qua, một số phim được phân loại theo độ tuổi lại có doanh thu cao. Trong đó, cao nhất là phim Mỹ: “XXX: phản đòn” (dán nhãn C16). Còn phim Việt Nam, cao nhất là “Nàng tiên có 5 nhà” (dán nhãn C13), hoặc gần đây là “Bạn gái tôi là sếp” (dán nhãn C13)” - ông Duy Anh dẫn chứng.

“Thống nhất, không một chiều”

Việc cơ quan quản lý thiếu công bằng khi dán nhãn phim chiếu Tết chưa lắng thì dư luận lại bức xúc trước chuyện phim dán nhãn C18 vẫn bị cắt nhiều. Trong đó, phim “Fifty Shades Darker” (tựa Việt: “50 sắc thái đen”) gây ức chế người xem nhất. Những cảnh “thân mật” giữa 2 nhân vật chính phần lớn bị “gọt” sạch sẽ. Nhiều người không khỏi thất vọng vì nghĩ rằng bảng phân loại mới sẽ giúp các phim nghệ thuật hoặc “bom tấn” ngoại được ra rạp trọn vẹn.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, “50 sắc thái đen” tuy dán nhãn C18 nhưng vẫn bị cắt bỏ một số đoạn là hợp lý. Bởi lẽ, nếu giữ lại, nó sẽ vi phạm những quy định về thuần phong mỹ tục, truyền bá sự đồi trụy qua nhiều kiểu làm tình. Phương Tây có thể có quan niệm khác quanh chuyện tình dục nhưng ở ta là không phù hợp, cho dù khán giả từ 18 tuổi đều đã trưởng thành. Trưởng thành không có nghĩa là cái gì cũng nên xem.

Việc hình thành và thông qua bảng phân loại phim là một bước tiến cần thiết nhưng đồng thời cũng là thách thức đòi hỏi cơ quan quản lý phải công tâm và có sức thuyết phục trong thực thi.

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát cho biết thông thường, cả hội đồng cùng xem phim cần kiểm duyệt. Xem xong mỗi phim, chủ tịch hội đồng xin ý kiến thảo luận, nhận xét của các ủy viên để biết được có điều gì cần lưu ý về nội dung, cảnh diễn có vi phạm luật điện ảnh hay nghị định không. Nếu không có gì nổi cộm, phim được thông qua. Nếu có, hội đồng làm theo luật, quy định độ tuổi phù hợp. Đôi lúc, các thành viên trong hội đồng cũng tranh luận để đi đến điểm thống nhất, không một chiều.

“Trong các buổi duyệt phim, nếu có phim Việt thì bao giờ cũng được chiếu đầu tiên, cả hội đồng rất hào hứng xem. Nhiều hôm, tất cả ban lãnh đạo cục cùng xem chung với các thành viên hội đồng, đủ thấy phim Việt luôn được quan tâm, ưu ái” - bà Ngát cho hay.

Có thể bị lợi dụng

Ông Phi Long, Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông Poly, bày tỏ lo lắng rằng quy định dán nhãn phân loại phim có thể bị lợi dụng làm công cụ cạnh tranh thiếu lành mạnh. Bởi lẽ, khi ra rạp, phim “Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh kungfu” của ông bị hệ thống phát hành khác tự dán nhãn C16 dù được cấp phép C13. Việc chuyển từ C13 lên C16 khiến phim mất thêm một lượng khán giả vì cứ ngỡ bị giới hạn độ tuổi. Khi bị phản ánh, các rạp mới điều chỉnh nhưng khá chậm, mất 2-3 ngày sau khi phim công chiếu.

Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Đỗ Duy Anh cho biết cục đã có kế hoạch phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm tra việc thực hiện phân loại phim tại các cụm rạp. Việc xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền của các cơ quan thanh tra văn hóa, mức xử phạt được quy định tại Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Minh Khuê

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/dan-nhan-phim-can-trach-nhiem-cong-tam-20170216214424689.htm