Đánh giá phim Power Rangers: Trẻ con, màu mè và hời hợt

Được làm lại từ series phim siêu anh hùng nổi tiếng nhưng với kịch bản quá hời hợt, Power Rangers không thể trở thành hiện tượng toàn cầu như mong đợi.

Power Rangers chính thức khởi chiếu từ ngày 24/03 trên các cụm rạp cả nước.

Power Rangers, tên đầy đủ là Saban’s Power Rangers, là bộ phim được kỳ vọng sẽ biến dòng phim vốn dành cho trẻ em trở thành tác phẩm điện ảnh thực thụ. Nhưng dường như nó đã làm các nhà phê bình và người xem cảm thấy thất vọng, bởi bộ phim chỉ được chấm 44 điểm trên trang Metacritic, và có khả năng sẽ nhận chứng nhận “cà chua thối” trên trang đánh giá phim RottenTomatoes.

Ngay từ khi tung ra trailer, Power Rangers đã nhận được nhiều sự chú ý bởi đây là bản reboot của series siêu nhân biến hình huyền thoại Mighty Morphin Power Rangers (MMPR). Series này ra đời năm 1993, được sản xuất dựa trên loạt phim Super Sentai thứ 16 của Nhật Bản và trở thành hiện tượng toàn cầu, nhận được sự yêu thích của khán giả thuộc thế hệ 8X và 9X trên toàn thế giới.

Kịch bản cẩu thả, lời thoại nhạt và lối diễn xuất cường điệu

Power Rangers thực sự nhìn thế giới thông qua đôi mắt của một đứa trẻ. Kịch bản cẩu thả, chắp vá từ các phim siêu anh hùng thuộc vũ trụ phim Marvel, một chút từ loạt phim tình cảm lãng mạn Twilight, thêm những cảnh cháy nổ và người máy biến hình của Michael Bay. Không còn nghi ngờ gì nữa, đây chính là công thức chung của những bộ phim hành động nhan nhản ngoài rạp hiện tại. Vì đâu Power Rangers lại thất bại?

Cốt truyện chính là yếu tố chiếm phần lớn trong việc quyết định thành công hay thất bại của một bộ phim. Nội dung của Power Rangers rất dễ đoán và hầu như không có tình tiết gây bất ngờ. Cốt truyện ngây ngô đến mức việc giết Rita – nhân vật phản diện của bộ phim, trở thành một tình tiết gây cười đối với khán giả bởi các nhân vật dành tới 1/2 thời lượng phim để nhắc tới việc phải giết ả, bằng cách này hay cách khác. Thông điệp “Đoàn kết là sức mạnh” mà bộ phim cố gắng mang tới, đôi khi thuyết phục nhưng có lúc lại gượng gạo quá mức.

Dù cốt truyện rất trung thành với bản 1993, nhưng Power Rangers 2017 không hề liên quan tới các phiên bản trước. Đây là lần thứ 3 các Power Rangers được xuất hiện trên màn ảnh lớn, và giới hạn độ tuổi PG-13 cũng nói lên khá nhiều điều về bộ phim này: sẽ có nhiều cảnh bạo lực hơn.

Dàn diễn viên trẻ với diễn xuất non nớt.

Yếu tố thứ hai tạo nên một bộ phim hay chính là diễn xuất của diễn viên, liệu họ có thổi được cái hồn của nhân vật vào những thước phim? Trong phiên bản reboot Power Rangers 2017, các nhân vật có tính cách được phác họa rõ nét, họ là những đứa trẻ mới lớn từng mắc phải sai lầm, vật lộn để tìm kiếm chính bản thân mình và khao khát có người thấu hiểu. Phải nói rằng việc tuyển chọn các gương mặt mới là một nước cờ thông minh giúp giảm bớt chi phí sản xuất, nhưng điều đó cũng sẽ ảnh hưởng tới chất lượng của bộ phim, khi mà các Power Rangers đều có diễn xuất gượng gạo, non nớt và cường điệu hóa. Điểm sáng lớn nhất của bộ phim chính là diễn xuất của diễn viên gạo cội Elizabeth Banks, giọng lồng tiếng của Bill Hader và Bryan Cranston. Trong lứa diễn viên mới, người thể hiện xuất sắc nhất nhân vật của mình chính là RJ Cyler (siêu nhân Xanh Billy).

Yếu tố thứ ba góp phần tạo nên chứng nhận cà chua thối của Power Rangers chính là lời thoại màu mè, lỗi thời, mang hơi hướng phim hoạt hình. Người xem có thể thấy trước điều này qua những mẩu trailer mà hãng tung ra. Chính lời thoại khiến cho các Power Rangers trở nên… bớt ngầu.

Kỹ xảo nghèo nàn, áo giáp màu mè

Power Rangers 2017 gây cả thất vọng ở phần kỹ xảo, do công nghệ CGI mà các nhà làm phim sử dụng có phần lỗi thời. Một số cảnh quay có lẽ sẽ rất tuyệt vời nhưng do kỹ xảo phim nghèo nàn (có thể đổ lỗi cho kinh phí ít ỏi 35 triệu USD), người xem sẽ cảm thấy sự giả tạo và cố gắng bắt chước theo các bộ phim bom tấn. Sự bắt chước gượng gạo này thể hiện rõ nhất trong các cảnh quay chậm (slow-motion) hay cảnh đâm xe. Bên cạnh đó, các bộ giáp của Power Rangers bị đánh giá là quá màu mè. Một số cảnh đặc trưng của phiên bản năm 1993 được giữ lại, chắc hẳn sẽ khiến khán giả nhớ về tuổi thơ “dữ dội”.

Kết luận

Mặc dù Power Rangers 2017 được làm khá cẩu thả, màu mè và mang tính chất một bộ phim tuổi teen, khán giả vẫn sẽ ra rạp và đón chờ nó như một chuyến đi trở về tuổi thơ. Ngoài ra, đây còn là bộ phim khá lý tưởng dành cho gia đình trong ngày cuối tuần. Thông điệp đoàn kết là sức mạnh khiến cho Power Rangers mang màu sắc tươi sáng, các nhà sản xuất nên làm ra nhiều tác phẩm thuộc thể loại này nhưng với kỹ xảo tinh tế, dàn diễn viên có thực lực và kịch bản được viết chắc tay hơn.

Thông tin phim Saban’s Power Rangers

- Thể loại: Phiêu lưu hành động, khoa học viễn tưởng
- Đạo diễn: Dean Israelite
- Biên kịch: John Gatins, Matt Sazama, Burk Sharpless, Michele Mulroney, Kieran Mulroney
- Diễn viên chính: Dacre Montgomery, Ludi Lin, RJ Cyler, Naomi Scott, Becky G
- Ngày ra mắt: 24/03/2017
- Thời lượng phim: 125 phút
- Hãng phim: Lionsgate Films

Kiều Trinh

Nguồn Nghe Nhìn VN: http://nghenhinvietnam.vn/tu-van/danh-gia-phim-power-rangers-tre-con-mau-me-va-hoi-hot-25846.html