Đánh thức di sản kiến trúc đô thị

Nhà hát Lớn sẽ sớm được mở cửa đón khách tham quan. Sau sự kiện này, thành phố Hà Nội cũng như các cơ quan chức năng cần có nhiều biện pháp để khai thác không gian Nhà hát Lớn cùng các công trình lân cận nói riêng, cũng như những di sản kiến trúc khác nói chung trên địa bàn thành phố.

Từ câu chuyện Nhà hát Lớn

Hầu hết mọi người đều ngạc nhiên khi biết rằng, năm 2016, di tích Nhà tù Hỏa Lò đạt tới hơn 270 nghìn lượt khách tới tham quan. Trong đó, khách quốc tế chiếm phần lớn, với 220 nghìn lượt, số còn lại là khách trong nước. Nhà tù Hỏa Lò đặc biệt hấp dẫn khách du lịch phương tây, vì đây là nơi lưu lại dấu tích của thời thực dân pháp xâm lược, cũng là nơi giam giữ nhiều phi công Mỹ khi máy bay của họ bị bắn cháy trên bầu trời miền bắc.

Các nhà quản lý hy vọng, nếu Nhà hát Lớn được mở cửa phục vụ, có thể thu hút nhiều khách tham quan. Giá trị của hai công trình này là hoàn toàn khác nhau nhưng đều là những di sản kiến trúc. Nhà hát Lớn là một công trình tiêu biểu cho kiến trúc tân cổ điển mà người Pháp đưa sang Đông Dương trong quá trình xâm lược thuộc địa, nó mang những đường nét của kiến trúc Hy Lạp - La Mã, pha trộn với kiến trúc lâu đài Pháp và nhà hát Ô-pê-ra Pa-ri.

Điểm nổi bật nhất là sự sang trọng, tráng lệ, tinh tế đến từng chi tiết. Không chỉ có giá trị về kiến trúc, Nhà hát Lớn còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của dân tộc. Ngày 17-8-1945 tại quảng trường Nhà hát đã diễn ra cuộc mít-tinh ra mắt Mặt trận Việt Minh. Ngày 2-3-1946, cũng tại đây, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã họp khóa đầu tiên... Nhiều năm nay, Nhà hát Lớn là một trong những địa điểm tham quan, chụp ảnh "không thể thiếu" của khách trong nước và quốc tế khi đến Hà Nội. Nếu chỉ "dăm bữa, nửa tháng" mới có một buổi biểu diễn thì quả là một sự lãng phí đối với kiến trúc độc đáo như thế.

Bởi vậy, các nhà sử học, kiến trúc lẫn quy hoạch đều ủng hộ, khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có chủ trương gỡ bỏ hàng rào sắt, chỉnh trang, xóa bỏ quán cà-phê để đón khách tham quan. Dự kiến, Nhà hát Lớn sẽ phục vụ tham quan kết hợp xem biểu diễn nghệ thuật. Nếu tham quan và xem biểu diễn nghệ thuật, khách sẽ được trải nghiệm lô VIP, được giới thiệu về lịch sử, kiến trúc, những vết tích của cuộc khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám, tham quan không gian trưng bày các tư liệu, hình ảnh, hiện vật gắn với Nhà hát Lớn, tiếp cận các hoa văn, họa tiết và mái vòm của khán phòng, được quan sát toàn bộ không gian sân khấu và khán giả từ trên cao... rồi xem biểu diễn nghệ thuật.

Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, việc "phá rào" với Nhà hát Lớn chỉ nên xem là bước khởi đầu. Cần mở rộng kết nối Nhà hát Lớn với không gian hồ Hoàn Kiếm, Bảo tàng Lịch sử, vườn hoa Cổ Tân để phát huy hết các giá trị. Nhà hát Lớn hiện đang thuộc quyền quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhưng nằm trên địa bàn TP Hà Nội. Để có thể mở rộng không gian, khai thác tối đa tiềm năng du lịch của tổ hợp các kiến trúc, di sản này, cần phải tổ chức lại giao thông, thậm chí di dời một số hộ dân..., cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với UBND thành phố Hà Nội.

Đến những di sản còn "ngủ yên"

Hà Nội là một đô thị cổ. Và di sản kiến trúc của đô thị ấy dày đặc, mang nhiều lớp thời gian. Di sản kiến trúc phương Đông trước khi người Pháp đến. Di sản kiến trúc thời thực dân pháp xâm lược lại phân kỳ ra nhiều lớp, có những kiến trúc "bê nguyên" từ Pháp sang nhưng lại có những kiến trúc có sự pha trộn hài hòa giữa hai trường phái đông - tây mà điển hình là Bảo tàng Lịch sử.

Hiện nay, Hà Nội còn hàng trăm biệt thự có giá trị nhưng rất nhiều trong số đó chỉ dùng... để ở. Câu chuyện Nhà tù Hỏa Lò, Nhà hát Lớn cho thấy Hà Nội còn tiềm năng rất lớn trong tạo thêm những điểm nhấn du lịch ngay trong lòng thành phố. Một trong những công trình nổi bật từng được "xới xáo" rồi lại "ngủ yên" là cầu Long Biên. Lần cuối cùng một festival trên cầu Long Biên được tổ chức là năm 2014.

Từ đó đến nay, chưa thấy có tín hiệu gì của việc tổ chức một sự kiện văn hóa tại đây. Dẫu vậy, cầu Long Biên vẫn luôn là một "điểm nóng" của những người muốn khám phá Hà Nội. Kiến trúc độc đáo, những khuôn hình có một không hai, màu thời gian hiển hiện trong từng cấu kiện cây cầu, cùng với đó là không gian tươi mát của sông Hồng, khiến cây cầu luôn thu hút khách tham quan. Nhưng vấn đề là việc khám phá cầu Long Biên chủ yếu là tự phát. Bởi công năng chính của cây cầu giàu tính mỹ thuật, có bề dày lịch sử này, lại vẫn là phục vụ giao thông.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng là một kiến trúc do người Pháp xây dựng 80 năm về trước. Chưa nói đến những giá trị trong phần "ruột", phần "vỏ" của bảo tàng cũng là một kiến trúc độc đáo. Đáng tiếc, Bảo tàng Mỹ thuật lại là một địa điểm chưa thu hút được nhiều người đến khám phá, cho dù nó nằm ngay gần những địa danh du lịch nổi tiếng như Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long... Hay như bản thân Bảo tàng Lịch sử, giá trị tự thân của kiến trúc tòa nhà này cũng chưa được lưu ý nhiều trong thu hút khách tham quan.

Mở cửa tham quan Nhà hát Lớn hy vọng sẽ là khởi đầu mới trong việc nhìn nhận đúng giá trị của những di sản kiến trúc đô thị, để từ đó có những điểm đến mới, tạo thêm sức hút cho du lịch thành phố.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/33042602-danh-thuc-di-san-kien-truc-do-thi.html