Đằng sau lời thề 'trung thành với IS'

Tờ “Le Monde” vừa đăng tải những tình tiết xung quanh cuộc đời của Larossi Abballa, thủ phạm đã sát hại cặp vợ chồng cảnh sát Pháp tại thành phố Magnanville tối 13/6.

Pháp là nước có tỷ lệ người nhập cư cao và cộng đồng Hồi giáo đông nhất châu Âu với khoảng 4 triệu người. Câu chuyện về những đứa trẻ con em các gia đình nhập cư không được học hành đến nơi đến chốn, bị gạt ra ngoài lề xã hội, dần tiêm nhiễm những tư tưởng cực đoan, để rồi một ngày chúng quay lại sát hại người dân đất nước đã nuôi chúng khôn lớn không phải là cá biệt.

Đây cũng là câu chuyện cuộc đời của Larossi Abballa, thủ phạm đã sát hại cặp vợ chồng cảnh sát Pháp tại thành phố Magnanville tối 13/6.

Larossi Abballa. (Nguồn: Facebook)

Trưởng thành với tư tưởng cực đoan

“Câu chuyện của tôi là câu chuyện của tất cả mọi người ở đây. Tôi cần có sự công nhận. Tôi không có việc làm và vừa thi trượt chứng chỉ học nghề. Sau đó người ta bắt đầu nói với tôi về tôn giáo và tôi đã tìm thấy ở đấy nguồn động viên”, lời khai của Larossi Abballa, 22 tuổi tại Tòa hình sự Paris hồi tháng 9/2013.

Khi đó, Larossi Abballa bị xét xử vì tội “liên kết với các đối tượng nguy hiểm, chuẩn bị các hành động khủng bố” trong một vụ án liên quan đến việc tuyển mộ các phần tử cực đoan đến khu vực các bộ tộc tại Pakistan-Afghanistan.

Nhưng rồi vào tối 13/6 vừa qua, Larossi Abballa lại gây ra một vụ sát hại cặp vợ chồng cảnh sát tại thành phố Magnanville, ngoại ô Paris. Đồng thời, Larossi Abballa còn đăng tải lên mạng xã hội những hình ảnh về tội ác ghê rợn mà hắn vừa thực hiện nhân danh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Tại phiên tòa trước đây, chàng trai trẻ này đã giải thích rằng không lâu trước khi bị bắt, anh ta còn chưa hiểu biết nhiều về đạo Hồi. Chính internet đã truyền cho anh những tư tưởng cực đoan. Anh ta cũng mô tả ảnh hưởng to lớn của các nhóm bạn.

“Khi chỉ có chúng tôi với nhau, chúng tôi toàn nói về thánh chiến. Suốt ngày chúng tôi quay cuồng với những suy nghĩ về thánh chiến. Chúng tôi đến với tư tưởng đó rất tự nhiên”, Larossi Abballa tâm sự.

Larossi Abballa cho biết những đoạn băng về việc người theo đạo Hồi bị áp bức đã gây ra một hiệu ứng rất mạnh đối với hắn. Vì quá xúc động, nên hắn đã lựa chọn đi theo con đường đó.

Con đường đi tới tội ác

Larossi Abballa bị khởi tố vào năm 2011 cùng 7 người khác, tất cả đều đến từ các vùng ngoại ô Paris. Trả lời phỏng vấn báo “Le Figaro” ngày 14/6, thẩm phán Marc Trévidic, người đã xét xử Larossi Abballa trước đây nhớ lại rằng, có rất ít bằng chứng chống lại anh ta.

Vào thời điểm đó, tòa không có nhiều bằng chứng để buộc tội anh ta xét theo các quy định nghiêm ngặt về các tội hình sự, ngoài việc đối tượng này giao du với nhóm người xấu và thỉnh thoảng tham gia chạy bộ để giữ vóc dáng. Những người trong nhóm bạn tham gia nhiều hơn vào các mạng lưới tuyển mộ đã tìm cách gỡ tội cho anh và biện bạch rằng anh ta vẫn ở lại Pháp. Tuy nhiên, các thẩm phán vẫn quyết định tống giam Larossi Abballa, bởi vì họ phát hiện ra rằng trong thư từ trao đổi với nhóm bạn, Larossi Abballa nóng lòng muốn được đến khu vực biên giới giữa Afghanistan và Pakistan.

Cũng trong hộp thư điện tử của Larossi Abballa, các nhà điều tra đã tìm thấy những nội dung sau: Vào tháng 1/2011, một người trong nhóm hỏi Larossi Abballa xem nếu cha mẹ không bằng lòng để anh ra nước ngoài thì anh tính sao. Anh đã trả lời rằng không quan tâm đến chuyện đấy và khát khao muốn chiến đấu vì Thánh Allah. Một tháng sau, anh khẩn khoản: “Làm ơn hãy để tôi đi”, và sau đó đã đến Tunisia đúng thời điểm Tổng thống Ben Ali bị lật đổ, sau đó quay trở lại Pháp.

Bạn gái cũ của Larossi Abballa thì mô tả anh ta từng là một cậu bé dễ thương, thích chơi đùa và hội hè, nhưng đã bị tiêm nhiễm các tư tưởng cực đoan.

“Sau khi ra tù, anh ta trở nên cực đoan hơn, thích tự cô lập, giữ khoảng cách với mọi người. Anh ta cũng đã kết bạn với những người khác và đã đến thánh địa Mecca. Anh ấy biết rằng mình bị theo dõi và nằm trong hồ sơ S (An ninh quốc gia) của cảnh sát, nhưng điều đó chỉ khiến anh ta cười khẩy”, bạn gái cũ của Larossi Abballa kể lại.

Cuộc khám xét ngôi nhà của Larossi Abballa sau khi tên này bị cảnh sát đặc nhiệm tiêu diệt cho thấy hung thủ đã sao chép địa chỉ các đồn cảnh sát cùng một danh sách dài tên các cảnh sát và các nhân vật mà tên này có ý định tấn công.

Tại cuộc họp báo ngày 14/6, Trưởng Công tố Paris François Molins xác nhận: Trước khi bị tiêu diệt, Abballa đã nói với các nhà thương lượng rằng y đã “thề trung thành với IS” từ 3 tuần trước. Cũng theo ông Molins, qua lục soát nơi ở của Abballa, cảnh sát đã thu giữ 3 điện thoại, 3 dao nhọn, trong đó có một con dao dính máu.

Trên tài khoản Facebook, tên này cũng đã kích động các đối tượng Hồi giáo cực đoan tiến hành các vụ tấn công đẫm máu hơn nhằm vào cảnh sát, các nhà báo, các nhà quản giáo và các ca sĩ nhạc rap. Larossi Abballa còn kêu gọi “biến EURO 2016 trở thành một nghĩa địa”.

Ông François Molins cũng cho biết sau khi ra tù, tên này vẫn thường bị cảnh sát triệu tập cho đến ngày 30/11/2015 do đây là khoảng thời gian tên này chấp hành án treo. Cảnh sát cũng tiến hành theo dõi các cuộc gọi điện thoại của tên này. Tuy nhiên, không có gì cho thấy tên này có sự chuẩn bị để tiến hành các hành động bạo lực.

Minh Huy

(theo Le Monde/ Thế giới & việt nam)

Nguồn TT&CL: http://trithuccongluan.com.vn/the-gioi/6041-dang-sau-loi-the-trung-thanh-voi-is.html