ĐẮNG LẮM... "MÍA ĐƯỜNG" ƠI!

Tài nguyên và Môi trường là cơ quan tham mưu trực tiếp cho nhà nước giải quyết mọi công việc liên quan đến đất đai. Nguyên tắc ra Quyết định (QĐ) thu hồi đất (THĐ) được quy định tại Điều 53 Nghị định (NĐ) 84/2007/NĐ-CP ngày 25.5.2007 của Chính phủ. Điều khác lạ là UBND huyện Châu Thành ra QĐ THĐ đối với 26 hộ dân khu vực đất Láng Le chỉ thông qua đơn vị "môi giới" là Thanh tra huyện! Liệu các QĐ này mang tính khả thi, khi nó thể hiện ý chí chủ quan của một nhóm người?

Ông Phạm Văn Đem Theo cơn nắng oi bức của vùng biên, chúng tôi trở lại khu vực đất Láng Le, ấp Thành Nam, xã Thành Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, nơi có 26 hộ dân nhiều năm qua sống bằng nghề nông, trực tiếp sản xuất ngay trên chính thửa đất của mình, đã bị UBND huyện ngang nhiên ra QĐ THĐ. Theo dõi, điều tra, xác minh vụ việc, báo ĐS&PL Cuối tuần mới đây đã liên tục đăng một loạt bài viết đề cập đến nỗi bức xúc của những hộ dân khốn khổ này đồng thời đã cho công luận thấy việc làm tùy tiện, vi phạm pháp luật của cán bộ huyện trong việc THĐ của dân mà không một lý do nào chính đáng. Trên cánh đồng mía bị thu hồi, một hộ dân nói: "26 hộ dân chúng tôi hầu hết không biết viết, biết đọc chữ. Con em của tôi cũng không khá gì hơn, bà con tôi chỉ biết dành cho con thửa đất bằng chính mồ hôi, máu và công sức; bài học trồng tỉa tích lũy "thành, bại" qua các mùa... Mong muốn nhỏ nhoi đến vậy, lẽ nào chúng tôi không chút quyền thực hiện? Suốt hơn 01 năm qua, từ ngày nhận QĐ THĐ... mặc dù vẫn tiếp tục sản xuất nhưng tinh thần thì luôn dao động, chán nản. Chúng tôi như mất phương hướng khi mảnh đất nông nghiệp là kế sinh nhai của chính mình bị đe dọa nay mai giao hết cho Công ty Mía đường!?" Trong những ngày 17, 18, 19.3, chúng tôi quyết tìm, gặp bằng được một số người dân cao tuổi, có thời gian gắn bó với vùng đất Láng Le. Ông Phạm Văn Mến sinh năm 1934, từ tuổi niên thiếu cho đến nay, ông Mến nổi tiếng là người thông tỏ những gì xảy ra ở đất Thành Long. Khi hỏi về khu vực đất của 26 hộ dân đang canh tác ổn định, năm 2008, UBND huyện lấy cớ đất lấn chiếm, ra QĐ thu hồi, ông Mến kể lại: "Tôi sống trên mảnh đất này từ năm 1949, hồi đó còn hoang vắng lắm, bốn bề đều rừng. Khu vực đất Láng Le từ những năm 1978, 1979 đã có vài hộ dân khai hoang, càng về sau này từ những năm 2000, đất khu vực này đã thành vùng, thành thửa không còn hoang hóa nữa, hằng mùa dân có lúa, mì thu về ăn, mồ hôi của dân không thể dùng quyền lấy ngang đất của người ta". Ông Phạm Văn Lồng Sinh sống từ năm 1949, ông Phạm Văn Lồng (sinh năm 1932) khẳng định: "Đất Láng Le là do dân tự khai vỡ. Thời ấy, đường sá đi lại còn khó khăn, người dân mỗi lần đi làm về thường nghỉ chân tại nhà tôi. Các ông trên làm ăn kỳ quá, dân khai hoang xong, đất thành thục thì ra lệnh đình chỉ! Không thể làm khác đi được. Chính quyền phải trả lại yên bình như trước đây cho dân". Ông Phạm Văn Đem (sinh năm 1956) nói: "Từ nhỏ đến lớn, tôi sống tại đây. Ngày xưa thường đi làm cá, làm ếch trên đất Láng Le này. Tôi cam đoan những năm 1977, 1978... đã có một số hộ dân đến đây khai hoang, sản xuất... đó là sự thật. Năm 1986, toàn bộ đất khu vực này đã thành thục". Khi nói về thông báo của UBND xã Thành Long vào những năm 2000, 2002? Ông Đem cho rằng: "Từ những năm 1989, 1990, đất hoang không còn nữa". "Thông báo" chỉ là cái chiêu "mai phục" hạch sách dân sau này. Chính quyền cho dân bao chiếm đất công là không thể tin được, làm như vậy là tước đoạt thành quả lao động, mồ hôi nước mắt của dân. Dù không có đất ở Láng Le nhưng trước sự việc này, tôi vô cùng bức xúc". Bà Nguyễn Thị Hến, sinh năm 1960 hộ dân có đất bị thu hồi tại khu vực Láng Le cho biết: "Đất của bà khai phá từ năm 1978, năm 1979 mua giống điều ở Miên về trồng, lúa được xen vào, sau đó trồng mì, mía. Bị thu hồi đất thì không biết làm gì để nuôi sống bản thân, nuôi con cái. Già rồi, chúng tôi không thể chuyển đổi nghề khác được. Sau hơn 01 năm khiếu nại kể từ ngày nhận QĐ thu hồi đất, huyện bác đơn, tỉnh thì im lặng khó hiểu"! Để tìm hiểu thêm sự thật, chúng tôi tìm đến ấp Tam Hiệp, xã Thái Bình. Tại đây, chúng tôi may mắn gặp được ông Nguyễn Văn Cao. Ông Cao nguyên là Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện, từng gắn bó đất Láng Le khi được Ban Thường vụ huyện phân công làm Trưởng ban Cải tạo Nông nghiệp huyện. Qua tài liệu thu thập được và dịp trao đổi này, chúng tôi được biết tại khu vực Láng Le, một thời ông đã "hô hào" người dân "thắt lưng buộc bụng" ra sức khai hoang, mở rộng diện tích, chuyển đổi cơ cấu cây trồng... Khi đề cập đến người thẳng tay ký QĐ THĐ một cách không thương tiếc đối với 26 hộ dân, ông Cao cho biết: "Tôi thật sự thất vọng trước hàng loạt sai phạm của cán bộ huyện liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai. Đất là lẽ sống còn của người ta, ở huyện này đã có nhiều người dân tự tử vì bị các ông này "xử" ép. Trước đây ta cần dân, dân hết lòng, hết sức ủng hộ. Nay đất của dân lại muốn thu tóm hết vào tư túi bằng chiêu thức cũ mèm: Tự tạo ra tranh chấp, sau đó vời Thanh tra... vu khống dân "bao chiếm đất công", ra QĐ thu hồi!? Cứ kiểu như thế thì mất dân"! Chia tay người dân, tạm biệt đất Láng Le, lòng không ngớt băn khoăn: "Trên cùng một thửa đất, chỉ cách một bờ ranh, nhưng đất cán bộ thì không thu hồi, cây mía phơi phới lên, hứa hẹn tương lai tốt tươi, mập mạp. Riêng của dân thì mía loe ngoe, vàng vọt như đang chất chứa lời buồn điệu ru: "Đắng lắm mía đường ơi"! VÕ PHƯỚC - LÂM NGUYÊN

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com.vn/story.aspx?id=3487&lang=vn&zone=9&zoneparent=0