Đánh giá LG K10: Bản rút gọn của G4

Kiểu dáng khá giống G4, chất lượng hoàn thiện tốt, màn hình đẹp và thời lượng pin tương đối ổn, nhưng các tính năng khác của K10 chỉ “thường thường bậc trung”. Việc bị niêm yết giá tới 3,7 triệu sẽ khiến nó gặp khó khăn khi cạnh tranh trong phân khúc smartphone giá rẻ với nhiều đối thủ rất hấp dẫn.

Thiết kế

Nếu đã cầm trên tay chiếc G4 của LG vào năm ngoái, chắc bạn sẽ cảm thấy quen thuộc với K10 bởi 2 smartphone này có kích thước khá tương đương và trọng lượng chỉ chênh lệch một chút. Bản thiết kế K10 nhận nhiều ảnh hưởng từ G4, mặt trước của máy sắp xếp các chi tiết như G4, tuy nhiên đã có sự cải tiến với mép kính cong nhẹ dạng 2,5D. Dù mặt lưng không cong đều và nhiều như G4, nhưng nhờ mép viền kính phía trước cong nên K10 thậm chí còn cho cảm giác cầm nắm thoải mái hơn “đàn anh” cao cấp của mình. Cũng giống như G4, cụm nút nguồn và phím âm lượng nằm ở phía sau máy, ngay bên dưới camera, khiến cho 2 bên cạnh máy hoàn toàn trống. Đối với những người mới chuyển sang dùng smartphone LG, cách bố trí phím cứng này đòi hỏi phải làm quen trong thời gian đầu. Tuy nhiên, khi đã quen, bạn sẽ thấy cách bố trí này rất tiện dụng khi ngón tay cái đỡ sau lưng máy có thể dễ dàng bấm cả 3 phím này. Thậm chí trên K10, người dùng còn dễ nhận ra các phím bấm hơn G4 bởi nút âm lượng và nguồn có bề mặt vân nổi khác nhau. Mặc dù vậy, cách sắp xếp này cũng có nhược điểm là khó chụp ảnh màn hình (yêu cầu bấm giữ 2 nút nguồn + giảm âm lượng). Là một sản phẩm giá rẻ, K10 không có cảm biến lấy nét laser như G4, ở góc trái lưng máy là vị trí của loa ngoài, cạnh trên chỉ có mic thu âm phụ, trong khi đó toàn bộ các cổng kết nối nằm dưới đáy của máy.

Có thể nói LG là “bậc thầy” về vật liệu nhựa trong thế giới điện thoại. Mặc dù toàn bộ thân của K10 được làm bằng nhựa với nắp lưng tháo rời nhưng máy vẫn chắc chắn đến mức đáng ngạc nhiên, đặc biệt khi xét trên tiêu chuẩn của một sản phẩm giá rẻ. Dùng tay nắm chặt K10, sau đó ấn mạnh ngón cái vào sau lưng máy mà vẫn không nghe tiếng “cọt kẹt” nào. Thậm chí ngay cả khi vặn nhẹ đồng thời cả 4 góc, máy cũng không biến dạng. Chất lượng hoàn thiện của K10 cũng thuộc hàng xuất sắc, nắp lưng lắp khít với khung viền đến nỗi gần như liền khối, chi tiết này không thời trang như G4 nhưng có vân nổi dạng sợi vải đan vào nhau giúp tăng ma sát khi cầm nắm. Thêm vào đó, viền nhựa được mạ chrome tinh xảo đến mức giống hệt thép đánh bóng. Bên trong nắp lưng máy là pin có thể tháo rời, 2 khe cắm nano SIM và khe thẻ nhớ MicroSD.

Màn hình

Chiếm gần trọn mặt trước của K10 là màn hình 5,3 inch có độ phân giải chỉ 1.280 x 720 pixel, tức là mật độ điểm ảnh chỉ đạt 277ppi. Vì vậy, nếu nhìn kỹ thì có thể nhận ra những điểm ảnh xếp trên màn hình. Do sử dụng panel IPS LCD nên màn hình của K10 có góc nhìn rất tốt và màu sắc hài hòa. LG cũng đã sử dụng công nghệ In-cell Touch - ép tấm nền cùng lớp cảm ứng và mặt kính vào thành một màn hình duy nhất, khiến hình ảnh hiển thị trên K10 trở nên trong trẻo hơn. Nếu LG nâng cấp màn hình của K10 lên Full-HD, nó sẽ giành lợi thế khá lớn trong phân khúc smartphone giá rẻ.

Tuy nhiên, do sử dụng tấm nền LCD nên chắc chắn K10 sẽ không hiển thị màu sắc rực rỡ như những điện thoại với tấm nền AMOLED. Ngoài ra, độ sáng màn hình của K10 cũng chỉ đạt mức trung bình khá.

Camera

Tùy từng phiên bản, LG K10 sẽ được trang bị camera chính phía sau với cảm biến 13MP hoặc 8MP. Cụ thể là phiên bản K10 1 sim 4G LTE sẽ có camera 13MP và bản 3G 2 sim sử dụng camera 8MP. Rất tiếc, phiên bản K10 được LG phân phối ở Việt Nam sẽ là cấu trúc 3G 2 sim.

Nhìn chung ở phân khúc điện thoại giá rẻ, người ta không hy vọng quá nhiều vào chất lượng hình ảnh, camera của K10 chỉ hoàn thành tốt chức năng của một chiếc máy ảnh để chụp và chia sẻ nhanh các thông tin hay khoảnh khắc đời thường.

Máy chỉ chụp được những bức ảnh đẹp nhất trong điều kiện đủ sáng với độ chi tiết chấp nhận được cùng màu sắc rực rỡ vừa đủ, khá thật và hài hòa. Khi ánh sáng tối hơn một chút hoặc ở trong nhà, máy đã bắt đầu gặp khó khăn khi lấy nét và hình ảnh bộc lộ khá nhiều noise. Khi chụp đêm, ảnh của K10 bị mất chi tiết nặng và rất khó để lấy nét chuẩn xác, dù vẫn đủ sáng để nhận ra cảnh vật. Dù sao khi so với những máy cùng phân khúc, camera của K10 vẫn thể hiện màu sắc khá chính xác ở nhiều bối cảnh chụp.

Ngoài ra, ứng dụng camera của máy cũng bị tối giản quá nhiều, nó không cho phép tùy chỉnh bất kỳ thông số nào, thậm chí còn không có các bộ lọc màu. Tiện nghi hiệu quả nhất trên camera của K10 là chụp ảnh bằng giọng nói với khẩu ngữ “Cheese” hoặc “Smile”.

Với camera trước độ phân giải 5MP, K10 có thể chụp những bức chân dung selfie khá ổn. Khi sử dụng camera phía trước, nhóm phím bấm phía sau máy trở nên hữu dụng với 2 nút âm lượng đóng vai trò nút bấm chụp ảnh. Ngoài ra, một tính năng khác chỉ có ở camera trước là màn hình đóng vai trò như đèn trợ sáng. Tuy nhiên, tính năng này không sang trọng như Retina Flash trên iPhone (tăng độ sáng màn hình tối đa và chớp nháy khi bấm chụp), mà K10 sẽ thu nhỏ màn hình ngắm chụp để chừa ra viền bao sáng trắng có tác dụng “kích sáng” cho bức ảnh. Cũng giống như với camera sau, chế độ chụp với camera trước của K10 rất đơn giản và thiếu vắng hoàn toàn các tính năng như làm đẹp khuôn mặt vốn được sử dụng rất nhiều trên smartphone hiện nay.

Phần cứng

Cũng giống như camera, K10 sẽ sử dụng vi xử lý khác nhau tùy thuộc vào từng phiên bản. Lô hàng phân phối ở Việt Nam sử dụng vi xử lý Mediatek MT6582 lõi tứ Cortex A7 xung nhịp 1,3GHz, GPU Mali-400, RAM 1GB và bộ nhớ trong 8GB. Không chỉ là dòng chip giá rẻ, MT6582 còn được ra mắt từ khá lâu - năm 2013. Chính vì vậy, không ngạc nhiên khi máy đạt số điểm thấp ở một số ứng dụng benchmark phổ biến: 22.798 ở Antutu, 363 điểm đơn nhân và 1.197 điểm đa nhân của Geekbench 3.

Trong điều kiện sử dụng thực tế, với dung lượng RAM 1GB, K10 bắt đầu có dấu hiệu lag khi chạy liên tục khoảng 8-10 ứng dụng đồng thời. Máy dễ dàng “cân” được những game nhẹ. Tuy nhiên ở các game nặng hơn thì khác, K10 bị giật với Real Racing 3 và “mượt mà” hơn một chút đối với Asphalt 8.

Mặc dù có bộ nhớ trong 8GB nhưng trên thực tế, người dùng K10 sẽ chỉ được sử dụng khoảng 4GB, do ½ dung lượng ROOM phải dành cho hệ điều hành. Với mức dung lượng ít ỏi này, chỉ sau khi cài một vài game hay ứng dụng nặng, bộ nhớ trong của K10 sẽ gần đầy hoàn toàn. Vấn đề đầy bộ nhớ trong có thể được giải quyết bằng khe cắm thẻ nhớ mở rộng MicroSD, tuy nhiên K10 cũng chỉ hỗ trợ thẻ nhớ tối đa tới 32GB. Hiện nay, một số loại thẻ MicroSD 64GB của các hãng có tên tuổi đã có giá chỉ dưới 500.000 đồng, chính vì vậy mức giới hạn 32GB của K10 đã trở nên quá lạc hậu và “keo kiệt”.

Phần mềm

Tại nhiều thị trường, LG K10 được cài sẵn phiên bản hệ điều hành Android mới nhất là 6.0 Marshmallow. Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì mà phiên bản được bán ở Việt Nam chỉ chạy trên nền tảng Android 5.0.2 Lollipop cũ kỹ từ cuối năm 2014. So với 5.0.2, Android 6.0 đã được cải thiện mạnh mẽ về hiệu năng, thời lượng pin và hàng loạt tính năng mới, người sử dụng K10 ở Việt Nam khá thiệt thòi khi không được trải nghiệm những điểm mới này.

Trên nền tảng Android 5.0.2, K10 sử dụng bộ giao diện LG UX đặc trưng với các tính năng và giao diện gần như y hệt G4. Nhà sản xuất cũng rất hạn chế cài đặt các ứng dụng theo máy, điều này giúp cho tốc độ của K10 được cải thiện nhẹ.

Thời lượng pin

K10 được trang bị viên pin rời với dung lượng 2.300mAh. Nghe có vẻ khá ít ỏi, nhưng khi thử nghiệm với các tác vụ lướt web, check Facebook (nhiều) và stream nhạc trực tuyến (liên tục) qua Wifi... K10 cũng có thể “đồng hành” cùng người dùng khoảng 15 tiếng. Với cường độ sử dụng bình thường hàng ngày (nghe gọi, chụp ảnh, lướt web và check Facebook) từ 8 giờ sáng tới 11 giờ tối, máy thường còn khoảng 15-20% năng lượng dự trữ. Qua thử nghiệm phát liên tục một bộ phim ở định dạng MKV HD 720P, có phụ đề đi kèm với ứng dụng MX Player, độ sáng màn hình 75% và loa ngoài 50%, LG K10 trụ được hơn 10 tiếng. Nhìn chung, thời lượng pin của máy có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhóm khách hàng tiềm năng trong phân khúc smartphone giá rẻ.

Kết luận

Với mức giá niêm yết 3,7 triệu đồng, K10 sẽ gặp khó khăn khi cạnh tranh với nhiều đối thủ cùng phân khúc đến từ khu vực như Đài Loan, Trung Quốc, Việt Nam... Bởi vì trong tầm giá này, khách hàng có khá nhiều lựa chọn tốt hơn K10 và cấu hình phần cứng mạnh hơn hẳn. Ví dụ, mẫu smartphone Obi Worldphone SJ 1.5 có cấu hình tương đương nhưng sở hữu bộ nhớ trong và pin lớn hơn (16GB, 3.000mAh), màn hình nhỏ hơn một chút (5 inch) nhưng có kiểu dáng ấn tượng và giá bán chỉ 2,7 triệu đồng.

K10 sẽ là một thành công của LG nếu như nó được ra mắt cách đây 3 năm, thời Android 4.x Kitkat và RAM 1GB vẫn đang “thống trị”. Ngày nay, đứng trước nhiều đối thủ với cấu hình, tính năng và giá bán cực kỳ cạnh tranh, K10 sẽ khá khó khăn với mức giá 3,7 triệu. Mặc dù vậy, nếu người dùng có thể bỏ ra số tiền này, nó sẽ là một sự lựa chọn khá tốt với những nhu cầu sử dụng cơ bản. Ngoài ra, khi mua máy khách hàng cũng được tặng một bao gấp dạng Smart Cover, với một dải nhựa trong để nhìn thấy một phần màn hình khá thuận tiện.

Huy Nguyễn

Nguồn Nghe Nhìn VN: http://nghenhinvietnam.vn/thu-may/danh-gia-lg-k10-ban-rut-gon-cua-g4-19699.html