'Đẳng cấp ông lớn' trên thị trường chứng khoán

Không ồn ào hoa mỹ, thị giá cổ phiếu không tăng sốc giảm sâu, nhảy múa thất thường. Nhóm cổ phiếu này cũng không thuộc "mì ăn liền" đem về món hời lớn trong ngắn hạn hay làm cho tài khoản nhà đầu tư bốc hơi ngay sáng hôm sau.

Cùng với đà tăng của VN-Index từ đầu năm, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn, cổ phiếu cơ bản... gây ấn tượng với nhà đầu tư từ kết quả kinh doanh cho đến diến biến giá trên thị trường chứng khoán, thậm chí có những mã cơ bản có thể giúp nhà đầu tư "ăn" bằng lần và để ngỏ khả năng tăng trưởng mạnh trong dài hạn.

Tính đến ngày 14/9, Vn-Index đạt mức gần 806 điểm. Nhưng trước đó vào ngày 8/9, thị trường đã ghi lại dấu mốc quan trọng, phá mốc 800 điểm tồn tại suốt gần 10 năm.

Diễn biến chỉ số VN-Index kể từ đầu năm. (Nguồn: VNDirect)

Kể từ đầu năm, từ ngưỡng 670 điểm, VN-Index tăng 136 điểm sau hơn 9 tháng (tương ứng tỷ lệ tăng 20,3%). Vốn hóa toàn thị trường từ 1,5 triệu tỷ đồng tăng thêm 550 nghìn tỷ (36,3%). Báo cáo của Bộ Tài Chính cho biết, giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu cuối tháng 8 tương đương 57,4% GDP.

Cùng với đà tăng của VN-Index, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đã thể hiện được “đẳng cấp” của mình. Xét nhóm chỉ số VN30, từ 630 điểm đã lập đỉnh 790 điểm (tăng 25,4%).

Không ồn ào hoa mỹ, thị giá cổ phiếu không tăng sốc giảm sâu, nhảy múa thất thường. Nhóm cổ phiếu này cũng không thuộc "mì ăn liền" đem về món hời lớn trong ngắn hạn hay làm cho tài khoản nhà đầu tư bốc hơi ngay sáng hôm sau.

Trái lại đây là nhóm lầm lũi tăng điểm, bước từng bước vững chắc cùng với đà tăng của thị trường. Nắm giữ những cổ phiếu này, nhà đầu tư có thể yên tâm kê cao gối ngủ ngon và chờ nguồn lợi đến trong dài hạn.

Những cột trụ lớn gánh vác thị trường

Cột trụ ám chỉ các mã cổ phiếu vốn hóa thuộc top lớn nhất chịu trách nhiệm gánh vác thị trường, sự thay đổi thị giá của nhóm cổ phiếu này tác động mạnh đến đà tăng giảm của Vn-Index.

Thời gian gần đây người ta mới càng thấy rõ hơn vai trò của của những SAB, VNM, VIC hay MSN… khi mà toàn thị trường chìm trong sắc đỏ thì những mã trên là máy kéo giúp duy trì đà tăng liên tục cho các chỉ số chung, gây nên hiện tượng vẫn gọi là “xanh vỏ đỏ lòng”. Nhưng ấn tượng hơn, hãy nhìn vào đà tăng của nhóm cổ phiếu này từ đầu năm.

Các mã trụ lớn sẽ là thước đo sát nhất đối với Vn-Index

Cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường, CTCP Sữa Việt Nam (Mã: VNM), với hơn 214 nghìn tỷ đồng hiện tại. Đà tăng của VNM trùng với thời điểm cuối năm 2016 đầu năm 2017, khi VNM ở mức giá khoảng 120.000 đồng/cp. Sau 7 tháng, VNM chớm mức đỉnh hơn 155.000 đồng/cp (tăng trưởng 29,2%). Đến hiện tại, xu hướng tăng chững lại nhưng VNM vẫn giữ ở mức gần 150.000 đồng/cp.

Nửa đầu năm nay, Vinamilk đạt 25.400 tỷ đồng doanh thu, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2016. Cùng với đó, lợi nhuận ròng đạt 5.857 tỷ đồng, tăng đến 17,8%.

Cổ phiếu VNM tăng trường 30% từ đầu năm

Theo Hiệp hội Sữa Việt Nam, hiện trên thị trường, sữa tươi nguyên chất chỉ mới đáp ứng gần một nửa nhu cầu thị trường. Nhu cầu sữa tươi dự báo sẽ còn tăng mạnh do mức bình quân tiêu thụ sữa ở Việt Nam mới chỉ đạt hơn 17 lít/người/năm, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (35 lít/người/năm), Singapore (45 lít/người/năm).

Báo cáo của Nielsen cho biết sản phẩm sữa tươi Vinamilk 100% đứng đầu về cả sản lượng lẫn doanh số bán ra trong nhóm các nhãn hiệu sữa tươi.

Hiện tổng đàn bò cung cấp sữa cho Vinamilk là hơn 120.000 con, với khoảng 750 tấn sữa tươi nguyên liệu để sản xuất ra trên 3 triệu ly sữa/ một ngày. Vinamilk dự kiến đưa tổng đàn bò lên khoảng 200.000 con vào năm 2020, sản lượng nguyên liệu sữa sẽ tăng lên hơn gấp đôi, 1.500 - 1.800 tấn/ngày.

Yếu tố nữa góp phần vào sức bật của cổ phiếu VNM chính là việc thoái vốn của Nhà nước trong cuối năm. Reuters đưa tin Chính phủ Việt Nam có kế hoạch bán 3,33% cổ phần Vinamilk với giá 154.000 đồng/cp, ước thu về 7.443 tỷ đồng.

Cổ phiếu của CTCP Rượu – Bia – Nước Giải Khát Sài Gòn (Mã: SAB) khởi đầu năm 2017 ở mức giá dưới mốc 200.000 đồng/cp. Lình xình trong suốt quý I và đầu quý II, phải đến đầu tháng 6 sóng tăng của SAB mới bắt đầu bùng phát. Cổ phiếu SAB chạy một mạch lên 285.000 đồng/cp (tăng 50%) chỉ trong vòng 3 tháng, đây chính là đỉnh cao nhất của Sabeco kể từ khi niêm yết.

Diễn biến giá cổ phiếu SAB từ đầu năm. (Nguồn: VNDirect)

6 tháng đầu năm 2017, Sabeco ghi nhận doanh thu thuần đạt 15.642 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng đạt 2.442 tỷ đồng. Cũng giống với Vinamilk, việc thoái vốn của cổ đông Nhà nước là cú hích chính khiến thị giá cổ phiếu SAB bật tăng.

Gần đây, trong báo cáo Chứng khoán TP HCM (HSC) cho biết, theo một công văn đề ngày 30/8 của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Nhà nước sẽ bán 53,59% cổ phần tại Sabeco và nhiều khả năng phương thức bán cổ phần sẽ là đấu giá.

Tỷ lệ sở hữu hiện tại của Bộ Công thương tại Sabeco là 89,59%. Sau thương vụ dự kiến trên, tỷ lệ sở hữu sẽ giảm xuống 36%, mức sở hữu đảm bảo quyền biểu quyết của cổ đông lớn đối với công ty. Giá trị thị trường của 53,59% cổ phần này là rất lớn, khoảng 87.462 tỷ đồng, tương đương 3,85 tỷ USD.

Chưa kể các cổ phiếu vốn hóa thuộc loại “hàng khủng” khác như Tổng công ty Khí Việt Nam (Mã: GAS) bắt đầu hồi sinh từ cuối tháng 5 khi chạm đáy 50.700 đồng/cp. Giá dầu thế giới hồi phục khiến GAS tăng một mạch lên 68.000 đồng/cp, (tăng trưởng 34%).

Các mã lớn khác như VIC, MSN… cũng có màn nước rút ấn tượng trong giai đoạn cuối quý II nhờ các thông tin hỗ trợ.

Vươn lên bằng thực lực

Hòa Bình báo trúng nhiều gói đầu lớn trong 8 tháng đầu năm

Đồ thị giá của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC) xem ra không khác nhiều so với VN-Index, đà tăng từ đầu năm ở mức giá 20.000 đồng/cp, nay HBC chạm mốc 60.000 đồng/cp. Một trong những cổ phiếu cơ bản tăng trưởng ấn tượng giúp các nhà đầu tư "ăn" bằng lần, cụ thể là nhân 3 tài khoản.

HBC tăng 3 lần kể từ đầu năm. (Nguồn: VNDirect)

Tổng giá trị hợp đồng trúng thầu của HBC tính đến nay xấp xỉ 30.000 tỷ đồng, đã hoàn thành 65% kế hoạch đề ra cho năm 2017. Nếu tính những gói thầu dôi dư chưa thực hiện từ năm 2016, ước tính con số này còn đạt gần 29.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý nhất phải kể đến hợp đồng tại dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất với tổng giá trị hợp đồng 10.000 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, HBC đạt 6.761 tỷ đồng doanh thu, tăng 66% so với nửa đầu năm 2016. Lợi nhuận sau thuế tăng 178% lên 380 tỷ đồng.

Mới đây trong đợt tái cơ cấu danh mục quý III, V.N.M ETF thực hiện mua vào khoảng 1,8 triệu cổ phiếu HBC (4,52 triệu USD).

Tương tự, cổ phiếu của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Mã: PNJ) cũng tăng ấn tượng không kém. Hơn 9 tháng đầu năm, PNJ từ 65.000 vọt lên 112.000 đồng/cp (tăng trưởng 72%).

PNJ đặt kế hoạch tăng trưởng 21%/năm trong 5 năm tới

PNJ hiện có chuỗi cửa hàng trang sức được phủ sóng rộng khắp Việt Nam. Với 245 cửa hàng đang hoạt động tính tới cuối tháng 7/2017, PNJ hiện đang chiếm khoảng 5,3% thị phần trang sức toàn quốc và là doanh nghiệp có thị phần lớn nhất ngành.

Công ty cho biết vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh mở rộng chuỗi cửa hàng trang sức và theo kế hoạch, số lượng cửa hàng sẽ tăng lên con số 300 vào năm 2018. Tốc độ tăng trưởng bình quân mục tiêu trong 5 năm tới được HĐQT PNJ đặt kế hoạch khoảng 21%/năm.

Doanh thu thuần thu được nửa đầu năm 2017 của Công ty đạt 5.476 tỷ đồng, tăng đột biến 39% so với nửa đầu năm ngoái. Lãi sau thuế 377,68 tỷ đồng, tăng trưởng 54%. Năm 2017, PNJ đặt mục tiêu 10.202 tỷ đồng doanh thu và 600,8 tỷ đồng lãi sau thuế.

Một ông lớn khác trong ngành bán lẻ không thể bỏ qua là CTCP Đầu tư Thế giới Di động (Mã: MWG). Giá cổ phiếu của công ty này đã tăng 48% kể từ đầu năm, hiện tại đang dao động quang ngưỡng 114.000 đồng/cp.

MWG đang trong quá trình hoàn tất thâu tóm đối với điện máy Trần Anh

Báo cáo mới nhất của MWG cho biết, doanh thu 7 tháng đầu năm của TGDĐ đạt 36.761 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.261 tỷ đồng; tăng trưởng lần lượt 58% và 29% cùng kỳ.

Tính đến cuối tháng 7, TGDĐ có 1.034 siêu thị Thegioididong.com, 437 siêu thị Điện Máy Xanh và 138 cửa hàng Bách Hóa Xanh.

Tuy nhiên ấn tượng nhất phải kể đến việc TGDĐ xác nhận sẽ dành ra 2.500 tỷ đồng mua lại chuỗi điện máy của Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh (Mã: TAG) và một chuỗi dược phẩm.

Phía TAG cũng đã xác nhận và cho phép TGDĐ mua hơn 25% cổ phần mà không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai. Đồng thời Trần Anh sẽ tự nguyện hủy niêm yết trên HNX và chuyển sang giao dịch UPCoM sau khi chuyển nhượng. Thương vụ này sẽ khiến thị phần điện máy của TGDĐ tăng lên mức trên 30% và quan trọng nhất là bàn đạp thúc đẩy xâm nhập thị trường miền Bắc.

Gần đây nhất, cổ phiếu của CTCP Viscostone (Mã: VCS) chính thức vượt mức 200.000 đồng sau nhiều lần tiệm cận. VCS hiện là cổ phiếu có thị giá cao thứ 3 trên toàn thị trường (sau SAB và CTD) và đứng đầu sàn HNX.

Đáng nói hơn, hồi đầu năm VCS chỉ giao động quanh ngưỡng 95.000 đồng/cp, nghĩa là tới nay đã tăng lên gấp hơn 2 lần.

Diến biến giá cổ phiếu VCS từ đầu năm. (Nguồn: VNDirect)

Vicostone hiện là một trong những nhà sản xuất đá tấm thạch anh lớn nhất thế giới và kết quả công ty tăng trưởng không ngừng trong những năm qua. 6 tháng đầu năm Vicostone đạt 2.220 tỷ đồng doanh thu, gấp rưỡi cùng kỳ, lãi sau thuế 577,6 tỷ đồng tăng 95%.

Cơ cấu cổ đông Vicostone khá cô đặc khi nhóm cổ đông lớn, nội bộ nắm giữ tới gần 90% cổ phần. Đây cũng là một yếu tố giúp giá cổ phiếu VCS dễ dàng bứt phá trong suốt những năm qua, bên cạnh kết quả kinh doanh liên tục tăng trưởng.

Theo Kinh tế & Tiêu dùng

Nguồn NDH: http://ndh.vn/-dang-cap-ong-lon-tren-thi-truong-chung-khoan-2017091608301568p4c146.news