Đánh thuế căn nhà thứ 2: Không nên so sánh Việt Nam với Singapore

Giám đốc Savills Hà Nội cho rằng, Việt Nam không nên áp dụng chính sách của Singapore trong việc đánh thuế bất động sản thứ 2 vì đây là 2 trường hợp hoàn toàn khác biệt.

Thời gian gần đây, ý tưởng thu thuế căn nhà thứ 2 thu hút nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Liên quan đến vấn đề này, một số chuyên gia và doanh nghiệp đã chia sẻ quan điểm tại buổi tọa đàm “Hai kịch bản từ việc đánh thuế sở hữu nhà ở thứ 2” do báo Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức sáng ngày 7/9.

Thị trường nhà cho thuê ảnh hưởng lớn nếu đánh thuế nhà thứ 2

Theo GS Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, về mặt lý luận kinh tế chính trị học, đất đai là vạn vật tự nhiên, con người đầu tư trên đất có tài sản, có vốn. Hiện, chúng ta không khuyến khích buôn bán đất thô mà khuyến khích đầu tư vào đất. Đánh thuế vào đất sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nếu thuế cao thì sở hữu hiệu quả hơn.

Ông Võ cho rằng, việc đánh thuế vào nhà ở thứ 2 không hợp lý bởi trong thị trường bất động sản, phần kinh doanh chiếm tỷ trọng rất cao. Đánh thuế vào nhà ở thứ 2 là đánh vào phân khúc nhà cho thuê. Điều này ngược với chủ trương của nhà nước: Bán nhà chung cư với hình thức thuê, mua.

"Nếu đánh thuế vào nhà cho thuê thì số lượng người thuê nhà sẽ giảm. Mà khi cầu về những nhà đầu tư thứ cấp giảm thì cung từ các dự án sẽ giảm, sẽ làm giảm cả cung lẫn cầu. Trước là giảm cầu của người có nhà ở cho thuê, sau là giảm cầu của nhà đầu tư thứ cấp cho thuê", ông Võ nói.

GS Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường. Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp

Ông Hùng Võ đề xuất, nếu đánh thuế nhà ở thì nên đánh vào giá trị đất, nếu đánh vào giá trị nhà thì sẽ không còn nhà đẹp nữa bởi "chả ai dại gì đầu tư xịn" để chịu thuế cao hơn.

Đồng tình với quan điểm của GS Võ, ông Nguyễn Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, nếu đánh thuế nhà ở thứ 2 sẽ ảnh hưởng đến thị trường nhà cho thuê. Ở các nước châu Âu, thị trường nhà ở cho thuê chiếm tới 70%, trong khi ở Việt Nam chỉ mới khoảng 10%.

Bên cạnh đó, ông Hà đánh giá việc đánh thuế nhà thứ 2 sẽ không có tác dụng chống đầu cơ bởi những người đầu cơ thường chỉ nắm giữ bất động sản trong thời gian ngắn, khi có lãi sẽ bán ngay.

Cũng theo ông Hà, hiện nay thị trường bất động sản đang rất ổn định, chỉ mới phục hồi được mấy năm sau một thời gian khủng hoảng dài. Thị trường bất động sản rất nhạy cảm, việc thay đổi chính sách có thể khiến thị trường vừa khởi sắc có thể trầm lắng trở lại.

Ông Hà lấy dẫn chứng, năm 2009, chúng ta có chính sách coi bất động sản không phải là ngành sản xuất và giảm các khoản vay vốn. Ngay lập tức đã kéo theo nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn và kéo theo nợ xấu, thậm chí nhiều doanh nghiệp phải phá sản, hệ luỵ là ảnh hưởng tới ngành xây dựng, lao động, vật liệu xây dựng…

Cần thẩn trọng trong việc học tập kinh nghiệm của các nước khác

Với những kinh nghiệm và bài học từ nhiều nước trên thế giới, ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội cho rằng Việt Nam cần cẩn trọng trong việc đánh thuế bất động sản thứ 2.

Theo ông Matthew, mục đích đánh thuế bất động sản thứ 2 là khi cung và cầu chưa gặp nhau, thị trường phát triển quá nóng, cần áp dụng chính sách thuế để cân bằng. Trong khi đó, thị trường bất động sản Việt Nam đang phát triển lành mạnh.

"Qua nghiên cứu của chúng tôi có thể thấy việc giao dịch vẫn ở mức ổn định, chưa phải tăng trưởng quá mạnh. Khi mà áp dụng đánh thuế bất động sản thứ 2 sẽ làm giảm sức mua của nhà đầu tư với thị trường", đại diện Savills nói.

Ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội. Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp

Ông Matthew cũng cho rằng, Việt Nam không nên áp dụng bài học của Singapore trong việc đánh thuế bất động sản thứ 2 vì đây là 2 trường hợp hoàn toàn khác biệt.

"Singapore đưa ra chính sách thuế bất động sản thứ 2 khi có quá nhiều người nhập cư vào nước này, có quá nhiều cầu mà không đủ cung, do đó chính phủ đưa ra chính sách thuế để cân bằng thị trường. Ở Việt Nam thì ngược lại, cung cầu đang phát triển lành mạnh, nguồn cầu còn chưa ổn, do đó khó có thể áp dụng lý thuyết của các nước khác vào Việt Nam", ông Matthew lưu ý.

Thanh Tâm

Nguồn NDH: http://ndh.vn/danh-thue-can-nha-thu-2-khong-nen-so-sanh-viet-nam-voi-singapore-20170907102710995p4c148.news