Đạo luận án:Bộ trưởng Đức phải từ chức,VN thì sao?

Ở phương Tây nếu chép luận án người ta đưa lên phần mềm máy tính là biết ngay, chỉ cần hai luận án nếu giống nhau một vài trang là anh bị xử lý luôn, mặc dù anh ở vị trí nào cũng bị cách chức.

Trao đổi với PV Infonet, PGS.TS Tống Đình Quỳ, Viện toán học (Đại học BKHN) cho biết: “Còn nếu anh bảo vệ lâu rồi thì bản thân anh nên cảm thấy xấu hổ. Như vừa rồi hai Bộ trưởng ở nước Đức phải từ chức khi người ta phát hiện 2 Bộ trưởng có những đoạn luận án giống nhau. Mà luận án cách đây cũng vài chục năm rồi…”

Sự việc xảy ra hồi đầu năm 2013, bà Annette Schavan, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Khoa học Đức từ chức 4 ngày sau khi trường Đại học Düsseldorf cho rằng bà đã sao chép nhiều phần một cách chủ ý và có hệ thống bài luận văn của mình và tước bằng tiến sỹ mà đại học này trao cho bà này cách đây hơn 30 năm. Năm 2011, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Karl-Theodor zu Guttenberg cũng từ chức vì đạo luận văn, luận án.

Theo PGS Quỳ, phương Tây người ta coi trọng khoa học là một ngành đặc thù và rõ ràng, chứ không thể lập lờ được. Sự việc hai bộ trưởng ở Đức bị cách chức vì đạo văn cho thấy khoa học ở phương Tây rất khắt khe.

Ở phương Tây luận án giống nhau bị xử lý rất khắt khe

Việc phát hiện luận án trùng nhau cũng rất dễ, người phương Tây họ đưa lên hệ thống máy tính, phần mềm so sánh luận án khi anh bảo vệ. Nếu luận án của anh A giống của luận án anh B là bị xử lý luôn. Mặc dù anh đang công tác ở vị trí nào cũng bị cách chức…

Theo PGS Quỳ, ở VN từ ngày xưa, những luận án được bảo vệ cách đây vài chục năm của các bậc tiền bối, thông tin trên mạng, máy tính rất ít vì không ai làm. Còn mươi năm trở lại đây, ở VN người ta đưa vào phần mềm và đưa lên mạng, anh chỉ chép một đoạn là người ta biết ngay.

Về nguyên tắc nếu trò sai thì thầy cũng phải chịu. Nhưng ở ta, có tính là thầy hay thương trò, mặc dù các thầy nhắc nhở nhưng thôi vì anh đã có kết quả rồi, anh đã bảo vệ thành công rồi thì không ai nhắc lại chuyện đó làm gì…

PGS Quỳ nhận định: "Ngày xưa ở VN ta, người ta không coi trọng việc này, hay vì lý do gì đấy, chẳng hạn trò hơi đuối… lên các thầy cho qua, mặc dù chỗ này, chỗ kia trong luận án giống nhau.

Nhưng bây giờ việc sao chép luận án rất khó, vì thông tin khoa học rất hiện đại, phát triển rồi, vì vậy, việc bảo vệ luận án, chấm luận án sẽ khắt khe hơn… Tuy nhiên, so với phương tây thì không thể bằng được".

Trong luận án hiện nay bắt buộc có hẳn một trang đầu tác giả phải cam đoan. Nếu anh cam đoan mà xảy ra lỗi là anh phải chịu. Còn phương Tây, người ta không làm vậy. Khi anh được phong hàm GS, người ta có một tài khoản riêng, có trợ giảng và một PGS kèm theo, việc quan hệ đối xử giữa 3 người rất bình đẳng.

Theo PGS Quỳ, khi đã được hàm GS, theo quy định cứ 3 -5 năm anh phải có một công trình nghiên cứu nào đó để cộng điểm. Hoặc nếu anh không có thì phải bảo vệ lại, nếu không người ta sẽ hủy chức danh GS của anh.

Việc xét phong hàm GS ở các nước phương Tây chỉ là một nhóm người, thậm chí cả người có hàm Tiến sỹ cũng tham gia Hội đồng để xét phong hàm vị.

Quang Huy

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/dao-luan-anbo-truong-duc-phai-tu-chucvn-thi-sao-post115291.info