Đào 7 tấn vàng, Phước Sơn vẫn phá sản: Chiêu trò trốn chạy?

Suốt thời gian qua, việc công ty vàng Phước Sơn phá sản đang làm các chủ nợ điêu đứng. Phải chăng đây là một thủ thuật của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài?

Nhiều chuyên gia kinh tế trong nước cho rằng, đây là chiêu “phá sản khôn ngoan”. Chiêu này đã từng xảy ra khá nhiều tại Việt Nam. Thương vụ lùm xùm nhất thời gian qua chính là việc mua bán tại hai dự án khai thác vàng lớn nhất ở Việt Nam, là Bồng Miêu và Phước Sơn (Quảng Nam) giữa Besra Gold Inc với nhà đầu tư mới chính là cựu quản lý cao cấp của Besra.

TS.Bùi Quang Tín, trường đại học Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh cho rằng, không loại trừ đây là một thủ thuật kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài.

Theo TS.Bùi Quang Tín, chiêu trò chuyển giá của các doanh nghiệp nước ngoài đã từng xảy ra nhiều lần đối với các doanh nghiệp trước đây. Năm 2016, theo thống kê, cả nước có khoảng 50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ, trong đó nhiều doanh nghiệp thua lỗ liên tục trong 3 năm.

Chỉ tính riêng tỉnh Bình Dương, một trong những tỉnh thu hút được nhiều dự án FDI cũng có đến 50% doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ từ năm 2006–2011. Với việc công ty vàng Phước Sơn liên tục kêu lỗ như vậy, có cơ sở để nghi ngờ rằng vàng Phước Sơn sẽ bị dính vào câu chuyện chuyển giá để "giả chết".

Từ thông tin báo chí nêu, TS.Tín cho rằng, trước hết cần nhìn vào động thái của lãnh đạo cao cấp của Besra, họ đã đứng ra mua lại một doanh nghiệp đang mắc nợ với số nợ khổng lồ, làm ăn liên tục thua lỗ trong nhiều năm liền là một điều tương đối trái ngược so với logic đơn thuần.

Có thể, công ty đã nhìn ra những tiềm năng khác của công ty. Tuy nhiên, để tránh những chiêu cũ lặp lại, TS.Tín cho rằng, cần có cuộc thanh tra đối với công ty này để ngăn chặn chuyển giá.

Đào đến 7 tấn vàng nhưng Phước Sơn vẫn phá sản vì làm ăn thua lỗ?

TS.Tín cũng đã nhắc lại câu chuyện “lỗ ảo – lãi thât” mà rất nhiều doanh nghiệp đã từng áp dụng tại Việt Nam trước đây. Đối với vàng Phước Sơn, có thể thấy, tại thời điểm Besra thông báo về việc thoái vốn cũng là lúc TAND tỉnh Quảng Nam cũng đã ra quyết định mở thủ tục phá sản với Vàng Phước Sơn, một công ty mà Besra đang nắm giữ 50% cổ phần.

Trên thực tế, tại Việt Nam đã có nhiều công ty giở chiêu trò cũ là liên tục báo lỗ rồi ngấm ngầm thành lập công ty. Sau đó chuyển dần tài sản, trang thiết bị sang rồi xin phá sản doanh nghiệp nhằm trốn thuế, trốn nợ... Nhìn như tình hình hiện nay của Phước Sơn, có thể thấy nguy cơ 213 tỷ đồng nợ đọng đối với Nhà nước có thể bị mất trắng. Nếu phá sản, tất cả tài sản của Phước Sơn sẽ bị kê biên và đấu giá.

Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, các tài sản của nhà máy này đã bị chuyển đi gần hết, những máy móc còn lại chỉ là những trang thiết bị lạc hậu, bán rẻ không có người mua. Với tính chất đặc thù của khai khoáng, rất khó để Phước Sơn có thể thoát khỏi “người quen” mua lại chính sản phẩm của mình.

Thực tế, hai cựu CEO của Besra đang mua lại Phước Sơn. Những bất thường này có thể nghi ngại việc công ty vàng Phước Sơn đang có sự “nhập nhèm” là có cơ sở. Để ngăn chặn việc này, TS.Bùi Quang Tín cho rằng, cần đẩy mạnh việc thanh tra toàn diện công ty vàng Phước Sơn. Cần có giải pháp ngăn chặn việc thất thoát tài sản của nhà nước với những công ty FDI.

Cũng với vấn đề của công ty Phước Sơn, GS.TS Vũ Văn Hóa cho rằng: “Cần phải đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra đối với các công ty nước ngoài. Việc nhận diện những chiêu trò chuyển giá của các doanh nghiệp nước ngoài không khó.

Tuy nhiên, cái khó ở đây chính là việc có hay không sự móc ngoặc hoặc bị mua chuộc các cán bộ làm công tác có liên quan. Để doanh nghiệp liện tục báo lỗ thời gian dài như vậy mà không có động thái nào, tôi cho rằng không ổn".

"Vì sao rất nhiều doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam làm ăn một thời gian là kêu lỗ. Nếu không giải quyết được những chiêu trò của các doanh nghiệp nước ngoài, thu hút nhà đầu tư vào cũng giải quyết được vấn đề gì”, GS. TS Hóa kết luận.

Trần Phương

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/dao-7-tan-vang-phuoc-son-van-pha-san-chieu-tro-tron-chay-a323514.html