Đánh thức tiềm năng đọc

Tạo thói quen đọc sách cho học sinh.

Tạo thói quen tốt

Em Hòa Thị Hương Giang, học sinh lớp 9A1, lớp phó phụ trách học tập của lớp cho biết: "Trước khi có tủ sách phụ huynh, em không mượn sách từ thư viện nhà trường mà chỉ mượn một số cuốn từ bạn bè và họ hàng. Từ khi có tủ sách phụ huynh, em đã đến với sách thường xuyên hơn. Em đã đọc gần hết đầu sách trong tủ sách. Một số cuốn sách hóa học đã góp phần giúp em dành được danh hiệu học sinh giỏi huyện trong năm học 2010-2011. Em Phạm Thị Phương, cựu học sinh kiêm thủ thư lớp 7A3 cho biết "Khi chưa có tủ sách phụ huynh, những học sinh bình thường như chúng em ít khi mượn sách ở thư viện nhà trường vì gặp nhiều khó khăn. Chỉ các bạn tham gia đội tuyển các kỳ thi thì mới được tạo điều kiện. Với tủ sách phụ huynh thì khác. Tất cả các bạn trong lớp đều được mượn sách, không có bất kỳ sự phân biệt nào. Gần như đã thành thói quen, hằng ngày, các bạn thường đọc sách trong thời gian rỗi ngoài giờ học như đầu giờ truy bài, giờ ra chơi. Năm nay, chúng em sẽ góp mỗi bạn một vài chục nghìn đồng để mua sách bổ sung vào tủ sách của lớp". Theo em Hòa Thị Dung, học sinh lớp 9A1 thì năm ngoái, em đã đọc gần hết đầu sách có ở tủ sách lớp em. Gần một trăm cuốn sách trên nhiều lĩnh vực đã giúp em tích lũy nhiều kiến thức hơn, trong đó, nhiều kiến thức trong sách giáo khoa không có.

Em Nguyễn Thành Luân, học sinh lớp 8A3 cho biết: "Em đã đọc một số cuốn của tủ sách và đã mượn hai cuốn truyện cổ tích về nhà để đọc cho em trai bốn tuổi nghe. Tủ sách phụ huynh đã giúp em nhiều kiến thức về toán và văn. Việc mượn sách ở lớp thuận lợi hơn ở thư viện nhà trường".

Em Nguyễn Thị Thanh Hương, thủ thư tủ sách lớp 8A1 cho biết: "Mặc dù không có thù lao nhưng em cảm thấy rất vui vì đã giúp cho tất cả các bạn trong lớp được đọc sách".

Hầu hết các lớp đều đồng ý chuẩn bị góp tiền mua thêm sách trong năm học 2011-2012. Thay vì việc một tuần một lần cả lớp nghe một bạn học sinh đọc báo thì bây giờ các em có thể lựa chọn cách đọc sách bất cứ lúc nào. Thái độ tự tìm sách đọc đã giúp các em lĩnh hội kiến thức một cách chủ động chứ không bị động như trước đây.

Tín hiệu tốt lành

Chị Lã Thị Khương, thủ thư Trường THCS An Dục cho biết, năm học 2009-2010, thư viện nhà trường có gần 500 đầu sách dành cho học sinh. Tuy nhiên, do thư viện chung diện tích với phòng tin học cho nên việc phục vụ học sinh rất hạn chế. Hằng tuần, các em học sinh chỉ được mượn sách báo trong hai ngày và chỉ được đọc trong mười lăm phút đầu giờ. Chính những quy định này mà số lượng học sinh tìm đến thư viện đọc sách rất nhỏ. Trong năm học 2009-2010, chỉ có khoảng 780 lượt học sinh đến thư viện mượn sách báo. Hơn thế, thời gian để các em đọc sách không nhiều do cùng một lúc thư viện không thể đáp ứng cho tất cả các em mà phải phân chia thời gian đọc theo lịch. Từ khi có tủ sách phụ huynh thì các em tiếp cận với sách thuận lợi hơn, do đó việc đọc sách đã trở thành thói quen của các em khi tới trường.

Cô giáo Phạm Thị Hải, giáo viên chủ nhiệm lớp 7A3, lớp đầu tiên xây dựng mô hình này, chia sẻ: "Tủ sách phụ huynh đã cung cấp cho các em không chỉ kiến thức trong học tập mà còn cung cấp cho các em kiến thức xã hội. Nhờ có phần tác động của tủ sách phụ huynh, năm học trước, đội tuyển học sinh giỏi toán của lớp 7A3 xếp thứ 6/37 của huyện mà trước đó xếp thứ 26. Đội tuyển học sinh giỏi văn xếp thứ nhất huyện Quỳnh Phụ mà năm trước đó đứng thứ năm". Tủ sách đặt tại lớp rất tiện lợi để tạo thói quen đọc sách hằng ngày cho các em. Nhiều phụ huynh còn nhờ con mượn sách từ tủ sách của lớp về cùng đọc. Bên cạnh tác động đến học sinh, tủ sách phụ huynh đã cung cấp cho thầy cô giáo nhiều cuốn sách hay mà thư viện không có.

Phó Hiệu trưởng Trường An Dục, thầy Uông Minh Thành tâm sự: "An Dục, cũng như nhiều vùng nông thôn khác, rất ít người có thói quen đọc bởi hệ thống thư viện ở cấp xã hầu như bị bỏ quên và vận hành yếu kém. Ngay tại các trường như trường chúng tôi, thư viện cũng không được đầu tư đầy đủ để đánh thức tiềm năng đọc của học sinh. Thấy ý tưởng xây dựng tủ sách từ phụ huynh dễ dàng và hiệu quả, nhà trường quyết định hỗ trợ toàn bộ tiền đóng tủ, phụ huynh đóng tiền mua sách, học sinh trực tiếp quản lý, trường chúng tôi đã xây dựng thành công mô hình này. Hiện mỗi lớp có ba em tự nguyện làm thủ thư, quản lý sách cho lớp".

Việc xây dựng tủ sách phụ huynh là một cách làm hay, góp phần giảm thiểu hiện trạng thiếu sách ở nông thôn như hiện nay và thực hiện chính sách xã hội hóa thư viện của nhà nước.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhan-dan-h-ng-thang/nhan-dan-h-ng-thang/khoa-h-c-giao-d-c/anh-th-c-ti-m-n-ng-c-1.316798