“Đạo” của một doanh nhân: Cho là nhận…

Trong 10 doanh nhân tiêu biểu của TPHCM về Hà Nội nhận danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước – danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2009 (3 năm tôn vinh một lần) tổ chức ngày 10-10, do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao tặng, chúng tôi đặc biệt chú ý đến đôi vợ chồng doanh nhân đã có tuổi, trông rất bình dị, lúc nào cũng tay trong tay. Ở tuổi họ, khi cuộc sống kinh tế vững vàng, người ta thường nghỉ ngơi, vui vầy bên con cháu, thế nhưng họ vẫn miệt mài với công việc… Càng trân trọng hơn khi biết rằng, mỗi năm họ đã dành một khoản tiền không nhỏ cho công tác từ thiện suốt 10 năm qua.

Đi lên từ con số 0 Doanh nhân ấy là Cao Văn Triều, Giám đốc và vợ là Lê Thị Hồng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và kinh doanh thuốc thú y Ruby. Tiếp chúng tôi tại văn phòng làm việc (tọa lạc ở quận 12 TPHCM) vào một chiều giữa tháng 10, với phong cách giản dị của người đảng viên và cách nói chuyện chân tình, cởi mở, ông Cao Văn Triều đã đưa chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, để rồi đọng lại là ý chí vượt khó làm giàu và tấm lòng nhân hậu của ông. Trưởng thành trong thời chiến, cũng như hàng triệu thanh niên miền Bắc, chàng thanh niên Cao Văn Triều ở Thanh Hóa tình nguyện lên đường nhập ngũ, nhưng ông được chọn sang Cuba học ngành chăn nuôi, thú y. Rồi sau đó được cử đi làm nghiên cứu sinh ở Ấn Độ. Nhận bằng phó tiến sĩ, về nước, ông được phân công làm việc tại Nông trường Tam Đảo, rồi chuyển qua Ba Vì, và điểm dừng cuối là Trung tâm nghiên cứu trâu sữa và đồng cỏ ở Sông Bé (thuộc Viện Chăn nuôi của Bộ Nông nghiệp). Ông mong muốn được áp dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn, góp phần làm giàu cho đất nước. Nhưng thực tế không như mong muốn bởi phần không có “đất dụng võ”, phần chuyện bát cơm manh áo “bó tay” ông… Nghĩ đến tương lai gia đình và con cái, ông quyết định “ra ngoài làm kinh tế”! Năm 1999, Công ty TNHH Ruby chuyên kinh doanh thuốc thú y ra đời. Lúc ấy, gia đình ông vẫn còn khó khăn lắm. Ông kể: “Ngày 30 tết, nhà chẳng có hoa, bánh mứt. Vợ chồng tôi chờ đến tận trưa 30, khi chợ hoa trên đường Hai Bà Trưng tàn, người bán hàng vứt những giỏ hoa vạn thọ, hoa cúc ra đường, mới ra nhặt về chưng cho có không khí tết”. Ông bà làm kinh tế trong điều kiện “ba không: không trụ sở, không vốn liếng, không nhân lực…” Nhưng bù lại, ông có “chất xám”, vợ chồng chịu thương chịu khó, cộng với chữ tín trong làm ăn nên khó khăn cứ vượt qua từng bước. Đến giờ, sau 10 năm, công ty của ông bà đã trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về cung cấp nguyên liệu thuốc thú y, phụ gia thức ăn gia súc, nuôi trồng thủy sản với tổng doanh thu bình quân khoảng 200 tỷ đồng/năm, có hệ thống phân phối tới cả ngàn đại lý trên toàn quốc. Cho là nhận …Có lẽ vì đi lên từ nghèo khó, cộng với chữ “đức” ăn sâu vào máu thịt (ông tâm niệm có đức là có tất cả, làm cái gì cũng phải xuất phát từ chữ đức và từ chữ đức mới có tâm, có tín) nên ngay từ đồng lãi đầu tiên, vợ chồng ông đã nghĩ đến trách nhiệm đóng góp cho xã hội. Và số tiền ấy được đưa hẳn vào kế hoạch chi hàng năm của công ty. Trong 10 năm hoạt động, công ty đã xây dựng 27 nhà tình thương, tình nghĩa; tặng hàng trăm sổ tiết kiệm; ủng hộ và đóng góp hàng chục tỷ đồng cho công tác từ thiện, xã hội qua các hoạt động như: ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, hỗ trợ mổ tim bẩm sinh cho trẻ em nghèo, tặng quà cho trẻ em khuyết tật, mua gạo mang xuống tận Bến Tre ủng hộ bà con vùng bão lũ, các chương trình khuyến học, thắp sáng tương lai. Điều đáng trân trọng là ông bà luôn ý thức tiết kiệm với bản thân để nguồn quỹ từ thiện của công ty được lớn hơn. Cụ thể, mỗi năm có hàng chục chuyến công tác trong và ngoài nước bằng máy bay. Với khả năng của mình, ông bà có thể mua vé ghế hạng thương gia ngồi cho khỏe nhưng họ đều chọn loại ghế thường để dành phần tiền chênh lệch đưa vào quỹ từ thiện. Bà Hồng bộc bạch: “Với gia đình tôi, việc chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng còn có ý nghĩa giáo dục con cái. Nhờ vậy, các con tôi đều sống tự lập, không dựa vào của cải của cha mẹ”. “Cuộc đời ngắn ngủi lắm nên chúng tôi cố gắng sống sao cho thật ý nghĩa. Tất cả rồi cũng qua đi chỉ có tình thương yêu ở lại. Khi mình cho cũng chính là mình nhận - nhận lại tình yêu thương!” - trước khi chia tay, bà Hồng nói như tâm tình với chúng tôi MAI ANH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/xahoi/2009/10/205744/