Đánh thuế cao để tiết kiệm tài nguyên cho con cháu

Địa phương cấp 4.000 giấy phép khai thác mỏ, doanh nghiệp làm kiểu "tay không bắt giặc"... ĐBQH đồng tình phải đánh thuế tài nguyên cao nhưng biên độ không được quá rộng.

- Dẫn chuyện các địa phương cấp 4.000 giấy phép khai thác mỏ khoáng sản, doanh nghiệp khai thác tùy tiện, tại buổi thảo luận tổ sáng nay (21/10) về dự án Luật thuế tài nguyên, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên đặt vấn đề áp thuế cao cũng như sự cấp thiết phải tiết kiệm tài nguyên khoáng sản. Vị thủ lĩnh ngành không khỏi bức xúc trước thực trạng cấp phép khai thác khoáng sản dễ dàng ở địa phương thời gian qua, nhiều doanh nghiệp không có năng lực, "tay không bắt giặc" khai thác tùy tiện Chỉ trong vài năm, các địa phương đã cấp tới 4.000 giấy phép khai thác mỏ trong khi loại cấp phép thuộc cấp bộ, con số giấy phép cấp ra chỉ khoảng 100. Đừng khuyến khích "tận thu" Nêu kết quả thăm dò một số khoáng sản tự nhiên như bô-xít, titan với trữ lượng lớn hàng nhất, nhì thế giới, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên tán thành việc dùng thuế điều chỉnh, khuyến khích khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản hiệu quả song nhấn mạnh nhu cầu tiết kiệm tài nguyên. Bộ trưởng nhấn manh nhu cầu bức thiết phải tiết kiệm tài nguyên, nhất là tài nguyên thiên nhiên, bởi dự báo đến năm 2050, thế giới có thể lâm vào cuộc khủng hoảng về khoáng sản. Luật thuế tài nguyên, do đó, không thể chỉ dừng ở tiếp cận góc độ điều chỉnh, thu thuế cho ngân sách nhà nước mà cả tiết kiệm của cải cho con cháu đời sau. Biểu thuế áp theo đó cũng phải ở mức cao ở mức có thể sàng lọc được. Đại biểu tỉnh Hưng Yên Vũ Quang Hải cho rằng muốn giữ tài nguyên cho con cháu thì phải sửa cả Luật ngân sách, bởi luật hiện nay đang khuyến khích các địa phương tận thu. "Với những tỉnh khó khăn về kinh tế nhưng đang gìn giữ tài nguyên thì Nhà nước phải tính toán cấp bù ngân sách như thế nào đó", ông Hải nói. Ông Hải cũng đặt nghi vấn về năng lực quản lý nguồn thu khoáng sản kim loại quý như vàng, bạc, đá quý, khi nhìn vào con số chỉ vẻn vẹn 5,9 tỷ đồng thu ngân sách trong cả 1 năm. Theo ông, hiện vẫn còn phổ biến tư duy vì con số tăng trưởng đẹp chứ chưa coi trọng chất lượng. "Phải tách phần trăm tăng trưởng nhờ tài nguyên ra, sẽ thấy ngay chất lượng tăng trưởng". Biên độ thuế quá rộng Đa số các đại biểu QH cho rằng khung thuế suất đối với các loại tài nguyên theo dự thảo luật đều có biên độ quá rộng. Đại biểu Trương Thị Ánh (TP.HCM) nhận xét: "Thuế dao động từ 5-20% với sắt, titan, từ 6-40% với dầu thô... tuy tạo sự linh hoạt song lại không bảo đảm tính chặt chẽ, có thể dẫn đến không công bằng, tạo chênh lệch lớn trong cùng một nhóm hàng, giữa các thời điểm khác nhau". Vì vậy, bà Ánh cho rằng cần xem xét thu hẹp biên độ khung thuế suất; đồng thời phân loại, quy định chi tiết từng mặt hàng trong cùng một nhóm hàng để quy định cụ thể khung thuế suất riêng biệt, bảo đảm không mở quá rộng khung thuế suất nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu quản lý việc khai thác tài nguyên trong từng thời kỳ. Các đại biểu cũng không đồng tình việc Chính phủ, ngoài việc hướng dẫn thi hành, còn quy định chi tiết các nội dung quan trọng của luật này. "Nếu để như trong dự thảo hiện nay thì Chính phủ sẽ lấn sang cả quyền lập pháp của QH", đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (TP.HCM) và Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cùng chung ý kiến. Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cũng đồng tình vai trò "quyết" của Quốc hội: "Đây là một chế định thuộc Hiến định, không phải luật định nữa". Ngoài ra, các đại biểu còn khá bức xúc với điều 4 của dự thảo luật. "Điều 4 "vô duyên" quá", đại biểu Vũ Hồng Khanh (Hà Nội) phát biểu khi dẫn ra hai thuật ngữ "yến sào", "điểm giao nhận". "Dùng hẳn một điều để giới thiệu về từ ngữ, lại giải thích từ ai cũng biết như yến sào, trong khi từ khó hiểu hơn như bô-xít hay thương phẩm lại không có", ông Trần Ngọc Vinh cũng nhận xét. Xuân Linh - Cao Nhật

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/chinhtri/200910/Danh-thue-cao-de-tiet-kiem-tai-nguyen-cho-con-chau-874726/