Dao găm của Pharaoh làm từ vật liệu ngoài Trái đất

Lưỡi dao găm bọc vàng, hiện vật có giá trị nhất từ mộ pharaoh Tutankhamen không phải làm từ sắt Trái đất như người ta tưởng trước đó.

Vua Tutankhamen qua đời vì bị gãy chân khi mới 19 tuổi, sau 10 năm giữ vương vị pharaoh. Ông là một trong những nhân vật lịch sử được biết đến nhiều nhất thuộc thời Ai Cập cổ đại. Người ta cho rằng những kẻ xâm nhập vào mộ Tut đều hứng chịu lời nguyền, nhận cái chết đau đớn. Trường hợp nổi tiếng nhất được nhắc đến là George Herbert - người đầu tiên bước vào ngôi mộ của Tut năm 1922. Khám nghiệm cho thấy ông chết vì nhiễm trùng máu gây ra bởi muỗi cắn nhưng nhiều người tin ông chết bởi đã phạm lời nguyền kia.

Con dao găm sắt có tay và vỏ bằng vàng nổi tiếng của pharaoh Tutankhamen - Ảnh: Daniela Comelli

Tất cả truyền thuyết huyền bí quanh cuộc đời vị pharaoh chết trẻ cũng như lăng mộ đẹp tuyệt mĩ, công phu biến Tut thành đề tài nghiên cứu trong nhiều thế kỷ. Cảm hứng từ Tut chưa có dấu hiệu dừng lại, nhất là khi các nhà nghiên cứu đến từ Ý và Ai Cập mới phát hiện ra con dao găm của ông được làm từ vật liệu ngoài không gian. Thông qua thí nghiệm, nhóm các nhà khoa học tìm ra bằng chứng cho thấy con dao vàng huyền thoại được để trong quan tài vua Tut tạo tác từ một mảnh thiên thạch.

Con dao này lần đầu tiên được miêu tả bởi Howard Carter năm 1925 là dao có tay cầm và vỏ bằng vàng, trang trí bằng nhiều chi tiết tinh xảo với lưỡi sắt.

Thiên thạch Kharga – nguồn nguyên liệu làm nên con dao găm đặc biệt của vua Tut - Ảnh: Wikipedia

Các nhà khoa học đã nghiên cứu thành phần lưỡi dao bằng cách dùng kỹ thuật quang phổ phát xạ huỳnh quang tia X không xâm lấn – cho phép nhìn vào “bên trong” bất kỳ đối tượng nào. Sau khi quét, nhóm nghiên cứu phát hiện lưỡi dao gồm 11% niken – cao hơn nhiều so với lưỡi dao sắt truyền thống (thường chỉ 4% niken). Điều này cho thấy chất sắt này có nguồn gốc ngoài Trái đất. Bởi sắt của các sao băng thường chứa nhiều niken hơn so với sắt có nguồn gốc Trái đất.

Trưởng nhóm Daniela Comelli, đến từ Milan Polytechnic (Ý), nói với Discovery News “Tỉ lệ niken và coban trong lưỡi dao là phù hợp với thành phần sắt thiên thạch”.

Lăng mộ nhiều bí ẩn của pharaoh Tutankhamen - Ảnh: Corbis

Không dừng lại, họ còn xem xét tất cả các thiên thạch được tìm thấy trong vòng bán kính 2.000km để đối chiếu xem liệu lưỡi dao được lấy từ thiên thạch nào. Daniela Comelli cho biết có 20 thiên thạch sắt và chỉ một trong số đó có niken, coban tương tự với thành phần lưỡi dao. Thiên thạch này tên Kharga. Kharga được tìm thấy năm 2000 tại một cảng biển phía tây của Alexandria.

Con dao găm này được tạo ra trước thời đại đồ sắt khoảng 100 năm. Nó là gợi ý cho thấy rằng Ai Cập đã có sự hiểu biết về sắt thời gian dài trước đa phần nhân loại còn lại trên địa cầu.

Xác ướp vị pharaoh Ai Cập cổ đại Tutankhamen, nguồn cảm hứng nghiên cứu của nhiều nhà khảo cổ học - Ảnh: AFP

Phát hiện này rõ ràng thú vị nhưng con dao găm làm từ vật liệu ngoài Trái đất không phải điều bí ẩn duy nhất làm mộ Tut gây hứng thú cho giới nghiên cứu. Vòng cổ của ông trước đây được cho là làm từ khoáng chất chalcedony – một loại thạch anh – thật ra lại được làm từ thủy tinh silica sa mạc Libya (một loại thủy tinh tự nhiên tạo lên từ silica (silicon dioxide) thường tìm thấy ở sa mạc Libya. Loại thủy tinh này được hình thành khi thiên thạch chạm bề mặt cát. Ngoài ra, lăng mộ của Tut còn được cho là ẩn dấu mộ nữ hoàng Nefrtiti sau những bức tường.

Tạ Ban (dailymail)

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/dao-gam-cua-pharaoh-lam-tu-vat-lieu-ngoai-trai-dat-c7a415433.html