Dân 'tự xử' người nghi bắt cóc trẻ em: Sự giận dữ từ nỗi sợ mơ hồ

Từ đầu năm đến nay, tại nhiều địa phương trên cả nước, liên tiếp xảy ra các vụ việc người dân vây bắt người lạ vì nghi ngờ những người này bắt cóc trẻ em.

Rất nhiều người được hỏi đều đưa ra câu trả lời rằng họ rất sợ bắt cóc trẻ em. Nhưng khi được hỏi họ biết cụ thể vụ việc nào không, hầu hết đều trả lời vu vơ đâu đó. Chính những tin đồn và nỗi sợ hãi mơ hồ này đang khiến xã hội bất an.

Vụ việc đau lòng mới xảy ra ngày 22/7, khi hai người phụ nữ là Lê Thị B. (SN 1977, trú huyện Mỹ Đức, TP.Hà Nội) và Nguyễn Thị P. (SN 1965, trú tại Ứng Hòa, Hà Nội), thành viên của HTX tình thương Mỹ Đức bị đánh "thừa sống thiếu chết" chỉ vì bị một số người địa phương cho rằng dụ dỗ trẻ em để bắt cóc.

Khi chỉ một người tri hô, đám đông lập tức dùng đòn thù khiến hai người đàn bà đáng thương nhập viện. Họ đánh mà không cần biết đúng sai, chỉ cần tiếng hô đó là bắt cóc trẻ em là khiến đám đông giận dữ.

Hai người phụ nữ đáng thương bị đánh bầm dập vì tin đồn vô căn cớ.

Không chỉ hai người phụ nữ đáng thương trên, rất nhiều vụ việc đang diễn ra từ khắp mọi miền đất nước từ Hải Phòng, Hải Dương đến Thanh Hóa, Nghệ An… đã có rất nhiều người suýt mất tính mạng, mất tài sản chỉ vì sự hồ nghi quá khích của một số người dân, những người tin vào tin đồn một cách mơ hồ, vô cớ.

Chưa bao giờ tin đồn bắt cóc trẻ em lại tạo ra sự hoang mang cho xã hội đến thế. Những thông tin thất thiệt trên mạng xã hội lan truyền như một thứ dịch bệnh không thuốc đề kháng. Bất cứ ai cũng có thể trở thành kẻ bắt cóc trẻ em chỉ sau một tiếng tiếng hô hay một dòng chia sẻ trên mạng xã hội.

Để ngăn tin đồn vô căn cứ hoành hành, các cơ quan chức năng cần vào cuộc và xử lý nghiêm những kẻ tung tin đồn thất thiệt và cần có những buổi tuyên truyền nhận biết thông tin thất thiệt. Cảnh giác với tội phạm là tốt nhưng người dân cần hành xử đúng luật chứ không thể tùy tiện “xử” người khác thay pháp luật. Những hành động a dua theo tin đồn đó chỉ khiến người lương thiện vô tình trở thành kẻ ác, vướng vòng lao lý.

Chiếc xe trị giá cả tỷ đồng biến thành đống sắt vụn cũng vì tin đồn bắt cóc trẻ em.

Những tin đồn bắt cóc trẻ em được lan truyền mà không hề có cơ chế kiểm soát, những tin đồn này đã gây ra phản ứng tiêu cực đối với dư luận. Sự tiêu cực ấy đã dẫn đến đám đông mất đi sự tỉnh táo, thay vào đó là sự cuồng loạn mất lý trí.

Với sự công minh của pháp luật, những người gây ra hậu họa đối với người khác sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Thế nhưng, sau những vụ việc xảy ra, làm sao để ngăn chặn những câu chuyện đau lòng không tiếp diễn?

Bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, hơn hết người dân cần sự tỉnh táo trước những tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội.

Để giải quyết được hội chứng "tin đồn bắt cóc" cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng. Trước hết cần nghiêm trị những kẻ bịa chuyện, tung tin đồn thất thiệt để làm gương cho những kẻ lợi dụng mạng xã hội ảo để mưu đồ bất chính.

Cuộc sống luôn xuất hiện những tin đồn, nhất là trong thời điểm mạng xã hội đang phát triển mạnh như hiện nay. Mỗi người cần học cách đối diện với nó. Có thể sử dụng nhiều hình thức khác nhau nhưng dù hình thức nào thì người sử dụng mạng xã hội hay đối diện với tin đồn cũng cần phải nhận thức được nó là thật hay giả, nó tác động đến xã hội như thế nào. Và luôn sẵn sàng tố cáo những kẻ tạo ra tin đồn để trục lợi bất chính.

Với tin đồn bắt cóc trẻ em, đừng vội hoảng loạn, hay bày tỏ cảm giác giận dữ một cách vô cớ. Hãy bình tĩnh xác minh bằng lý trí và sự thông minh của bản thân mình.

Hành xử như côn đồ để giải quyết sự giận dữ không phải là cách hành xử đúng đắn, nắm đấm không thể thay thế sự nghiêm minh của pháp luật. Những hành động như vậy chỉ khiến những người lương thiện tự biến mình thành kẻ phạm pháp. Mọi hành động phạm pháp đều phải trả giá.

Trần Phương

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/dan-tu-xu-nguoi-nghi-bat-coc-tre-em-su-gian-du-tu-noi-so-mo-ho-a333384.html