“Dán tem bia sẽ trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp”

BizLIVE - PGS.TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát nêu quan điểm liên quan đến quyết định bỏ cấm bán bia vỉa hè, bán bia cho phụ nữ mang thai tại dự thảo Nghị định quản lý sản xuất kinh doanh bia do Vụ Công nghiệp nhẹ Bộ Công thương tham mưu soạn thảo.

Mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 3 tỷ lít bia Ảnh:TL

Không cấm, chỉ khuyến cáo

Theo đó, PGS.TS Nguyễn Văn Việt cho biết, thực tế trong quy định về quản lý đô thị đã có quy định cấm các hình thức bán hàng trên vỉa hè do đó nếu Bộ Công thương tiếp tục giữ nội dung cấm bán bia trên vỉa hè sẽ là "buồn cười".

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Việt cũng nhìn nhận hiện nay việc cấm bán hàng rong trên vỉa hè hầu như không hiệu quả nên nếu Bộ Công thương vẫn đưa quy định này vào lại xoay về 0, người dân cũng không thực hiện.

"Nếu có nội dung này sẽ là thừa, chồng chéo và không làm được là nhàm và mất giấy bút để viết", ông Nguyễn Văn Việt nói.

Về phía Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương), lý giải về quyết định này, ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ cũng cho biết: "Những vấn đề thuộc về quy định khác thì chúng tôi bỏ ra. Ví dụ quy định cấm bán bia trên vỉa hè, không chỉ có cấm bán bia, rượu mà còn cấm bán nhiều loại hàng hóa khác trên vỉa hè. Nội dung này thuộc về quy định quản lý đô thị của các địa phương, trong đó người ta cũng đã quy định rất rõ", ông Phan Chí Dũng nói.

Đồng thời ông Phan Chí Dũng cũng cho biết dự thảo Nghị định về kinh doanh bia cũng quyết định bỏ quy định cấm bán bia cho phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú, người đang say bia rượu với lý do đây là "một số vấn đề thuộc về quyền cá nhân thì cũng không thể cấm được".

Ông Phan Chí Dũng cũng thông tin, thay vì cấm sẽ yêu cầu các doanh nghiệp phải in cảnh báo trên nhãn, tức là chỉ khuyến cáo cho người sử dụng.

Bỏ yêu cầu dán tem bia quan trọng hơn?

Mặc dù thừa nhận Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương) đã tiếp thu ý kiến từ phía các doanh nghiệp, Hiệp hội và từ dư luận để sửa đổi và hoàn thiện Nghị định song cũng theo PGS.TS Nguyễn Văn Việt, việc bỏ quy định cấm bán bia vỉa hè và bán cho phụ nữ mang thai không quan trọng bằng nội dung yêu cầu dán tem bia.

Bia nhập khẩu và bia sản xuất trong nước vẫn đứng trước nguy cơ có thể bị yêu cầu phải dán tem.

"Đây thực chất mới là điều mà doanh nghiệp quan tâm do việc dán tem bia sẽ trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp, ảnh hưởng tới giá thành và vấn đề quản lý tem giả. Sau cùng là ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Nền công nghiệp bia không phát triển sẽ ảnh hưởng đến thu ngân sách... ", ông Nguyễn Văn Việt nhấn mạnh.

Theo tính toán trước đó của đại diện Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) với sản lượng bia tiêu thụ tại Việt Nam khoảng 3 tỷ lít/năm, tương đương 10 tỷ đơn vị phải dán tem/năm. Và với 160 đồng/con tem, Việt Nam sẽ cần 1.600 tỷ đồng/năm cho việc dán tem bia.

Tại hội thảo góp ý dự thảo Nghị định quản lý và sản xuất kinh doanh bia ngày 9/9 trước đó tại Bộ Công thương, ông Nguyễn Tiến Sỹ, phó phòng marketing Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cũng cho biết, nếu phải dán tem cho bia mỗi năm Sabeco sẽ tốn thêm khoảng 800 tỷ đồng.

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-te-dau-tu/dan-tem-bia-se-tro-thanh-ganh-nang-cho-doanh-nghiep-470382.html