Đạo đức nghề nghiệp

Ở Hà Nội, có những vỉa hè tồn tại hàng chục năm mà vẫn phẳng phiu, các mạch gạch miết kỹ càng, đã bó vỉa hè khít nhau ngay ngắn nhưng bên cạnh đó cũng không thiếu những vỉa hè nay đào, mai bới để làm mới lại cứ lem nhem, khấp khểnh.

Nhất là những ngõ khi đào bới để sửa công trình điện, nước, sau khi san lấp thì gồ ghề, nham nhở, bẩn thỉu, vôi vữa vương vãi khắp nơi, hố ga chỉ vài ngày đã vỡ nắp gây nguy hiểm. Không phải tay nghề thợ ngày nay kém thợ ngày xưa mà cái chính là ý thức trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp bây giờ thua kém ngày trước rất nhiều.

Từ việc nhỏ ấy mà suy ra, nghề nào cũng rất cần đạo đức nghề nghiệp vì nó liên quan việc xây dựng con người, đến sự phát triển của đất nước, đời sống nhân dân. Ngày nay, hoạt động trong cơ chế thị trường, không ít doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chỉ chạy theo lợi nhuận khiến đạo đức nghề nghiệp ngày càng phai mờ, thậm chí còn đánh mất lương tâm. Từ lâu, dư luận đã lên án những sản phẩm độc hại ảnh hưởng sức khỏe con người, gây nên những căn bệnh hiểm nghèo như: thịt, cá, bánh trái, quà bánh, rồi ngay cả rau quả đều chứa đầy chất tăng trọng, hóa chất bảo quản, thuốc trừ sâu... Không phải người sản xuất, người đem đi tiêu thụ không biết những tác hại nguy hiểm chết người ấy của những sản phẩm đó, nhưng họ vẫn làm chỉ vì chạy theo lợi nhuận, miễn là có tiền bỏ vào túi tham. Mấy ngày nay dư luận lại rộ lên việc mũ bảo hiểm rởm lan tràn khắp nơi. Nhiều người đi mô-tô, xe máy nhờ đội mũ bảo hiểm cho nên khi gặp tai nạn đã tránh được chấn thương sọ não. Thế mà vẫn có những cửa hàng, những cơ sở sản xuất đang tâm tung ra thị trường mũ bảo hiểm rởm, không có tác dụng bảo vệ con người khi gặp tai nạn. Thậm chí có trường hợp khi ngã, những mảnh mũ vỡ còn gây thêm thương tích cho nạn nhân...

Ở xã hội ta, nghề nào cũng được coi trọng. Từ người quét dọn trên đường phố đến người thợ mộc, thợ nề, bác sĩ, kỹ sư đều có cơ hội thực hiện lời dạy của các cụ xưa "nhất nghệ tinh nhất thân vinh". Muốn làm được điều đó, đòi hỏi mỗi người cần tận tâm với nghề để có chuyên môn giỏi, nhất là cần có đạo đức nghề nghiệp. Người bác sĩ giỏi đến đâu cũng phải có cái đức mới trở thành "lương y như từ mẫu". Nhà giáo có giỏi đến mấy, cũng cần có cái đức, cái tâm trồng người, mới có vinh quang, được xã hội kính trọng. Còn những kẻ làm ăn thủ đoạn, gian dối, vô lương tâm, kiếm lời trên nỗi đau, trên sự mất mát của người khác chỉ đem lại tai họa cho xã hội mà thôi.

Để ngăn chặn những sản phẩm kém chất lượng, không an toàn cần phải thường xuyên tuyên truyền, giáo dục lối sống và đạo đức nghề nghiệp, đồng thời phải có biện pháp truy quét tận gốc những nơi sản xuất ra nó. Các sản phẩm có chứa chất độc hại, hàng nhái, hàng giả đều sử dụng công nghệ hiện đại khá tinh vi khiến mắt thường người tiêu dùng cũng như nhà quản lý khó phát hiện. Cho nên việc áp dụng khoa học - kỹ thuật trong kiểm tra, kiểm soát là rất cần thiết để "vỏ quýt dày có móng tay nhọn". Lực lượng kiểm tra giao thông đã có máy đo nồng độ rượu và mới đây có máy phát hiện sử dụng chất ma túy ở lái xe. Vừa qua, các doanh nghiệp sản xuất chân chính cũng dán loại tem nhãn mới để người tiêu dùng có thể dễ dàng phát hiện ngay hàng giả... Các lực lượng chức năng cũng phát huy đạo đức nghề nghiệp của mình, làm việc mẫn cán, lăn lộn trong thị trường, bám sát sinh hoạt hằng ngày của nhân dân, dựa vào "tai mắt" của nhân dân để phát hiện sai phạm, nhất thiết không kiểm tra, kiểm soát qua loa, chiếu lệ; không được nhận tiền để bỏ qua những hành vi vi phạm, những "ổ" làm ăn gian dối.

Thời gian qua, nhân dân rất biết ơn và hoan nghênh các lực lượng chức năng truy bắt hàng nghìn chai rượu vang giả, nhiều công-ten-nơ chở nội tạng súc vật ôi thối, chở gà thải loại không rõ nguồn gốc... Những việc làm này cho thấy, họ đã và đang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, qua đó tỏa sáng đạo đức nghề nghiệp của mình.

Nguồn Nhân Dân: http://vn.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/chinh-tri/y-kien/o-c-ngh-nghi-p-1.396605