Đánh thức Mẫu Sơn

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch cụ thể phát triển Khu du lịch Mẫu Sơn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Quy hoạch được lập nhằm mục tiêu phát triển khu vực núi Mẫu Sơn trở thành động lực du lịch quan trọng cho du lịch Lạng Sơn, góp phần tạo sản phẩm du lịch đặc thù và đa dạng hóa sản phẩm du lịch của tỉnh phên dậu Tổ quốc.

Chuyển động…

Định hướng phát triển Mẫu Sơn với các sản phẩm du lịch chính như: Du lịch tâm linh; du lịch trải nghiệm văn hóa dân tộc, cộng đồng; du lịch thể thao mạo hiểm, giải trí; du lịch khám phá, tham quan, mua sắm; du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe; du lịch sinh thái… Tập trung hình thành 3 không gian chức năng chính: Không gian du lịch nghỉ dưỡng Mẫu Sơn - Khu trung tâm phát triển các khu nghỉ dưỡng cao cấp, khách sạn cao cấp kết hợp với các khu vui chơi giải trí, khu văn hóa ẩm thực… phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng cao của du khách; Không gian du lịch tâm linh Mẫu Sơn phát triển các khu công viên tâm linh, công viên chuyên đề, khu cây xanh cảnh quan và sinh thái lâm nghiệp; Không gian du lịch khám phá Mẫu Sơn phát triển các khu nghỉ dưỡng dân dã, khu du lịch cộng đồng, khu du lịch sinh thái,…

Trước đó không lâu, đón đầu quy hoạch phát triển khu du lịch trọng điểm miền núi phía Bắc, dự án khu vui chơi giải trí và du lịch sinh thái Núi tuyết Mẫu Sơn với tổng vốn hơn 3.000 tỷ đồng đã được khởi công tại tỉnh Lạng Sơn.

Dự án này có công trình đầu tiên là tuyến cáp treo công suất 2.000 người/giờ, tương đương 1,6 triệu người/năm, dài 5,7 km từ xã Bằng Khánh đến khu vực Chân Mây trên đỉnh Mẫu Sơn.

Công ty cổ phần Núi tuyết Mẫu Sơn (chủ đầu tư) cho biết dự án được triển khai trong giai đoạn 2017 - 2020, thời gian hoạt động 50 năm; trong đó tuyến cáp treo sẽ hoàn thành và bắt đầu mở cửa đón khách từ tháng 4/2018.

Tiềm năng

Dãy núi Mẫu Sơn có độ cao hơn 1.500m so mực nước biển, nhiệt độ mùa hè trung bình 15-20 độ C, mùa đông thường xuất hiện băng tuyết, có năm nhiệt độ xuống dưới âm 6 độ C. Mẫu Sơn cũng là nơi hứng chịu những trận gió mùa đông bắc đầu tiên khi thổi vào nước ta. Nhờ khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm, cho nên từ những năm đầu thế kỷ 20, chính quyền thuộc địa của thực dân Pháp đã cho xây khu biệt thự nghỉ dưỡng ở trên đỉnh núi.

Ông Đặng Tăng Phúc, một “già bản” người Dao có uy tín, nguyên Trưởng ban Định canh, định cư (nay là Ban Dân tộc) tỉnh Lạng Sơn, người kiên trì bám trụ kinh doanh nhà hàng, khách sạn trên đỉnh Mẫu Sơn hàng chục năm cho biết: “Sự ưu đãi của khí hậu là điều kiện mang lại cho thiên nhiên vùng núi Mẫu Sơn nhiều giá trị tiềm năng và cũng là “nguồn tài nguyên” vô giá để phát triển du lịch, với những sản vật quý giá được trồng trọt, chăn nuôi mà chỉ nơi đây mới có. Mẫu Sơn còn có nhiều loại cây dược liệu quý hiếm như: sâm thổ cao ly, xuyên khung, bạch chỉ... và cây thuốc làm men nấu rượu Mẫu Sơn thơm ngon, nổi tiếng... Đây cũng là nguồn hàng mà nhiều khách du lịch mong muốn tìm mua khi vào thăm các bản, làng người dân tộc. Bản thân ông Đặng Tăng Phúc và cửa hàng, khách sạn của ông đã giúp các ông lang, bà mế người dân tộc thiểu số giới thiệu, bán được các thang thuốc bồi bổ, chữa trị bệnh tật cho du khách và nhiều người bệnh ở các vùng, miền đất nước khi đến đây.

Bên cạnh sự ưu đãi của thiên nhiên và đa dạng của các sản vật chỉ riêng có của miền cao phía Bắc, Mẫu Sơn còn lôi cuốn du khách bởi sự phong phú của văn hóa các dân tộc sinh sống nơi đây. Những di tích và di chỉ khảo cổ đã chứng minh bề dày lịch sử và sự giao thoa văn hóa ở nơi đây. Năm 2003, Bảo tàng tổng hợp Lạng Sơn phối hợp Viện Khảo cổ đã khai quật và phát hiện ra Khu di tích Linh địa cổ Mẫu Sơn nằm ở độ cao 1.190m so với mặt nước biển, phân bố trên sườn núi dốc trên dãy Mẫu Sơn, thuộc địa phận thôn Lặp Pịa, xã Mẫu Sơn. Đây chính là trung tâm của các hoạt động tín ngưỡng của các dân tộc thiểu số ở vùng núi cao Mẫu Sơn được xây dựng vào những năm từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 20.

Toàn bộ Khu di tích Linh địa cổ Mẫu Sơn có diện tích 24.400m2, được coi là vị trí “đắc địa”, lưng tựa vào núi mẹ Mẫu Sơn phía Bắc, mặt hướng ra vũng bồn địa Na Dương - Lộc Bình phía Nam, có sông nước đồng ruộng bao la, bên phải phía tây là núi Cha sừng sững quanh năm mây phủ. Bên trái, phía Đông là cánh rừng nguyên sinh xanh rì trải dài triền núi cùng những khe suối nhỏ róc rách nước chảy quanh năm. Thảm thực vật ở đây còn bảo lưu nhiều loài gỗ quý như: tùng la hán, trầm hương, trúc rừng và các loài hoa. Về cơ bản, sau khai quật, Khu di tích Linh địa cổ Mẫu Sơn vẫn giữ nguyên hiện trạng, bao gồm ba nền móng đắp bằng đá xây dựng đền thờ, các chân cột đá, tường đá và tường gạch, bậc thềm và cánh cửa đá... Độc đáo nhất là một hầm mộ đá có cấu trúc và quy mô lớn với vòm che, thiết kế theo kiểu trong quan ngoài quách, được dựng bằng những khối đá lớn khai thác tại chỗ. Ngoài ra, một hầm mộ khác có quy mô nhỏ hơn, được dựng theo kiểu trác thạch bằng cách lợi dụng hai tảng đá tự nhiên hai bên và ở trên đậy bằng một phiến đá. Phía trên ngôi đền có các đập chắn nước tận dụng địa thế của các dãy đá tự nhiên chạy ngang sườn núi và gia cố thêm bằng đá phiến.

Từ khi tổ chức khai quật và phát hiện hệ thống di tích Linh địa cổ Mẫu Sơn đến nay, du khách lên đây tham quan, nghỉ dưỡng còn được tham gia tour du lịch tâm linh, thăm viếng Khu Linh địa cổ.

Tầm nhìn

Để mời gọi đầu tư, khai thác hiệu quả Khu du lịch Mẫu Sơn, mới đây Tỉnh ủy Lạng Sơn đã ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch Khu vực Mẫu Sơn thành điểm du lịch quốc gia với những mục tiêu đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, phấn đấu đến năm 2020 đạt các tiêu chí là điểm du lịch quốc gia, một trung tâm du lịch của tỉnh, liên kết chặt chẽ với các điểm du lịch vùng Đông Bắc. Nhiều giải pháp đã được đưa ra, trong đó sẽ rà soát, điều chỉnh và bổ sung hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Khu vực Mẫu Sơn với quy mô 10.000ha; xây dựng phương án quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan môi trường; tổ chức điều tra, khảo sát thu thập tài liệu, nghiên cứu xây dựng hệ thống hồ sơ các di tích lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán đặc sắc của cư dân Mẫu Sơn... Tỉnh sẽ tập trung nâng cấp tuyến đường chính từ quốc lộ 4B đến trung tâm Mẫu Sơn cùng hệ thống đồng bộ về cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ du lịch và phát triển kinh tế khu vực. Bên cạnh đó, sẽ đầu tư phục chế, tôn tạo một số di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng ở Mẫu Sơn và nghiên cứu cơ chế chính sách hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số về dạy nghề, cung cấp các dịch vụ, để khôi phục, phát triển các ngành nghề truyền thống dành cho dân sinh và hoạt động du lịch.

Huệ Anh

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/quy-hoach-kien-truc/danh-thuc-mau-son.html