Đạo Giếng

Tuổi thơ tôi gắn với những kỷ niệm một cái giếng. Đọc truyện ngắn “Cái giếng” của tác giả nữ trẻ người Úc gốc Việt trong tôi không khỏi lại dào dạt cái tình giếng tưởng đã phai nhạt.

“Má tôi nói chúng tôi đã rời quê hương và đến sống trên một miền đất mới, nhưng tôi nói chúng tôi đã rời một cái giếng và đến sống với một cái vòi nước”. Nên quẻ Thủy Phong Tỉnh (Nước - Cây - Giếng) là quẻ Dịch đầu tiên tạo nên cảm xúc trí tuệ trong tôi. Người xưa dùng hình ảnh và sự vận động của cái giếng để diễn tả cái hình ảnh nguồn mạch của phúc lộc từ lòng trái đất đem đến cho con người và cái cách con người khai thác và tận hưởng phúc lộc của thiên nhiên ban tặng. Ấp đổi chứ giếng không đổi, nước giếng không kiệt mà cũng không thêm; người qua người lại để múc nước giếng. Gần đến nơi (đến giếng) chưa kịp thòng dây gầu xuống mà bể (vỡ) cái bình đựng nước thì xấu. Nguyễn Hiến Lê giảng: Bản thể của cái giếng là ở đâu thì ở đấy, ấp còn có khi thay đổi, chứ giếng thì cố định; có nước mạch chảy vô giếng hoài, nên nước giếng không kiệt, nhưng nước giếng chỉ lên đến một mực nào đó, không khi nào tràn ra. Công dụng của giếng là ai ai cũng lại giếng để lấy nước, kẻ qua người lại luôn, người nào cũng nhờ nó mà có nước, nó giúp đỡ mọi người mà như vô tâm. Nói về nhân sự thì người đi lấy nước, đã gần tới rồi, chưa kịp thòng dây gầu xuống, mà đánh vỡ cái bình đựng nước thì thật uổng công; vậy làm việc gì cũng phải cẩn thận, đến nơi đến chốn để khỏi bị thất bại nửa chừng. Tượng của quẻ nói lên rằng: Trên Cây có Nước là quẻ Tỉnh. Người quân tử coi quẻ này mà an ủi dân, khuyên họ giúp đỡ lẫn nhau. Đây là cách giảng của Khổng Tử: Nước (Khảm) ở trên cây (Tốn), tức là nhựa, (nước từ dưới đất theo cây lên) ở ngọn cây, cũng như mạch nước ở trong giếng chảy ra, nên gọi là quẻ Tỉnh. Lời Tượng khuyên người quân tử nên coi tượng cái giếng mà nuôi dân và chỉ cho dân cách giúp đỡ lẫn nhau. Đó chính là Đạo Giếng. Phan Bội Châu bình luận thêm: Chỉ có mấy câu mà suy vào triết học rất có thú vị. Đạo trời đất ở giữa vũ trụ, mặc dầu cuộc đời bể dâu, thói đời nóng lạnh, mà trời đất vẫn cứ y nhiên. Thế là làng (ấp) đổi, giếng không đổi. Làng là nhân tạo, giếng là thiên nhiên. Biến đổi là nhân tạo, không biến đổi là thiên nhiên. Đó là nguyên lý của tạo hóa. Lại nói về chuyện múc nước giếng. Đó là cái ví dụ để nói về việc con người trong thực tế. Hễ làm một việc gì, tất phải làm cho đến thành công, vô luận thờ một chủ nghĩa gì, hay mưu một sự nghiệp gì, tất phải làm cho đến nơi mới thấy được kết quả của việc ấy. Nếu giữa đường mà vứt quách, hoặc gần tới nơi mà nghỉ bỏ, thì tuy chưa thất bại cũng gọi là thất bại. Tỷ như: người đi múc nước giếng, sắp sửa tới nơi, nhưng chưa kịp giòng dây gầu xuống, thình lình vỡ mất cái bình đựng nước, té ra công đi tới giếng hoàn toàn hỏng ráo, chẳng uổng công lắm hay sao? Chúng ta xem câu thí dụ ấy thì biết rằng, chương trình làm việc phải có ba giai đoạn: Đoạn thứ nhất là phải thăm dò cho ra giếng. Đoạn thứ hai là phải cố công đi cho tới giếng, và dụng công dòng dây xuống giếng, bao giờ múc được nước lên mới thôi. Đoạn thứ ba là trong thời gian ấy, phải hết sức giữ gìn vật liệu dụng cụ, chớ để nửa chừng đổ vỡ; nếu không vỡ bình, thì nước chắc về đến nhà, đó mới là thành công. Đau đớn thay, nước chưa kịp múc xong, mà bình đã nứt vỡ, công phu đi tới giếng, chẳng hóa ra dã tràng xe cát biển đông. Vậy nên làm việc gì mọi người cần có gan lớn, mà cũng cần phải có tâm để ý những việc nhỏ, đó là cái thâm ý Lời quẻ Tỉnh dạy cho chúng ta vậy. Viết đến đây tôi lại nhớ năm 1959, Bác Hồ lên Thái Nguyên công tác, có bất ngờ rẽ vào Khu Gang Thép thăm bộ đội chuyển ngành chúng tôi đang vỡ đồi làm nền móng nhà máy. Biết chúng tôi có thắc mắc về lương bổng, Bác hỏi chúng tôi: “Muốn uống nước thì phải làm gì?” Chúng tôi đồng thanh trả lời: “Phải đào giếng ạ!”. Bác nói: “Đào giếng rồi, còn phải múc nước giếng lên, đun sôi lên thì mới có nước trong lành mà uống. Việc xây dựng nhà máy bây giờ là thế”. Phải chăng cái năm 1959 ấy, Bác Hồ đã lấy Đạo Giếng ra nói chuyện với chúng tôi?

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/home/dao-gieng/20104/181258.laodong