Đánh thức Thủ Thiêm

TP - Gần 20 năm sau ngày khu đô thị mới Thủ Thiêm được quy hoạch là Trung tâm hành chính của TPHCM, mọi hoạt động nơi đây vẫn im lìm. Ước muốn một “Phố Đông” như Thượng Hải của Thủ Thiêm vừa hiện đại nhưng vừa giữ nét cổ kính của Sài Gòn- TPHCM hàng trăm năm qua đang dần hiện hình hài bởi hàng loạt dự án bắt đầu khởi động.

Phối cảnh Thủ Thiêm trong tương lai. Ảnh: Ngọc Lâm

“Phố Đông” của Sài Gòn

Hàng nghìn người dân Thủ Thiêm phía quận 2 phải qua trung tâm thành phố bằng phà mỗi ngày. Họ đã đi lại như thế từ hàng chục năm qua nhưng những cảnh tượng ấy giờ đã thành quá khứ. Mấy năm nay, nơi sát vách với trung tâm Sài Gòn hoa lệ, cây cầu Thủ Thiêm 1 qua trung tâm thành phố, đặc biệt hầm chui sông Sài Gòn băng qua Thủ Thiêm được kết nối, đã làm vùng đất vốn lặng lẽ này trở nên sôi động.

Không như các đô thị khác, khu đô thị mới Thủ Thiêm là một phần mở rộng của Trung tâm TPHCM. Theo quy hoạch thì, tương lai không xa, Thủ Thiêm sẽ là Trung tâm Tài chính- Thương mại - Dịch vụ cao cấp, có chức năng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội không chỉ của riêng TPHCM mà cả vùng lân cận, tác động tích cực đến sự phát triển chung của đất nước.

Thủ Thiêm có diện tích 657ha, bao gồm 4 phân khu chức năng chính sẽ là một “Phố Đông” thực sự trong tương lai. “Thủ Thiêm không chỉ là nơi giảm tải cho trung tâm thành phố mà còn “gánh” một số chức năng mà trung tâm cũ không làm được, như là trung tâm tài chính, dịch vụ lớn của Đông Nam Á, là nơi hiện diện của các cao ốc văn phòng cao 40 - 50 tầng”- ông Trang Bảo Sơn - Phó ban quản lý đầu tư - xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm nhấn mạnh.

Đại lộ Mai Chí Thọ kết nối Thủ Thiêm với TPHCM qua hầm chui sông Sài Gòn

Hàng triệu người dân ở Thủ Thiêm và TPHCM kỳ vọng lớn khi nhìn thấy Thủ Thiêm trong tương lai qua bản vẽ đồ họa. “Nếu như các dự án tập trung và làm nhanh chóng thì nơi đây thực sự là một thiên đường”- ông Trần Văn Lành, 63 tuổi, người đã nhường đất cho các công trình xây dựng để đến ở khu tái định cư Bình Khánh, mừng thầm.

Ở đó có rạp xiếc tổng hợp, được thiết kế với tập đoàn nổi tiếng đến từ Vương quốc Bỉ có sức chứa 1.500 chỗ ngồi, ngoài khu biểu diễn còn khu văn phòng, khu phục vụ và khu dịch vụ. Trong khi đó, nhà thi đấu thể thao quốc tế được xem là tổ hợp thể thao đa năng xứng tầm. “Nơi đây sau khi hoàn thiện sẽ là nơi tập trung cho các giải thi đấu thể thao quốc tế như Seagames hay Asiad”- ông Sơn nói.

Sánh vai với các công trình này là Tòa nhà Trung tâm Thông tin triển lãm quy hoạch TPHCM cũng được đặt trên bán đảo Thủ Thiêm. Nó tọa lạc trên quảng trường trung tâm và bên bờ sông Sài Gòn với tổng diện tích 18.000m2. Theo các kiến trúc sư, đây là công trình công cộng mang tính biểu tượng đầu tiên của thành phố. Đồ án quy hoạch chi tiết của công trình và không gian xung quanh thiết kế đã đoạt được giải nhất cuộc thi quốc tế với thiết kế hiện đại, tiết kiệm năng lượng. Chỉ riêng công trình này thôi, tổng mức đầu tư cho nó dự kiến 35 triệu USD.

Điểm nhấn của khu đô thị mới Thủ Thiêm theo ông Sơn chính là quảng trường lớn. 30 ha ở đây đã được dành để đầu tư cho quảng trường được xem là lớn nhất cả nước, nó đủ chỗ cho nửa triệu người tham gia các sự kiện tầm cỡ.

“Quảng trường sẽ là nơi tiếp nhận những không gian hiện đại, mang tính biểu tượng cao và thể hiện quyết tâm của chính quyền trong việc bảo vệ chất lượng môi trường ngay trong lòng trung tâm thành phố. Quảng trường nằm đối diện trung tâm lịch sử thành phố qua một con sông, đây là điều hiếm có trên thế giới”- ông Sơn thông tin. Ngoài quảng trường, Nhà hát giao hưởng cũng là công trình được xem là trọng điểm của thành phố nhằm phục vụ cho nhu cầu của một bộ phận nhân dân và hoạt động đối ngoại.

Thủ Thiêm trở mình

Tưởng rằng Thủ Thiêm mãi là “nàng tiên ngủ say” bởi sau hơn 10 năm, bán đảo này đã hết bị cô lập khi cây cầu Thủ Thiêm 1 và hầm chui qua sông Sài Gòn đã được kết nối. Vậy mà 10 năm qua nó vẫn chưa được đánh thức. Nhiều tập đoàn trong và ngoài nước dù đã có giấy phép đầu tư vào mảnh đất này, nhưng rồi lại “bỏ chạy” cho đến khi đầu năm 2014 nhiều dự án nơi đây mới bắt đầu khởi động.

Hy vọng Thủ Thiêm trở mình đã dần thành hiện thực. Khu đô thị mới Thủ Thiêm khởi động trở lại vào cuối tháng 2 vừa qua khi Ban quản lý Đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm khởi công xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu. Đây là 4 tuyến đường giao thông huyết mạch của Thủ Thiêm, được xây dựng trên diện tích hơn 65 nghìn m2, với tổng mức đầu tư hơn 12 nghìn tỷ đồng.

Nhiều dự án đang được các nhà đầu tư khởi động từ đầu năm 2014

Cách hầm Thủ Thiêm gần 2km, nằm ngay trên tuyến đại lộ Đông- Tây là dự án khu dân cư tái định cư Bình Khánh- một trong ba dự án tái định cư lớn nhất của TPHCM do công ty CP Đức Khải làm chủ đầu tư. Gần 39 ha thuộc phía Đông của bán đảo Thủ Thiêm đã được đơn vị này đánh thức thông qua nhiều tòa nhà cao từ 3 - 25 tầng.

Nếu như bức tranh về Thủ Thiêm được hoàn thành vào năm 2020 như mục tiêu đặt ra, “Phố Đông” của Sài Gòn sẽ đón khoảng 160.000 cư dân sinh sống, có khả năng tiếp nhận khoảng 450.000 người làm việc và đón khoảng 1 triệu khách vãng lai mỗi ngày đến đây.

Ông Phạm Ngọc Lâm- Chủ tịch HĐQT của Đức Khải cho biết sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, khu Bình Khánh sẽ tạo nên một khu đô thị kiểu mẫu, góp phần đáng kể vào việc xây dựng hình ảnh khu đô thị mới Thủ Thiêm trong tương lai.

Nhiều dự án khác cũng đang khởi động ở đây, với trên 13 dự án đã có chủ. Trong số này có tập đoàn Vingroup, khi họ sẵn sàng đầu tư một phần trong khu trung tâm tài chính ngân hàng quốc tế, thương mại, dịch vụ và nhà ở. Đây được xem là khu đất đắc địa với một mặt giáp khu hồ trung tâm, giáp cây cầu đi bộ kết nối khu trung tâm hiện hữu với Thủ Thiêm và một mặt có cây cầu Thủ Thiêm 2 bắc sang khu Ba Son.

Ban quản lý Thủ Thiêm cho rằng, nhiều dự án khác của một tập đoàn Hàn Quốc và của Saigontourist về khách sạn và khu nghỉ dưỡng hay dự án tháp quan sát liên doanh với đối tác nước ngoài cũng được thành phố chấp nhận chủ trương đầu tư...

Theo ông Trang Bảo Sơn - Phó ban quản lý đầu tư - xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm cơ sở hạ tầng bắt đầu hoàn thiện là một trong những đột phá để thu hút nhà đầu tư. Đến thời điểm hiện tại các trục đường xương sống trong khu Thủ Thiêm đã và đang hoàn thiện. 5 cây cầu được ví như 5 ngón tay xòe ra để kết nối với bên ngoài cũng lần lượt lên kế hoạch cho việc đầu tư.

PGS- TS Nguyễn Trọng Hòa- Viện trưởng nghiên cứu phát triển TPHCM cũng cho rằng ý tưởng mở rộng thành phố hiện hữu ra khu đô thị Thủ Thiêm là đúng đắn. Người từng là giám đốc sở quy hoạch- kiến trúc của thành phố tự tin khi 4 cây cầu còn lại theo quy hoạch được khởi công, Thủ Thiêm sẽ có một diện mạo khác hẳn.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư lớn của thế giới vẫn chưa đổ tiền vào Thủ Thiêm bởi sức hút của nó vẫn chưa đủ mạnh. “Giá đất chưa hợp lý trong khi hạ tầng vẫn chưa hoàn thiện làm không ít nhà đầu tư e dè”- ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM, nói. Mặc dù vậy, ông Châu cũng tự tin khi cho rằng các nhà đầu tư trong nước đã khởi động các dự án lớn tại đây và sẽ tạo “cú hích” để lôi kéo nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào Thủ Thiêm trong nay mai.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/kinh-te/danh-thuc-thu-thiem-700597.tpo