Đằng sau những câu chuyện huyền bí về một trong hai cây dã hương lớn nhất thế giới

(PL&XH) - Có phép màu che chở, khiến dân làng không hề bị một mảnh bom, đạn nào rơi phải trong chiến tranh, cây cũng có khả năng chữa bách bệnh. Đó là những tin đồn về cây dã hương nghìn năm tuổi ở xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.

“Báu vật” trên vùng bán sơn địa

Với người dân xã Tiên Lục, cây dã hương là báu vật không thể xâm phạm, là niềm tự hào và là một vị thần che chở cho dân làng từ bao đời nay. Theo các cụ cao tuổi ở địa phương, cây có tuổi đời khoảng 1.000 năm, đây là một trong hai cây dã hương cổ thụ còn sót lại trên thế giới, cùng với một cây ở nước bạn Cuba. Theo ước lượng, cây dã hương to đến 8 người ôm, vòng cây chỗ to nhất lên đến 18m, chỗ nhỏ nhất gần 9m, lớp vỏ cây trung bình dày 15cm. Tán cây vươn rộng, che phủ một diện tích lên đến 600m2.

Năm 1989, cây được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia nằm trong cụm di tích: Cây dã hương, đình Viễn Sơn, chùa Phúc Quang, đình Thuận Hòa và đình Thánh Cả. Quanh năm cây lá tốt tươi, hoa dã hương tỏa mùi thơm dễ chịu, khiến người dân địa phương cũng như khách tham quan có cảm giác lâng lâng khó tả.

Ngọc phả của thôn ghi lại rằng: “Vua Lê Cảnh Hưng (1740 – 1786) đi ngang qua thôn, thấy cây dã hương to đẹp, đứng sừng sững hiên ngang cùng trời đất đã phong cho cây là “Quốc chúa đô mộc Dã Đại vương” (nghĩa là cây dã hương lớn nhất nước). Cây ở Bắc Giang mà có “con cái” ở tận Huế vì có một vị quan từng chặt một đoạn rễ mang vào trong Huế tiến vua và trồng lại trong đó. Năm 1905, Toàn quyền Đông Dương đã cho người cưa một cành dã hương làm cây thánh giá mang về làm kỷ niệm. Năm 1932, hình chụp cây dã hương được trưng bày tại hội chợ ở nước Pháp.

Đình làng Viễn Sơn nằm gần cây dã hương, trong quần thể di tích xã Tiên Lục.

Với tất cả mọi người dân trong xã, “cụ” là bất khả xâm phạm. Người dân địa phương kể rằng: “Cụ” dã hương thiêng lắm, người dân xã Tiên Lục, nhà nào có việc gì dù to hay nhỏ đều làm lễ, mang ra khấn, xin phép “cụ” rồi mới dám làm, ai không thực hiện sẽ gặp tai họa.

“Anh H, mua chiếc xe tải về chở hàng thuê, không làm lễ xin phép “cụ” dã hương, rồi một tai họa đã ập đến với anh và gia đình: Hôm đó, xe anh chạy rất chậm, tới đoạn đường gần cây dã hương, bỗng dưng như có một lực đẩy mạnh phía sau, xe mất lái, lao xuống mương nước khiến một cháu bé đang mò cua tử vong, xe bị hỏng phần đầu, anh H và vợ bị thương nặng. Gia đình anh thiệt hại gần 400 triệu đồng, tiền đền bù cho cháu bé, tiền sửa xe, viện phí hai vợ chồng…

Sau khi ra viện, gia đình anh H đã phải làm một cái lễ mang ra xin “cụ” dã hương tha thứ”, một cụ bà trong làng kể.

“Rồi chuyện một đôi nam nữ chuẩn bị làm lễ cưới, đưa nhau đi đăng ký kết hôn, khi đi qua cây dã hương, đã trèo lên cây chụp ảnh và tai họa đã ập đến với họ. Sau khi hôn lễ hoàn thành, không thấy chú rể đâu, mọi người đi tìm và phát hiện chàng trai nằm chết trong nhà tắm, cô gái trở thành góa phụ ngay trong ngày trọng đại của mình”, một bà bán nước gần cây dã hương cho hay.

Một cụ cao niên ở xóm Giữa, xã Tiên Lục kể rằng: “Không có “cụ” thì chúng tôi không còn sống được đến ngày nay, nhân dân trong làng không được ấm no, giàu mạnh như thế này. Trước đây, xã chúng tôi bị giặc tàn phá ác liệt nhất huyện Lạng Giang. Nhưng thật kỳ lạ là không một viên đạn, quả bom nào rơi vào làng chúng tôi, kỳ lạ hơn nữa là mặc dù đánh phá rất tàn khốc các làng bên nhưng quân giặc rất sợ khi đi qua làng tôi, đi qua cây dã hương thì tên nào, tên ấy đều cúi gằm mặt cố bước đi thật nhanh. Có lẽ, “cụ” dã hương đã có phép thuật đẩy những viên đạn, quả bom bay đi hướng khác, che chở cho dân làng được bình yên.

Ngoài ra “cụ” còn có khả năng chữa được bách bệnh. Mọi người đến đây, ai cũng thấy khỏe ra, bệnh tật không khỏi hẳn thì cũng thuyên giảm nhiều. “Cụ” là một vị thần, là “báu vật” của cả xã Tiên Lục chúng tôi”.

Chính những giai thoại được truyền miệng trong nhân dân đã làm tăng thêm sự linh thiêng, huyền bí về cây dã hương, thu hút nhiều sự tò mò tìm hiểu của du khách khắp nơi. Hàng ngày có rất nhiều người từ khắp nơi tìm về, họ ngồi quanh gốc cây, thả lỏng người, có người thì tựa vào cây, chạm tay vào cây mong hưởng thụ sinh khí kỳ diệu từ cây dã hương phát ra để sức khỏe tốt hơn.

Một du khách đến từ Thanh Hóa nói rằng: “Ngồi dưới gốc dã hương có cảm giác khoan khoái, dễ chịu, tiêu tan hết mọi bệnh tật, tinh thần không vướng bận tục trần, như đang sống cuộc sống trên cõi niết bàn”.

“Tôi nghe nói, cây dã hương này thiêng lắm và có nhiều khả năng đặc biệt, nên ngày nào tôi cũng đi xe máy về đây để được hấp thụ linh khí từ cây mong sao sớm khỏi bệnh”, chị Điệp, trú tại thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên cho biết.

Hòn đá đã được cho là đã yểm bùa, đặt cạnh gốc cây dã hương với mục đích bảo vệ cây. Ảnh: Khánh Phong

Chỉ là những tin đồn

Vẫn biết rằng, cây dã hương là cây đại thụ, là cây di sản Việt Nam, là niềm tự hào không chỉ riêng của người dân bản xứ song có hay không chuyện vì quá ngưỡng mộ, tôn sùng mà người dân vô hình trung đã thần thánh hóa cây dã hương này, rồi gắn cho cây những khả năng đặc dị, hoang đường?

“Tôi không hiểu mọi người nghe tin ở đâu mà kéo về đây, ngồi xung quanh gốc cây và có những hành động kỳ lạ. Người thì ôm chặt lấy cây, người thì sờ khắp thân cây, người thì hôn vào gốc cây. Cây thì làm sao chữa được bệnh cơ chứ. Tại sao vẫn có người tin vào những chuyện hoang đường như vậy”, anh Nguyễn Văn Độ, một người dân ở xóm Trung, xã Tiên Lục nói.

Ông Nguyễn Văn Đề, người trông nom cây dã hương nhiều năm giải thích: “Dân làng chúng tôi đúng là rất tôn sùng cây dã hương, coi cây là vật báu nhưng không thể vì thế mà gắn cho cây những chuyện huyền bí, hoang đường. Những tin đồn đại loại như cây có khả năng chữa bệnh hay linh ứng với những sự kiện trọng đại gì đó… là không đúng sự thật. Theo tôi, những lần cây bị gãy cành và những sự kiện diễn ra cùng thời điểm, đều là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Những lời đồn thổi này đều do những người mê tín dị đoan tung tin thôi”.

Một cán bộ xã Tiên Lục cho biết: “Vài năm gần đây, có nhiều du khách đến chiêm ngưỡng cây và hỏi mua cây giống về trồng. Nhiều hộ gia đình trong xã ươm cây giống để bán, đã tung tin đồn nhảm về khả năng chữa bệnh của cây, vỏ cây ngâm rượu uống có thể chữa được nhiều bệnh, cây dã hương trồng trong chậu, đặt ở trong nhà sẽ tỏa ra một khí thiêng làm cho người cảm thấy khỏe hơn… Theo tôi, mục đích chính của những tin đồn không đúng sự thật đó là để bán được nhiều cây giống”.

“Trong quan niệm người dân địa phương, cứ mỗi khi cây gãy một cành to là báo hiệu một sự kiện lớn của đất nước. Hiện nay trên cây vẫn còn nguyên dấu vết những cành bị gãy. Người dân cho biết, năm 1945 cành lớn ở phía Đông Bắc gãy là lúc Cách mạng Tháng Tám thành công. Năm 1954, cành phía Tây gãy là năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Năm 1964, cành phía Nam gãy, gắn với sự kiện Vịnh Bắc Bộ, giặc Mỹ leo thang chiến tranh. Năm 1975, cành phía Tây lại gãy, gắn với sự kiện giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Năm 1984, cành phía Tây Bắc gãy, gắn với “khoán 10”. Gần đây nhất, ngày 22-10-2006, cành dã hương trên đỉnh gãy, sau đó 16 ngày thì nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO”.

Khánh Phong

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/20140504112551481p1001c1049/dang-sau-nhung-cau-chuyen-huyen-bi-ve-mot-trong-hai-cay-da-huong-lon-nhat-the-gioi.htm