Đạo diễn Lương Đình Dũng: 'Tôi thích đưa mình vào thế khó'

Bộ phim 'Cha cõng con – Father and son' của đạo diễn Lương Đình Dũng được đề cử tranh 'Giải Remi' danh giá tại LHP Quốc tế Houston lần thứ 50.

Bộ phim “Cha cõng con – Father and son” của đạo diễn Lương Đình Dũng là bộ phim truyện dài Việt Nam được đề cử tranh “Giải Remi” danh giá tại LHP quốc tế Houston lần thứ 50 tại bang Texas, Mỹ và Liên hoan Quốc tế Boston lần thứ 15, hai Liên hoan này sẽ diễn ra từ ngày 13/ 4 đến 30/ 4 và phim “Cha cõng con” của anh sẽ được trình chiếu chính thức tại đây.

Đạo diễn Lương Đình Dũng

Đạo diễn Lương Đình Dũng

Đạo diễn Lương Đình Dũng đã từng thành công với những phim ngắn như “Đồng tiền”, “Hạnh phúc đỏ”, “Xẩm đỏ”, “Chuyện ông mờ” từ khi còn đang là sinh viên khoa Biên kịch của trường Đại học Sân khấu Điện ảnh. Nhưng anh thực sự được biết đến là trở thành một cái tên gây tò mò với người yêu điện ảnh sau khi “Cha cõng con” dành nhiều giải thưởng như “Phim truyện xuất sắc nhất” tại Liên hoan phim Canada tháng 11 và giải “Quay phim xuất sắc nhất” tại Liên hoan phim Barcelona Planet– Tây Ban Nha.

Khi bắt tay vào phim “Cha cõng con” thì điều anh nhắm tới là gì, có phải là những liên hoan phim danh giá hay những giải thưởng có giá trị?

Phim “Cha cõng con – Father and son” tôilàm với mục tiêu là hướng tới khán giả trước tiên, song hành đó tôi muốn gửi tới các các sự kiện điện ảnh lớn nhỏ, qua đó có cơ hội giới thiệu tới bạn bè quốc tế hình ảnh đất nước và con người Việt Nam

Đây là bộ phim nhựa đầu tay anh “thai nghén” gần 10 năm, vậy sau 10 ấy đã thêm và bớt của anh những gì khi thực hiện?

Thực ra, thời gian có trôi đi thì các tác phẩm vẫn giữ nguyên cấu trúc như vậy, chỉ con người và cảnh vật có thể thay đổi thôi.

Các nhân vật trong phim của anh đều rất bình dân, không sốc, sến hay sex – những yếu tố câu khách hàng đầu của phim hiện nay. Và diễn viên đều không chuyên. Vậy anh đánh cược điều gì khi tin mình sẽ thành công với bộ phim này?

Câu chuyện hấp dẫn, nó tồn tại được trên giấy và người ta còn đọc đến cùng, vậy với câu chuyện nhân văn sôi động và hình ảnh hấp dẫn của “Cha cõng con” được kể với ngôn ngữ điện ảnh sinh động, tôi nghĩ khán giả khó có thể bị bỏ qua được. Tôi tin người xem sẽ rung động và thích những gì mà bộ phim mang lại. Bản thân tôi rất kĩ tính, mà làm phim là ngành công nghiệp, cần tính chuyên nghiệp cao, nghệ thuật thì đòi hỏi sáng tạo và tinh tế. Với tôi, khi xác định làm phim rồi thì phải làm cho tới nơi tới chốn, phải làm cho tận cùng và tôi nghĩ cái đó cho tôi một thành quả đủ đầy. Tôi chỉ mong khán giả sau khi xem phim xong, họ trở về nhà và nói với người thân, hay bạn bè, “chúng ta từ nay không giận nhau nữa nhé”. Tức là họ đã cố gắng làm tốt hơn cho người thân của mình, đó là niềm tin của tôi và bạn hãy tin cùng tôi đi và Cha Cõng con vẫn là một “ẩn số” với thị trường.

Và anh đã thay đổi khi phim đầu tay chiến thắng?

Mọi người bảo tôi phim đầu tay được giải thưởng chắc sẽ thay đổi nhưng tôi thì luôn tự dặn mình là đừng bao giờ nghĩ mình kinh khủng quá, ghê gớm quá. Điện ảnh thì cũng là một nghề thôi, giải cũng là một niềm vui và ăn may với tôi thôi vì tôi làm phim này cho khán giả song hành đó tìm mọi cơ hội để phim đến được với bạn bè Quốc tế ở bất cứ nơi đâu dù lớn hay nhỏ. Tôi tin “Cha cõng con” mang đến một thông điệp trong trẻo tình người với tất cả ai xem nó.

Anh có chia sẻ mình từng kinh qua nhiều nghề từ công nhân xi măng, thợ rèn, đào vàng cho đến đi buôn và giờ là điện ảnh, một mỹ từ rất hàn lâm và sang trọng. Sự chuyển đổi này có nhờ do đâu?

Cuộc sống nó cuốn trôi mình, mình phải theo và thích hợp với nó. Nhưng với tôi thì những trải nghiệm đó vô cùng quý giá để tôi làm tốt công việc đạo diễn của mình trong tương lai, nó là sự trải nghiệm lớn mà không phải ai cũng có được. Nó giúp tôi hiểu nhân vật hơn mỗi khi làm việc hay viết kịch bản. Nghề nào cũng quý cả và tôi luôn trân trọng những thời điểm gian khó mình đã đi qua. Tôi nhớ giai đoạn năm 2000, khi đang là sinh viên năm thứ 2, tôi phải tằn tiện làm sao để tiết kiệm được ba nghìn đồng mỗi ngày để làm phim thực tập. Chúng tôi góp tiền làm phim “Đồng tiền”, tuy khó khăn nhưng vì những vất vả đó lại tăng thêm nhiệt huyết giúp chúng tôi làm ra được một bộ phim rất thú vị. Còn bây giờ cuộc sống của tôi đã dễ thở hơn, tôi làm phim quảng cáo để trang trải cho cuộc sống mỗi ngày và nuôi tình yêu làm điện ảnh với một dự án phim câm sắp tới.

Anh nói đến phim mới là “Thành phố ngủ gật”, một bộ phim câm, đây là một bộ phim vẫn theo tiêu chí không sao, không câu khách?

Với phim “Cha cõng con – Father and Son”, tôi không phải làm với mục tiêu chính là dự thi liên hoan mà là hướng tới khán giả, còn “Thành phố ngủ gật” tôi làm phim để hướng tới ban giám khảo khó tính nhất. Vì thế tôi đưa mình vào thế khó khăn nhất của câu chuyện, của không gian, của màu sắc... Trong phim, tôi buộc mình phải sáng tạo một cách tối đa, suốt 90 phút phim các nhân vật dù trong phim không câm nhưng không có gì để nói với nhau... Tuyệt đối trong phim không có tiếng người mà chỉ có âm thanh, hình ảnh và sắc thái của từng con người.

An Khê

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/truyen-hinh/dao-dien-luong-dinh-dung-toi-thich-dua-minh-vao-the-kho-d110036.html