Đánh giá phim Kong: Skull Island - Mãn nhãn nhưng chưa đủ thuyết phục

Kong: Skull Island là bộ phim điện ảnh về quái thú khổng lồ đang thu hút rất nhiều sự chú ý bởi dàn diễn viên sáng giá và là bộ phim Hollywood hiếm hoi được quay ở Việt Nam.

Kong: Skull Island được khởi chiếu rộng rãi trên toàn thế giới từ ngày 10/3/2017 dưới định dạng 2D, 3D và IMAX 3D

Kong: Skull Island là bộ phim điện ảnh thứ hai thuộc vũ trụ phim quái vật khổng lồ của hãng Legendary Pictures, đồng hợp tác với Warner Bros. Hiện tại, bộ phim đang được đánh giá khá ổn trên trang đánh giá phim RottenTomatoes, IMDb với số điểm 7.2/10 và 62 điểm trên trang Metacritic.

Tóm tắt cốt truyện

Năm 1973, tổ chức Monarch phát hiện ra sự tồn tại của một hòn đảo bí ẩn không người nằm ở Thái Bình Dương. Hai thành viên của tổ chức này là Bill Randa (John Goodman) và Houston Brooks (Corey Hawkins) đã thuyết phục nhà cầm quyền cử một đám binh lính đi cùng mình đến khám phá hòn đảo này.

Hai người tập hợp một đội bao gồm anh lính đã giải ngũ kiêm chuyên gia dẫn đường James Conrad (Tom Hiddleston), cô nhiếp ảnh gia phản chiến Mason Weaver (Brie Larson), chỉ huy Preston Packard (Samuel L. Jackson) và đám lính của ông, cùng một số nhà khoa học. Họ chuẩn bị kĩ càng để bay tới đảo Đầu Lâu nhưng ngay khi tới nơi, cả đội gặp phải Kong – vô cùng hung hãn và hiếu chiếu, cùng nhiều sinh vật khổng lồ kì quái khác. Bị thương, bị lạc dấu đồng đội, phải luôn luôn cảnh giác môi trường xung quanh, họ phải tìm cách di chuyển đến địa điểm tập kết trong thời gian sớm nhất với hy vọng mong manh thoát khỏi hòn đảo địa ngục.

Kỹ xảo mãn nhãn, cảnh quay đẹp

Bộ phim được diễn ra trong những năm 1970, sau khi Hiệp định Paris được kí kết và quân đội Mỹ đang rút dần khỏi Việt Nam. Màu sắc, bối cảnh của từng thước phim nơi những con phố nhỏ chật chội, quán bar cùng ánh đèn xanh đỏ, sự ồn ào không dứt gợi cảm giác cổ điển, cũ kĩ, nhưng cũng thật hiện đại với dàn máy bay trực thăng thả bom xuống khám phá bề mặt đảo Đầu Lâu, toàn đội lính được trang bị vũ khí từ đầu đến chân,…

Điểm cộng lớn nhất của bộ phim chính là kỹ xảo mãn nhãn và cảnh quay vô cùng chân thực. Dưới góc quay của đạo diễn Jordan Vogt-Roberts cùng công nghệ máy tính, Việt Nam (chính xác hơn là vịnh Hạ Long, tỉnh Ninh Bình và Quảng Bình) tuyệt đẹp, hùng vĩ và sinh động trong từng thước phim. Khán giả Việt Nam sẽ rất háo hức và tự hào về quê hương mình khi bộ phim được công chiếu rộng rãi trên toàn thế giới.

Kong: Skull Island đã có quãng thời gian quay phim dài hơn một tháng ở vịnh Hạ Long, tỉnh Ninh Bình và Quảng Bình hồi đầu năm 2016.

Nhờ vào kỹ xảo điện ảnh và công nghệ CGI, Kong hiện lên chân thực, sinh động qua từng cử chỉ, nét mặt, đặc biệt là các hành động giống con người. Trong bộ phim, Kong không chỉ chiến đấu với con người mà còn phải luôn cảnh giác với những quái thú trên hòn đảo: bạch tuộc với những xúc tu khổng lồ, lũ nhện to lớn với chân nhọn hoắt và nguy hiểm hơn là những con thằn lằn sống dưới mặt đất mang tên Skull Crawlers. Cảnh đánh nhau giữa các con quái, lồng với nhạc nền là các bản rock mang đậm màu sắc âm nhạc những năm 1970 chắc chắn sẽ khiến khán giả phấn khích.

Tạo hình và hành động của vị chúa tể đảo Đầu Lâu mang lại cảm giác rất chân thực.

Phim giải trí, nhưng vẫn cần có nội dung

Kong: Skull Island tập trung nhiều hơn vào Kong – vị chúa đảo. Các nhân vật trong phim hầu như không có đất diễn và mờ nhạt dần theo mạch phim. Bộ phim quy tụ dàn diễn viên sáng giá nhưng có vẻ như tài năng diễn xuất của họ không được tỏa sáng ở bộ phim này. Người xem dường như quên mất mục đích của cả đội khi đến đảo Đầu Lâu, mục tiêu, vai trò của từng người trong đội là gì. Có thể thấy được các lỗ hổng về mặt kịch bản và sự thiếu logic ở một số tình huống phim. Mạch phim khá rời rạc, nhất là từ khi cả đoàn lạc nhau sau cuộc chạm trán với Kong.

Sự kết nối giữa cô nhiếp ảnh gia Mason Weaver với Kong hay với người dẫn đường James Conrad rất mờ nhạt và miễn cưỡng. Đạo diễn Vogt-Roberts đã chọn hướng đi khác với King Kong (2005), không còn câu chuyện tình cảm nào giữa cô gái xinh đẹp dũng cảm và quái thú khổng lồ, thay vào đó là những câu thoại tán tỉnh của Conrad và Weaver, nhưng chính điều này lại khiến khán giả cảm thấy băn khoăn bởi mối quan hệ này thực sự không cần thiết cho mạch phim.

Sự kết nối hời hợt tới mức … khá là khó hiểu giữa cô nhiếp ảnh gia và Kong.

Một điểm trừ nữa là về lời thoại, xuyên suốt bộ phim có các câu thoại rất cảm động và gợi suy nghĩ cho người xem, nhưng cũng có nhiều đoạn đối thoại dài dòng, không cần thiết và … không mang chút ý nghĩa gì. Bộ phim không đi sâu vào diễn biến tâm lý của nhân vật nên sẽ xuất hiện lỗi logic vô cùng khó hiểu.

Một thông điệp sâu sắc mà bộ phim gửi đến cho người xem chính là về người lính và cuộc sống của họ sau chiến tranh. Sẽ có người không chấp nhận kết quả của cuộc chiến và luôn kiếm tìm đối thủ, như tướng Preston Packard; sẽ có người luôn mong nhớ về gia đình, khao khát cuộc sống bình thường; sẽ có người hoang mang không biết phải làm gì khi chiến tranh kết thúc. Nhân vật đem lại câu chuyện hoàn chỉnh nhất, ý nghĩa nhất là viên phi công Hank Marlow bị kẹt trên đảo từ Thế chiến II do danh hài John C. Reilly thủ vai.

Câu chuyện của Kong ở phần này không phải là tìm cách để đưa Kong về với thế giới văn minh mà lại nghiêng về vị chúa tể đảo Đầu Lâu và cuộc chiến của Kong để bảo vệ vương quốc của mình. Thật đáng tiếc cho kịch bản của Kong: Skull Island bởi có các tình huống và những câu chuyện được mở ra sẵn nhưng lại không thể đi sâu hơn, đi chi tiết hơn, khiến cho nội dung của bộ phim khá hời hợt. Phim xem để giải trí, nhưng cốt lõi vẫn cần có nội dung.
Sau khi ra mắt, Kong: Skull Island bị đưa ra so sánh với phiên bản King Kong (2005) của đạo diễn Peter Jackson như một điều hiển nhiên. Có lẽ Kong ở phiên bản mới này to lớn hơn, chân thật hơn nhưng lại không gây cảm hứng như King Kong cách đây hơn một thập kỷ. Có lẽ đoàn làm phim và hãng phim chưa muốn khai thác hết nhân vật khổng lồ này mà muốn để dành để khai thác tiềm năng trong bộ phim sau, rất có khả năng sẽ là Godzilla vs Kong.

Nhìn chung, Kong: Skull Island là bộ phim mang đậm tính giải trí, hiệu ứng kỹ xảo mãn nhãn, hoành tráng, cảnh quay tuyệt đẹp, những pha hành động chân thực và khá là bạo lực, cùng với các track nhạc phim bất hủ. Tuy có những thiếu sót về mặt nội dung nhưng bom tấn Hollywood với vốn đầu tư 185 triệu USD này chắc hẳn sẽ mang lại cho người xem trải nghiệm đặc biệt, nhất là với khán giả Việt Nam.

Thông tin phim Kong: Skull Island

- Thể loại: Phiêu lưu hành động, khoa học giả tưởng.
- Đạo diễn: Jordan Vogt-Roberts
- Biên kịch: Dan Gilroy, Max Borenstein, Derek Connolly
- Diễn viên chính: Tom Hiddleston, Brie Larson, Samuel L. Jackson, John Goodman
- Ngày ra mắt :10/3/2017
- Thời lượng phim: 120 phút
- Hãng phim: Warner Bros. Pictures/Legendary Pictures

Kiều Trinh

Nguồn Nghe Nhìn VN: http://nghenhinvietnam.vn/tu-van/danh-gia-phim-kong-skull-island-man-nhan-nhung-chua-du-thuyet-phuc-25555.html