Đánh giá định lượng hiệu quả thực hiện công tác chuyên môn các lĩnh vực tài nguyên và môi trường

Đó là một trong những nghiên cứu, đề xuất của Văn phòng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành của Bộ và Ngành, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và hội nhập quốc tế. Việc đánh giá định lượng này sẽ dần thay thế cách đánh giá định tính truyền thống; bảo đảm chính xác, khách quan và trung thực hơn.

Toàn cảnh Hội thảo

Trong khuôn khổ Hội thảo tham vấn lấy ý kiến về Bộ chỉ số đánh giá hiệu quả công tác chuyên môn lĩnh vực TN&MT vừa được tổ chức, việc đề xuất xây dựng và triển khai Bộ chỉ số đã được nhiều nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý quan tâm, đánh giá cao về tính thực tiễn và sự cần thiết phải xây dựng, triển khai áp dụng tại Bộ TN&MT. Đặc biệt, với đặc thù là Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực nên việc xây dựng bộ chỉ số đo lường, đánh giá hiệu quả thực hiện công tác chuyên môn sẽ được thực hiện và áp dụng cho từng lĩnh vực quản lý của Bộ.

Báo cáo tại Hội thảo, ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Chánh Văn phòng Bộ, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, điểm nổi bật của Bộ chỉ số đó là sẽ tạo ra được công cụ đánh giá kết quả thực hiện công tác chuyên môn của các đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước về TN&MT của Bộ, đồng thời cũng sẽ tạo ra một cơ chế đánh giá định lượng tác động của những kết quả đạt được đến thực tiễn.

Theo đó, với 09 lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, tương ứng với 09 cơ quan quản lý hành chính nhà nước trực thuộc ở cấp Tổng cục/Cục, Văn phòng Bộ TN&MT đề xuất xây dựng 09 bộ chỉ số đánh giá. Các bộ chỉ số đánh giá hiệu quả công tác chuyên môn của 09 cơ quan quản lý hành nhà nước trực thuộc Bộ được thiết kế theo 04 khối nội dung, bao gồm: lập kế hoạch 5 năm và hàng năm của các lĩnh vực; được căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao, bảo đảm có tính định lượng càng cao càng tốt, phải được thẩm định, phê duyệt để bảo đảm thực thi nghiêm túc; tổ chức và năng lực được coi là những yếu tố quan trọng quyết định khả năng thực thi nhiệm vụ; đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch hàng năm của cơ quan, bao gồm cả kết quả thực hiện các nhiệm vụ đột xuất; đánh giá tác động của kết quả tương đương với đánh giá hiệu quả.

Trong đó, việc đánh giá được chuẩn xác kết quả và tác động của nó thì ít nhất cũng phản ánh được công việc đã làm đạt kết quả hay không và đạt kết quả rồi thì nó mang lại lợi ích gì. Các tác động của kết quả được xem xét trên các phương diện khác nhau và tổng các phương diện này là một tập hợp đầy đủ các yếu tố cần đề phát triển, bao gồm: thể chế, chính sách, phát triển kinh tế, tiến bộ xã hội, môi trường, an ninh quốc phòng, khoa học và công nghệ, quản lý hành chính, đời sống của nhân dân, sự hài lòng của người dân.

Nhấn mạnh tới việc đánh giá và giám sát, nghiên cứu đề xuất quy trình thực hiện này theo 3 bước: bước chuẩn bị, bước giám sát, bước đánh giá và lập báo cáo. Bước chuẩn bị đề xuất được thực hiện vào 06 tháng cuối năm trước liền kề của năm kế hoạch gồm các công việc: ban hành và hướng dẫn đánh giá, giám sát; xây dựng bộ chỉ số đánh giá; xây dựng và thông qua kế hoạch giám sát, đánh giá; tổ chức hệ thống giám sát, đánh giá (có thể lựa chọn chuyên gia, tổ chức thực hiện công tác điều tra xã hội học đối với việc đánh giá tác động của kết quả). Bước giám sát được thực hiện xuyên suốt năm kế hoạch, nhằm thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ đánh giá.

Bước đánh giá và lập báo cáo tùy theo yêu cầu của thực tế mà lãnh đạo quyết định có báo cáo đánh giá theo quý, giữa kỳ và cuối năm. Đặc biệt, công tác giám sát, đánh giá phải bảo đảm các nguyên tắc: hiệu quả cao; tổ chức bộ máy nhanh chóng, không phát sinh chi phí thường xuyên cho việc duy trì bộ máy; nhân sự trong bộ máy giám sát, đánh giá làm việc kiêm nhiệm, có năng lực phù hợp yêu cầu công việc.

Để bộ chỉ số đánh giá có tính khả thi, nhóm nghiên cứu đề nghị có 02 điều kiện quan trọng là quyết tâm của cấp Lãnh đạo chấp nhận chuyển đổi cách đánh giá từ truyền thống sang đổi mới, đảm bảo nguồn nhân lực, tài chính hợp lý; và việc thiết kế hệ thống giám sát, đánh giá vào giai đoạn đầu (05 năm đầu) cần thực hiện không quá phức tạp, theo hướng gọn nhẹ, tận dụng tối đa những hạ tầng cơ sở sẵn có, tiết kiệm kinh phí nhưng đủ để phản ánh thực chất, định lượng đối tượng đánh giá.

Đồng thời, cũng lường trước một số khó khăn trong quá trình đánh giá hiệu quả như: khó bóc tách tác động của quản lý nhà nước của 01 lĩnh vực ra khỏi tác động của quản lý nhà nước chung; khó định giá cho sản phẩm công (kết quả quản lý nhà nước) vì đây là sản phẩm không dùng trong quan hệ mua – bán. Hơn nữa, quản lý nhà nước có thể không cho kết quả mong đợi ngay khi nó ra đời, trong nhiều trường hợp phải sau nhiều năm mới thấy được giá trị của nó.

Tại Hội thảo, nhóm nghiên cứu khuyến nghị nên thực hiện thử nghiệm bộ chỉ số này trong năm 2018 để chứng tỏ khả năng áp dụng thực tế, sau đó mới đưa vào sử dụng chính thức từ năm 2019. Vấn đề cần quan tâm trong giai đoạn thử nghiệm là tổ chức và vận hành bộ máy giám sát, đánh giá, thu nhận số liệu đầy đủ, hướng tới báo cáo đánh giá có độ tin cậy cao.

Trên cơ sở các ý kiến góp ý tại Hội thảo, Chánh Văn phòng Bộ Tăng Thế Cường cảm ơn sự đánh giá và các ý kiến góp ý tâm huyết của các nhà khoa học, nhà quản lý và đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện bộ chỉ số để có thể cung cấp cho các nhà quản lý một công cụ đánh giá định lượng, chính xác, khách quan, trung thực về hiệu quả công tác chuyên môn lĩnh vực tài nguyên và môi trường, thay thế cách đánh giá định tính truyền thống.

Theo BTNMT

Nguồn MT&CS: http://moitruong.net.vn/danh-gia-dinh-luong-hieu-qua-thuc-hien-cong-tac-chuyen-mon-cac-linh-vuc-tai-nguyen-va-moi-truong/