Đạo cụ cẩu thả

Vừa ra rạp, bộ phim 'Dạ cổ hoài lang' đã bị khán giả phát hiện dùng bức ảnh bà Tống Mỹ Linh (vợ của ông Tưởng Giới Thạch) để chỉnh sửa thành ảnh một nhân vật đã chết trong phim. Sự cẩu thả về mặt đạo cụ, và sự tắc trách của đạo diễn đã khiến dư luận bất bình.Việc tạm ngừng công chiếu bộ phim 'Dạ cổ hoài lang' là cần thiết. Lãnh đạo Cục Điện ảnh cho biết, đã có văn bản yêu cầu và đơn vị sản xuất đã có văn bản giải trình sẽ thay những chi tiết có hình ảnh bà Tống Mỹ Linh và xin lỗi người xem. Sau khi nhận được bản phim đã chỉnh sửa, Cục Điện ảnh sẽ kiểm tra để phim được phát hành trở lại.

(ĐTTCO) - Vừa ra rạp, bộ phim “Dạ cổ hoài lang” đã bị khán giả phát hiện dùng bức ảnh bà Tống Mỹ Linh (vợ của ông Tưởng Giới Thạch) để chỉnh sửa thành ảnh một nhân vật đã chết trong phim. Sự cẩu thả về mặt đạo cụ, và sự tắc trách của đạo diễn đã khiến dư luận bất bình.

Việc tạm ngừng công chiếu bộ phim “Dạ cổ hoài lang” là cần thiết. Lãnh đạo Cục Điện ảnh cho biết, đã có văn bản yêu cầu và đơn vị sản xuất đã có văn bản giải trình sẽ thay những chi tiết có hình ảnh bà Tống Mỹ Linh và xin lỗi người xem. Sau khi nhận được bản phim đã chỉnh sửa, Cục Điện ảnh sẽ kiểm tra để phim được phát hành trở lại.

Hình ảnh bà Tống Mỹ Linh (trái) và bức di ảnh của nhân vật Út Trong
trong 'Dạ cổ hoài lang' có nhiều nét tương đồng.

Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Bùi Nguyên Hùng trả lời phỏng vấn báo chí, nhấn mạnh: “Khi sử dụng hình ảnh hay bất cứ thông tin nào khác vào tác phẩm của mình phải biết rõ nguồn gốc xuất xứ và đảm bảo có bản quyền. Không thể lấy những hình ảnh “trôi nổi” trên mạng rồi đưa vào tác phẩm của mình được. Cách làm như vậy không ổn”. Còn nhìn ở góc độ chuyên môn, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát chia sẻ: “Trong điện ảnh không được phép làm như vậy.

Dù làm bất cứ điều gì cũng phải chỉn chu, nhất là với bộ phim điện ảnh được quay ở nước ngoài về một đề tài quan trọng như “Dạ cổ hoài lang”. Tôi cũng thấy đạo diễn phim Nguyễn Quang Dũng đã lên tiếng xin lỗi và nhận khuyết điểm. Nhưng đây là lỗi nghề nghiệp khó có thể tha thứ được. Họa sĩ đạo cụ đã quá tùy tiện mà trong nghề gọi là lỗi sơ đẳng không thể bỏ qua. Đây là điều tôi thấy rất đáng tiếc. Ngay cả phim truyền hình cũng không được phép làm như vậy chứ chưa nói gì đến phim điện ảnh được làm công phu, tốn kinh phí”.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chuyên làm phim hài nhảm, một đề tài nghiêm túc như “Dạ cổ hoài lang” hoàn toàn không phải sở trường. Do đó, chuyện sai sót về hình ảnh bà Tống Mỹ Linh cũng không quá khó hiểu. Điều công chúng phải băn khoăn là cả một ê-kíp làm phim và cả một ê-kíp duyệt phim, tại sao vẫn để tồn tại một sự tùy tiện như vậy? Phải chăng, trong xu hướng làm phim thị trường, nhiều đòi hỏi cơ bản về nghiệp vụ điện ảnh đã bị bỏ qua một cách dửng dưng? Phải chăng, phim Việt chỉ đang chú ý đến sức hút của danh hài và những cảnh quay hoành tráng, không màng chú ý đến khâu đạo cụ tỉ mỉ và chi tiết?

Sự cố dùng bức ảnh bà Tống Mỹ Linh để chỉnh sửa thành ảnh một nhân vật đã chết trong phim “Dạ cổ hoài lang” sở dĩ ầm ĩ vì liên quan đến một nhân vật lừng lẫy lịch sử. Thực tế, nếu soi rọi kỹ lưỡng những bộ phim sản xuất thời gian gần đây, không khó nhận ra nhiều bất cập về dàn dựng đang đe dọa chất lượng của điện ảnh Việt. Đây là hệ quả tất yếu của lối tư duy làm phim chụp giật có xu hướng chạy theo áo quần, son phấn và những chiêu trò chọc cười rẻ tiền.

GIA QUAN

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20170401/dao-cu-cau-tha.aspx